Thanh Hóa là một trong những địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023, tuy nhiên, có sự thay đổi về chính sách, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã lên phương án trả lại khoản chênh lệch học phí đã thu trong học kỳ 1 cho học sinh theo tinh thần của Nghị quyết 165 của Chính phủ về việc giữ nguyên mức học phí như cũ.
Trước đó, ngày 13/7/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.
Theo đó, học phí kỳ I năm học 2022 - 2023 của các trường công lập đã tăng lên 53,8% so với bậc mầm non; tăng 150% đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông là 93,5%.
Ngày 17/3, liên quan đến việc cấp bù lại tiền học phí đã thu tăng trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở học kỳ 1 vừa qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, ngày 10/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã có tờ trình số 645/TTr- SDĐT về việc “Sửa đổi mức thu học phí năm học 2022 - 2023 quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 và hỗ trợ phần chênh lệch tăng thêm mức thu học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên”.
Đồng thời, ngày 16/3, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng có tờ trình gửi đến Thường vụ Tỉnh Ủy Thanh Hóa liên quan đến việc cấp bù lại tiền học phí đã thu tăng trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở học kỳ 1 vừa qua .
Theo đó Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã hoàn thiện và xin ý kiến Sở Tài chính về dự thảo Tờ trình và Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ.
Hoạt động chơi tự do của trẻ trường Mầm non Đông Hoàng. Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa |
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đề xuất giữ ổn định mức thu năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 theo quy định tại Nghị quyết số 149/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 về việc quy định mức thu học phí năm học 2021 - 2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ 60% phần chênh lệch mức thu học phí của học kỳ I năm học 2022 - 2023 (tháng 9, 10, 11, 12) của Nghị quyết số 287/2022/NQHĐND ngày 13/7/2022 so với mức thu học phí được quy định tại Nghị quyết này, do các cơ sở giáo dục đã thu và quyết toán năm tài chính 2022, dự kiến hỗ trợ 66.938.208.000 đồng (gần 67 tỷ đồng – PV)
Đối với phần chênh lệch của học kỳ I (tháng 9, 10, 11, 12 năm 2022) phát sinh do các đơn vị đã thu theo hướng dẫn mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 – 2023 của các cơ quan chức năng nhưng chưa phát sinh phần chênh lệch mức thu theo Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022, mức hỗ trợ sẽ bằng 60% phần chênh lệch học kỳ I năm học 2022-2023 (tương đương với 60% học phí đã chi trong năm 2022 theo qui định để bổ sung vào hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục); Các cơ sở giáo dục sử dụng mức 60% chênh lệch được hỗ trợ và 40% mức chênh lệch đang giữ lại thực hiện cải cách tiền lương để trả lại cho các đối tượng đã thu.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng có đề xuất về việc hoàn trả kinh phí đã thu năm học 2022 – 2023.
Trong đó Sở này đề xuất, đối với học phí năm học 2022 - 2023 các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã thu theo quy định tại Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở giáo dục hoàn trả lại cho các đối tượng đã thu phần chênh lệch giữa mức thu học phí học năm học 2022 -2023 so với mức thu của nghị quyết này.
Nguồn kinh phí sẽ được dự trù bởi 2 phương án bao gồm, Ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% phần chênh lệch mức thu học phí của học kỳ I năm học 2022 - 2023 (tháng 9, 10, 11, 12) của Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 so với mức thu học phí được quy định tại Nghị quyết này cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, dự kiến hỗ trợ 66.938.208.000 đồng. (gần 67 tỷ đồng)
Phương án thứ 2 sẽ theo phân cấp ngân sách hiện hành. Cụ thể, theo ý kiến của Sở Tài chính Thanh Hóa sẽ bao gồm ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ một phần(dự kiến hơn 21 tỷ đồng) và ngân sách cấp huyện một phần (dự kiến gần 46 tỷ đồng).
. Ảnh minh họa: LC |
Nói về việc tăng học phí, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, việc tăng học phí cũng là việc bình thường của cả nước, chứ không riêng gì Thanh Hóa. Bởi khi Nghị định (81/2021/NĐ – CP) của Chính phủ đã ban hành, thì các địa phương phải thực hiện theo. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, Chính phủ lại ban hành Nghị quyết (165/NQ-CP), nên việc các trường tiến hành thu tăng học phí là không sai. Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác trên toàn quốc, việc thực hiện tăng học phí, giữ nguyên học phí, cấp bù đã thu tăng thêm trong học kỳ I, là theo Nghị định của Chính phủ và phương án giải quyết như vậy là tối ưu.
“Sở đã có đề xuất như vậy, còn kết quả duyệt thế nào vẫn đợi Thường vụ tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định”, một lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết thêm.
Trước đó, học kỳ I năm học 2022-2023, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong hệ thống công lập tại thành phố Thanh Hóa có mức thu học phí 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức thu này tăng tương đối nhiều so với năm học 2021 - 2022. Năm học trước, học phí bậc mầm non là 195.000 đồng/học sinh/tháng. Học phí bậc trung học cơ sở là 120.000 đồng/học sinh/tháng và bậc trung học phổ thông có mức học phí là 155.000 đồng/học sinh/tháng.
Như vậy, kỳ I năm học 2022 - 2023, mức học phí của các trường công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng lên, với mầm non tăng 53,8%, với cấp trung học cơ sở là 150% và với cấp trung học phổ thông là 93,5%.