Sau hơn 10 tuần ngắt quãng, bao nhiêu HS lớp 7 còn nhớ được kiến thức Hóa học?

28/02/2023 06:36
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý còn rất nhiều vấn đề cần bàn, tính toán lại một cách cẩn trọng khoa học.

Một trong nhiều vấn đề băn khoăn đối với môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở là việc thiết kế học sinh học xong một phân môn, sau đó bỏ hẳn một thời gian dài, liệu học sinh với lứa tuổi rất nhỏ 12-13 tuổi có còn nhớ về kiến thức phân môn đó hay không là vấn đề rất đáng bàn, cần có nghiên cứu khoa học cụ thể.

Ảnh minh họa vtn.vn

Ảnh minh họa vtn.vn

Thiết kế sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6, 7 ra sao?

Đối với môn Khoa học tự nhiên 6: Phần mở đầu, chủ đề 1 Các phép đo (phân môn Vật lý);

Chủ đề 2 Các thể của chất; chủ đề 3 Oxygen và không khí; chủ đề 4 Một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực-thực phẩm thông dụng: tính chất và ứng dụng của chúng; chủ đề 5 Chất tinh khiết-hỗn hợp. Phương pháp tách các chất) (phân môn Hóa học);

Chủ đề 6 Tế bào-đơn vị cơ sở của sự sống; chủ đề 7 Tế bào đến cơ thể; chủ đề 8 Đa dạng thế giới sống (phân môn Sinh học); chủ đề 9: Lực; chủ đề 10 Năng lượng và cuộc sống; chủ đề 11 Trái đất và bầu trời (phân môn Vật lý).

Đối với môn Khoa học tự nhiên 7: Phần mở đầu, chủ đề 1 Nguyên tử - nguyên tố hóa học – sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học; chủ đề 2 Phân tử (thuộc phân môn Hóa học);

Chủ đề 3 Tốc độ; chủ đề 4 Âm thanh; chủ đề 5 Ánh sáng; chủ đề 6 Từ (phân môn Vật lý);

Chủ đề 7 Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật; chủ đề 8 Cảm ứng ở sinh vật và tập tính ở động vật; chủ đề 9 Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật; chủ đề 10 Sinh sản ở sinh vật; chủ đề 11 Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất (phân môn Sinh học).

Thực tế, việc thiết kế chương trình cả môn Khoa học tự nhiên 6, 7 đều chia ra các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thiết kế môn Khoa học tự nhiên 140 tiết/năm (tương ứng 4 tiết/tuần) với việc học mỗi phân môn 4 tiết Hóa học hoặc 4 tiết Sinh học, 4 tiết Vật lý trong 1 tuần là quá tải đối với sự tiếp thu của học sinh lứa tuổi trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, với lứa tuổi học sinh lớp 6, 7 chỉ 12 – 13 tuổi nhưng học sinh học xong 1 phân môn xong bỏ một thời gian quá dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, ghi nhớ kiến thức của học sinh.

Ví dụ, học sinh lớp 6 học phân môn Hóa học khoảng 5 tuần ở học kỳ I sau đó chuyển hẳn sang phân môn Sinh học, Vật lý và đến lớp 7 mới quay lại học khoảng 8 tuần rồi tiếp tục bỏ hẳn một thời gian rất dài sang lớp 8 mới được học lại

Học sinh nhỏ tuổi, khả năng tiếp thu liên tục mới có thể hình thành, ghi nhớ kiến thức nhưng khi học xong 1 phần môn Hóa học, bỏ gần 7, 8 tháng mới được học lại gần như học sinh sẽ quên gần hết kiến thức.

Bất ngờ kết quả khảo sát kiến thức học sinh sau 12 tuần không học về Hóa học

Để có cơ sở khoa học nhận xét về khả năng tiếp thu của học sinh sau khi học 1 phân môn và bỏ sau một thời gian khá dài, người viết tiến hành một khảo sát nhỏ trên 2 lớp 7, với số lượng tổng cộng 82 học sinh. Nội dung các câu hỏi trong khảo sát là những câu hỏi ở mức độ cơ bản, mức độ nhận biết, nội dung như sau:

Nội dung bài khảo sát. Ảnh: Minh Khôi

Nội dung bài khảo sát. Ảnh: Minh Khôi

“Gởi các em học sinh lớp 7, các em đã học về Phân môn Hóa học từ Tuần 1 đến tuần 9 (bao gồm cả kiểm tra giữa kỳ), từ tuần 10 đến tuần 20 các em học về phân môn Vật lý, từ tuần 21 đến tuần 35 các em sẽ học về phân môn Sinh học.

Dự kiến đến đầu năm lớp 8, các em mới tiếp tục quay lại phân môn Hóa học.

Hiện nay, đang ở tuần lễ thứ 22, xin được có một số câu hỏi khảo sát xem mức độ lưu giữ kiến thức phân môn Hóa học của các em sau một thời gian hơn 10 tuần không được học như thế nào?

