Người viết nhận được chia sẻ của bạn đọc hình ảnh đề thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 6 ở một số địa phương thực hiện trong năm học 201-2022.
Thầy giáo Nguyễn Anh đang dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, công tác tại Bà Rịa – Vũng Tàu khi thấy thông tin thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 6 năm học 2021-2022 đã chia sẻ:
“Tôi đưa thông tin có địa phương thi học sinh giỏi lớp 6 năm học 2021-2022 cho đồng nghiệp ai cũng bất ngờ, không tin đó là sự thật.
Năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở trung học cơ sở với bộn bề khó khăn, đặc biệt là các môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý…) nay thấy triển khai thi học sinh giỏi ở lớp 6, tôi thấy quả là vội vàng, bất hợp lý, gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh.
Bất ngờ lớn nhất, chính là không có môn Hóa học ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 sao mà địa phương lại thi học sinh giỏi môn Hóa học.
Lớp 6 năm học 2021-2022 làm gì có môn Hóa học mà thi học sinh giỏi môn này? Phải chăng địa phương tự “đẻ” ra chương trình riêng của mình có môn Hóa học ở lớp 6?
Kiến thức phân môn Hóa học ở lớp 6 được phân bổ chủ yếu trong môn Khoa học tự nhiên. Nếu địa phương thi học sinh giỏi kiểu này chẳng khác gì phá chương trình mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo thực hiện.
Học thì học môn Khoa học tự nhiên, thi học sinh giỏi lại thi môn Hóa học, môn Sinh học, môn Vật lý, đúng là cảnh … tréo ngoe”.
Ảnh chụp đề thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 6 do bạn đọc cung cấp |
Học sinh lớp 6 học kiến thức phân môn Hóa học như thế nào?
Trong năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện chương trình mới với lớp 1, 2, 6. Với lớp 6, không có môn Hóa học, mà thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên.
Môn Khoa học tự nhiên được cho là “tích hợp” kiến thức môn Vật lý, Sinh học, Hóa học. Kiến thức phân môn Hóa học được dạy ở lớp 6 có thời lượng 24 tiết.
Phân môn kiến thức Hóa học bao gồm Chủ đề 2: Các thể của Chất 4 tiết; Chủ đề 3: Oxigen và không khí 4 tiết; Chủ đề 4: Một số vật liệu, nguyên liệu, lương thực – thực phẩm 8 tiết; Chủ đề 5: Chất tinh khiết – Hỗn hợp. Phương pháp tách các chất + Kiểm tra, đánh giá giữa kì I.
Nếu trừ đi 1 tiết ôn tập, 1 tiết dành cho kiểm tra, đánh giá giữa kì I, thực dạy phân môn kiến thức Hóa học ở lớp 6 chỉ có 22 tiết.
Có nên tổ chức thi học sinh giỏi theo phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý?
Môn Khoa học tự nhiên nói riêng, môn tích hợp nói chung, ở chương trình trung học cơ sở đang gặp bộn bề khó khăn.
Khó khăn ở cả người viết sách giáo khoa, làm chương trình và người dạy học. Ngày 8/8/2015, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã có chia sẻ với báo chí như sau:
“Điều tôi băn khoăn là điều kiện để thực hiện. Bởi vì chúng ta đặt vấn đề học tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên... Vấn đề đặt ra là ai là người viết sách? Hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học.
Thứ hai là người dạy, hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Ai là người sẽ dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó”. [1]
Thực tế, sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6, 7, 8 đều do 3 nhóm tác giả của 3 phân môn khác nhau thực hiện.
Nhà trường đang rối bời về phân công chuyên môn giáo viên dạy môn tích hợp, nơi một người dạy, nơi 3 người cùng dạy một cuốn sách.
Vậy có nên tổ chức thi học sinh giỏi theo phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý? Người viết đã thăm dò ý kiến trên với 10 giáo viên đang dạy môn Khoa học tự nhiên theo nội dung sau:
Ảnh nội dung thăm dò do tác giả thực hiện |
Trong đó có 7 ý kiến cho rằng, hoàn toàn không nên thi học sinh giỏi theo phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý; 2 ý kiến nên thi học sinh giỏi theo phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý, 9 ý kiến chọn thi học sinh giỏi ở lớp 9, 1 ý kiến đề nghị bỏ thi học sinh giỏi ở trung học cơ sở.
Qua tìm hiểu, người viết thấy chỉ có một số địa phương thực hiện thi học sinh giỏi môn tích hợp theo kiến thức đơn môn ở lớp 6.
Vấn đề thi học sinh giỏi theo môn tích hợp hay theo các đơn môn khi thực hiện chương trình 2018 là vấn đề mới, chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Người viết kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu trên cơ sở khoa học sư phạm và thực tế, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây áp lực cho thầy và trò.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-giao-duc-moi-thuc-hien-khong-de-20150808073123288.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.