CTGDPT mới giúp thầy cô tăng khả năng tự học, HS được thực hành thí nghiệm nhiều

21/02/2023 06:44
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo đánh giá của nhiều giáo viên, môn Khoa học tự nhiên ở chương trình mới có ưu thế về thời lượng và thu hút học sinh với nhiều giờ thực hành, thí nghiệm.

“Điểm sáng” là học sinh được thực hành nhiều

Khoa học tự nhiên là một trong những môn khiến nhiều nhà trường cũng như các giáo viên “đau đầu” nhiều nhất, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên, song, môn Khoa học tự nhiên vẫn có những điểm sáng nhất định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Ngọc Hân - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đánh giá: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới, nhất là đối với một số môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý,... Sự thay đổi đó cũng có nhiều tích cực trong hiệu quả đối với học sinh.

Theo đánh giá của một số giáo viên, sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tác động tích cực đến học sinh. Ảnh: NVCC.

Theo đánh giá của một số giáo viên, sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tác động tích cực đến học sinh. Ảnh: NVCC.

Chẳng hạn, đối với môn Khoa học tự nhiên, trong quá trình học, học sinh có thể vận dụng liên kết những kiến thức của các phân môn Vật lý - Hóa học - Sinh học để giải thích những vấn đề trong thực tiễn. Tương tự, với Lịch sử - Địa lý, trong quá trình học, học sinh cũng có thể gắn kết được những kiến thức lịch sử vào kiến thức địa lý liên quan và có thể ghi nhớ một cách sinh động hơn. Chính sự liên kết của các kiến thức đã tạo cho học sinh những góc nhìn toàn diện hơn, từ đó tạo nên sự hứng khởi đối với học sinh...

Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô cốt cán được tập huấn ở Bộ, ở tỉnh sau đó tập huấn cho đội ngũ giáo viên ở trường những nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, đem lại nhiều hứng thú cho học sinh trong chương trình mới. Đó là những điều tích cực mà nhà trường đã nhận được.

Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đánh giá cao ở môn Khoa học tự nhiên, một phần cũng nhờ đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo với môn học mới, tích cực ứng dụng STEM theo định hướng của sách giáo khoa mới, đưa việc học gắn liền với thực tiễn”.

Từ thực tiễn dạy học, cô giáo Nguyễn Thu Mai - giáo viên phụ trách môn Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh - Hà Giang) cho biết: “Là một trong những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên (tích hợp kiến thức ở 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và thêm một phân môn nữa về Khoa học Trái Đất và bầu trời), tôi cũng nhận thấy môn học có rất nhiều ưu điểm.

Cô giáo Nguyễn Thu Mai cho học sinh thực hành thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thu Mai cho học sinh thực hành thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Trước hết, có sự liên kết kiến thức giữa các phân môn theo những chủ điểm. Những bài được đưa ra trong sách giáo khoa có mục đích rõ ràng, kiến thức thông tin đính kèm kênh hình giúp học sinh có khả năng ghi nhớ sâu và lâu hơn.

Hơn nữa, với môn Khoa học tự nhiên, học sinh sẽ được thảo luận cùng nhau nhiều hơn, được cùng nhau thực hiện những thí nghiệm, trải nghiệm hoạt động STEM hấp dẫn... Chưa hết, với môn học này, cô trò có thể sử dụng các phương pháp dạy và học mới, chẳng hạn, giáo viên giao dự án học cho học sinh tự học ở nhà. Đặc biệt, đối với môn Khoa học tự nhiên, các em cũng có những bài tập tình huống rất thực tế.

Tôi thấy rằng, “điểm sáng” thu hút học sinh nhất đối với môn Khoa học tự nhiên chính là được học thực hành nhiều, các em không chỉ được thực hành trong phòng thí nghiệm, mà còn được thực hành ngoài môi trường thực địa”.

Bên cạnh đó, cô giáo Nguyễn Thu Mai cũng thông tin thêm: “Với sự đổi mới của chương trình và sách giáo khoa mới, hầu như các bộ thí nghiệm cũ không còn sử dụng được nhiều, nhưng với công nghệ thông tin hữu ích hiện nay, học sinh hoàn toàn có thể quan sát các thí nghiệm ảo. Học sinh có thể về nhà tự xem các video rồi khi đến lớp, các em sẽ thuyết trình, trình bày lại quá trình và kết quả thí nghiệm theo quan sát của mình. Theo tôi, như vậy cũng rất tốt.

Việc các em phải tự tìm tòi, nghiên cứu nội dung bài giảng từ trước, chính là ưu điểm khiến học sinh sẽ phát huy được khả năng tự học của mình.

Mặc dù, một số phòng học và các trang thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, song, nhìn chung, về kiến thức, tôi thấy đã phát huy được năng lực học tập của học sinh. Nếu có thể trang bị cơ sở vật chất, phòng học bộ môn cùng các trang thiết bị dạy học kịp thời thì hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa”.

Ưu thế của chương trình mới là thời lượng

Chia sẻ với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Phúc Xá - Ba Đình, Hà Nội) cũng đánh giá: “Mặc dù vẫn còn những vất vả, nhưng đến thời điểm này, cả cô và trò đều đã đáp ứng và bắt kịp chương trình. Với quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, các thầy cô trong tổ đều nỗ lực học tập lẫn nhau, triển khai dạy tích hợp ngay từ những ngày đầu, dành thời gian cập nhật, tìm hiểu sâu cả những kiến thức không phải chuyên môn của mình.

Chúng tôi đều biết rằng, bánh xe lịch sử đã quay, không thể thay đổi được, chỉ có tiến lên, tiếp nhận, nên tổ Khoa học tự nhiên chúng tôi không muốn một môn học phải có 3 cô cùng bước vào.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Phúc Xá - Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Phúc Xá - Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi cho rằng, khả năng tự học của giáo viên phải rất lớn. Bản thân tôi trước đây là giáo viên Vật lý, nên cũng cảm thấy rất thú vị khi được học thêm các kiến thức về Hóa học hay Sinh học... Tôi tâm niệm, nếu không dũng cảm bước ra khỏi vỏ bọc, không bước ra khỏi vùng an toàn thì sẽ không bao giờ trải nghiệm được những cái mới”.

Theo cô Hoàng, môn Khoa học tự nhiên cũng trở nên khá hấp dẫn đối với học sinh: “Hầu hết các em học sinh khá thích thú khi có nhiều trò chơi, hoạt động được lồng ghép trong giờ học và luôn được chủ động chuẩn bị bài học. Nhờ vậy, giáo viên cũng rèn được rất nhiều kỹ năng cho học sinh theo chương trình mới: Các em có thể lên thuyết trình, tự trình chiếu, trình bày, kết quả làm việc nhóm...”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Phúc Xá - Ba Đình hăng say trao đổi, làm việc nhóm. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Phúc Xá - Ba Đình hăng say trao đổi, làm việc nhóm. Ảnh: NVCC.

“Mặc dù chương trình có vẻ “dày” hơn, nhưng kỳ thực, mỗi bài học - chủ điểm trong chương trình mới lại gồm nhiều tiết, nên về mặt thời lượng, giáo viên chúng tôi có thể nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn so với chương trình cũ (thường là một bài một tiết) nên nhiều khi phải cố “chạy” cho xong bài.

Tôi cho rằng đó là một ưu thế của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thời lượng các bài khá “đủng đỉnh”, không khiến các cô phải “chạy ma-ra-tông” như chương trình cũ. Cũng là một thế mạnh, cả cô giáo và học sinh cũng không quá bị áp lực với các phần kiến thức trong một tiết học” - cô Nguyễn Thị Hoàng tâm sự.

Mộc Trà