Câu 1: Nêu tên nguyên tố, ký hiệu các nguyên tố hóa học thông dụng vào chỗ còn trống trong bảng sau:

Ký hiệu nguyên tố hóa học

Tên nguyên tố

Tên nguyên tố

Ký hiệu nguyên tố hóa học

Na


Potassium


Cl


Iron


Al


Iodine


Câu 2: Em hãy kể tên một số nguyên tố kim loại mà em nhớ gồm ký hiệu và tên gọi :

Câu 3: Em hãy kể tên một số nguyên tố khí hiếm. Đặc điểm của nguyên tử khí hiếm

Câu 4: Biết công thức hóa học hợp chất là AlxOy. Tìm x, y và viết công thức hóa học khi biết Al có hóa trị III, O có hóa trị II.

Câu 5: Một hợp chất có công thức Nx0y, trong đó N chiếm 63,64%. Khối lượng phân tử hợp chất là 44 amu. Xác định công thức hóa học của hợp chất.

Theo em, việc các em không học kiến thức hóa học trong một thời gian dài ảnh hưởng khả năng tiếp thu của em như thế nào? Em có kiến nghị gì để em học tốt môn Khoa học tự nhiên.”

Thật bất ngờ với kết quả khảo sát ở 82 học sinh như sau:

Câu 1: đúng 6 ý: được 0/82 học sinh; đúng 5 ý được 3/82 học sinh; đúng 4 ý được 5/82 học sinh; đúng 3 ý được 9/82 học sinh; đúng 2 ý được 12/82 học sinh; đúng 1 ý: 19/82 học sinh; không đúng ý nào: 35 học sinh.

Câu 2: có được 12/82 học sinh ghi được đúng tên các nguyên tố.

Câu 3: có 6/82 học sinh thực hiện đúng câu 3

Câu 4: chỉ có 3 học sinh thực hiện đúng

Câu 5: không có học sinh nào thực hiện đúng

Ở câu hỏi cuối cùng, đa số học sinh nêu là mới bỏ khoảng 10 tuần các em đã không còn nhớ kiến thức, đến đầu năm lớp 8, các em sẽ không còn nhớ gì về kiến thức Hóa học để học tiếp chương trình.

Dưới đây là một số bài làm của học sinh:

Bài làm học sinh Ảnh minh họa Minh Khôi

Bài làm học sinh Ảnh minh họa Minh Khôi

Bài làm học sinh. Ảnh: Minh Khôi

Bài làm học sinh. Ảnh: Minh Khôi

Cần phải xem lại việc dạy tích hợp nhưng học theo tuần tự phân môn như thiết kế hiện nay

Tích hợp về từ nguyên, tích hợp (Integration) có nguồn gốc từ tiếng La tinh với nghĩa là xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở các bộ phận riêng lẻ, tức là kết hợp các phần, các bộ phận với nhau trong một tổng thể. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, khái niệm tích hợp dùng để chỉ tư tưởng giáo dục toàn diện, làm cho con người phát triển hài hòa, cân đối.

Trong dạy học ở bậc phổ thông, tích hợp được hiểu là sự tổ hợp theo một cách thức nào đấy một số nội dung cần thiết cho việc hình thành, phát triển năng lực người học thành một môn học mới; hoặc tạo môn học mới từ một số nội dung của các môn học khác; hay có thể lồng ghép thêm các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của môn học… Dạy học tích hợp được hiểu là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn sao cho học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã có thuộc các lĩnh vực để giải quyết được nhiệm vụ học tập và qua đó mà hình thành kiến thức, kỹ năng mới.

Tuy nhiên, dư luận khó đồng thuận với việc thiết kế chương trình tích hợp nhưng lại chia thành các phân môn.

Thậm chí một số địa phương đã tổ chức thi học sinh giỏi các phân môn Hóa học, Sinh học,…ở lớp 6, 7, không đúng tinh thần tích hợp.

Một phần đề thi học sinh giỏi môn Hóa học 6 trên Facebook

Một phần đề thi học sinh giỏi môn Hóa học 6 trên Facebook

Chương trình và sách giáo khoa không phải là tích hợp mà là ghép môn, các sách giáo khoa Khoa học tự nhiên chia làm 3 phần riêng biệt Vật lý, Hóa học, Sinh học vào 1 sách, sách Lịch sử và Địa lý chia thành 2 phần, phần I Lịch sử, phần II Địa lý riêng biệt.

Chia làm 2, 3 phân môn rạch ròi nhưng lại gọi là tích hợp, yêu cầu giáo viên phải bồi dưỡng để giảng dạy 3 phân môn trong 1 môn học sẽ rất khó khả thi.

Việc bồi dưỡng 20-36 tín chỉ để trở thành giáo viên dạy được 3 phân môn thiếu khoa học, không đúng quy chế đào tạo tín chỉ, giáo viên học đơn môn để giảng dạy cần thời gian 4 năm, học thêm 2 môn chỉ trong 3 tháng là không phù hợp.

Rõ ràng, chương trình tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý còn rất nhiều vấn đề cần bàn, tính toán lại một cách cẩn trọng khoa học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi