Khi ĐH tự chủ, trường chuyên trực thuộc ĐH có bị "cắt" ngân sách nhà nước?

13/11/2022 06:41
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong khi nguồn lực bên trong còn khó khăn, theo tôi có thể tư nhân hoá một phần bằng cách kêu gọi đầu tư từ bên ngoài để nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất...

Giáo dục trường chuyên nghiêng hẳn một chiều nếu chỉ tập trung nguồn lực vào những “hạt giống”

Mô hình trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Để thực hiện được điều này, trường chuyên phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa giáo dục toàn diện vừa phát triển mũi nhọn. Trong đó, Nhà nước sẽ ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên.

Trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế. Ảnh: Fanpage nhà trường

Trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế. Ảnh: Fanpage nhà trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế (trực thuộc Đại học Khoa học, Đại học Huế) khẳng định, việc phát triển mô hình trường chuyên là một chủ trương đúng đắn trong chính sách tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, thầy Tuyền cũng chỉ ra một thực tế hiện nay, một số trường chuyên vì quá chú trọng đến thành tích đã tập trung mọi nguồn lực cho những “hạt giống” nổi bật, khiến việc giáo dục nghiêng hẳn về một chiều. Chỉ tiêu về thành tích tạo áp lực không nhỏ cho học sinh và giáo viên.

“Đó còn chưa kể đến sự lãng phí nguồn lực, đáng ra dùng để đầu tư đổi mới, phát triển toàn diện giáo dục sẽ mang lại hiệu quả to lớn và lâu dài hơn”, Phó giáo sư Tuyền nói thêm.

Vậy câu hỏi đặt ra chính là việc môi trường giáo dục cho học sinh chuyên phải thay đổi ra sao để phù hợp với mục tiêu "nuôi dưỡng nhân tài"? Theo thầy Tuyền, dù ở môi trường nào, học sinh cần phải được giáo dục, đào tạo toàn diện: tri thức - kĩ năng - thái độ để các em có thể hội nhập, thích ứng với xu thế phát triển đa dạng, nhanh chóng của thế giới.

Là nhà giáo đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Phó giáo sư Tuyền nhấn mạnh:

“Nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục giàu tính trải nghiệm để phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, đổi mới của người học; xây dựng chương trình giáo dục khai phóng, hiện đại nhằm khám phá, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; môi trường ấy cần có sự kết nối và tin tưởng giữa nhà trường - học sinh - phụ huynh - xã hội. Và tất cả được xây dựng trên nền tảng: kỷ cương - tình thương - trách nhiệm - dân chủ”.

Kiến nghị có thể tư nhân hóa một phần đối với trướng chuyên

Hiện nay, ngân sách đầu tư cho trường chuyên đều lấy từ Nhà nước, do đó mức độ đầu tư còn có phần hạn chế. Việc xây dựng trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ giữa các địa phương.

Từ thực tế này, đã có nhiều ý kiến bàn chuyện tư nhân hóa mô hình trường chuyên. Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư Tuyền cho rằng, xã hội hoá giáo dục là chủ trương được Đảng, Nhà nước chúng ta đặt ra từ lâu, và trên thực tế, từ nhiều năm nay, mô hình trường tư thục đã xuất hiện và phát triển khá mạnh.

“Với cơ chế thông thoáng, các trường được trao nhiều quyền tự chủ về tuyển sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất, công tác tổ chức và tài chính. Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như sự minh bạch trong công tác quản trị tài chính”, thầy Tuyền nêu lên những mặt tích cực và hạn chế của việc xã hội hóa giáo dục.

Học sinh trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế tại cuộc thi "Giọng đọc nhà Chuyên". Ảnh: Fanpage nhà trường

Học sinh trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế tại cuộc thi "Giọng đọc nhà Chuyên". Ảnh: Fanpage nhà trường

Riêng đối với mô hình trường chuyên, đối sánh với chức năng nhiệm vụ và nguồn lực phát triển hiện tại, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế kiến nghị có thể tư nhân hóa một phần. Cụ thể, thầy Tuyền cho rằng:

“Do có mục tiêu, đối tượng riêng, trường chuyên cần có nhiều chính sách đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong khi nguồn lực bên trong còn khó khăn, theo tôi có thể tư nhân hoá một phần bằng cách kêu gọi đầu tư từ bên ngoài để nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; bổ sung chi phí chi thường xuyên thu hút các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đảm bảo cho các hoạt động giáo dục chất lượng cao; cải thiện chính sách ưu đãi cho giáo viên và học sinh”.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo về Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Dự thảo lần này được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/05/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.

Theo thầy Tuyền, những quy định trong dự thảo về cơ bản phù hợp với yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục nước nhà và tình hình phát triển thực tế của mô hình trường chuyên. Góp ý cho dự thảo, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, tại Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo đặt ra nhiệm vụ của trường chuyên phát triển đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, trong đó có yêu cầu “sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, dạy học và nghiên cứu khoa học”. Theo Phó giáo sư Tuyền, quy định này chưa khả thi với tình hình thực tế hiện nay.

Nội dung này cũng được đề cập thêm ở Khoản 2, Điều 13, quy định về tiêu chuẩn của giáo viên trường chuyên: “Tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt”.

Thầy Tuyền nhận định đây là yêu cầu phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Trong tương lai, giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, có năng lực nghiên cứu khoa học, mà còn có kĩ năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Đây chính là công cụ giúp người dạy tiếp cận tri thức mới, áp dụng thành tựu công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, qua đó đa dạng hoá, hiện đại hoá hình thức và phương pháp giảng dạy, tiếp cận người học hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Tuyền cho rằng, riêng yêu cầu giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong dạy học và nghiên cứu khoa học cần có lộ trình lâu dài, nên khuyến khích và áp dụng cho giáo viên của một số bộ môn đặc thù, phù hợp với yêu cầu của từng vị trí việc làm, chứ không bắt buộc toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lí.

Góp ý thêm về dự thảo, thầy Tuyền kiến nghị Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ đối với các trường chuyên trực thuộc cơ sở giáo dục đại học.

“Với xu hướng tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, các trường chuyên trực thuộc cơ sở giáo dục đại học không nhận được ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi những yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục đặt ra lại quá cao: Mời chuyên gia trong và ngoài nước, liên kết hợp tác với các cơ sở giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh…

Đây là vấn đề khó khăn cho các trường chuyên trực thuộc trường đại học, vì vậy tôi kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước”, Phó giáo sư Trần Ngọc Tuyền đề xuất kiến nghị.

Doãn Nhàn