Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Cần cơ chế tuyển dụng đặc thù với SV diện NĐ116

21/04/2023 06:31
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, việc triển khai Nghị định 116 còn gặp khó khăn vì quy định về bồi hoàn kinh phí chưa rõ ràng.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực đối với công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định này cũng đã bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo các chuyên gia, để thực hiện Nghị định 116 có hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên và các địa phương.

Để tìm hiểu về những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 116 ở góc độ của các địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, theo đó, Nghị định với nhiều quy định mới, có ý nghĩa lớn, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho những sinh viên mong muốn được học tập và cống hiến trong ngành giáo dục; đồng thời tạo cơ chế cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục địa phương, cụ thể:

Thứ nhất, đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại địa phương dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với các cơ sở đào tạo; đồng thời quy định gắn trách nhiệm của địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo, việc bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đang diễn ra.

Thứ hai, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành sư phạm. Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước thông qua quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Thứ ba, xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý, bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu, để sinh viên yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, đồng thời thu hút được sinh viên giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục, thúc đẩy chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Phóng viên: Thưa bà, việc triển khai thực hiện Nghị định 116 trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc. Ở góc độ của địa phương thì còn những khó khăn nào?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; kết thúc giai đoạn I (2015-2021), tỉnh Đắk Nông đã cơ bản bảo đảm tỷ lệ cắt giảm đạt 10% so với số giao năm 2015 theo chỉ tiêu được đặt ra; tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, về công tác tinh giản biên chế Ban Chấp hành Trung ương có chỉ đạo: Đến năm 2025 “Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”, đến năm 2030 “Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025”.

Thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, theo đó: Giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Quy mô số học sinh, số lớp học tăng theo từng năm trên địa bàn tỉnh (do dân số của tỉnh Đắk Nông trong những năm gần đây tăng cao, trong đó có sự gia tăng cơ học của dân di cư tự do từ các tỉnh khác); thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/03/2015 của Liên Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thì định mức số lượng người làm việc cao hơn nhiều so với biên chế do cấp thẩm quyền giao cho tỉnh Đắk Nông.

Như vậy khó khăn lớn nhất vẫn là biên chế của cấp thẩm quyền giao chưa đáp ứng định mức theo quy định, vì vậy dẫn đến chưa có chỉ tiêu để thực hiện Nghị định số 116.

Phóng viên: Đã hai năm triển khai nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo ít nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ phía địa phương. Về phía tỉnh Đắk Nông, điều địa phương còn băn khoăn trong công tác đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên là gì, thưa bà?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Hiện nay, khó khăn về biên chế, bởi vì số lượng biên chế của cấp thẩm quyền giao cho tỉnh Đắk Nông thấp hơn so với số người làm việc theo định mức quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/03/2015 của Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dẫn đến không có chỉ tiêu để xây dựng kế hoạch lộ trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm, do đó từ năm 2022 – 2023, tỉnh Đắk Nông không đăng ký chỉ tiêu đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116.

Còn nhiều băn khoăn trong việc thực hiện Nghị định 116. Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Tây Nguyên

Còn nhiều băn khoăn trong việc thực hiện Nghị định 116. Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Tây Nguyên

Phóng viên: Một trong những vấn đề được quan tâm khi đặt hàng đào tạo giáo viên là vấn đề bồi hoàn kinh phí chưa thực sự rõ ràng. Theo bà, công tác bồi hoàn kinh phí khi thực hiện Nghị định 116 cần phải lưu tâm đến những vấn đề gì?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Việc triển khai Nghị định 116 còn gặp khó khăn, hạn chế vì quy định về việc bồi hoàn kinh phí chưa rõ ràng.

Khi địa phương đặt hàng (hoặc đấu thầu), Nhà nước thực hiện chi trả học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên nhưng nếu sinh viên ra trường không công tác cho ngành giáo dục địa phương thì việc bồi hoàn kinh phí phải được thực hiện như thế nào? Đây là một trong những nội dung tỉnh còn băn khoăn.

Sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng (hiểu ngắn gọn là nhà nước chi trả tiền đào tạo) ra trường nhưng không phải đương nhiên trở thành giáo viên mà vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Nghị định 116 quy định về đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, thì có nội dung: “Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp”.

Thế nhưng, trong thực tế, trường hợp học xong ra trường, sinh viên tham gia thi tuyển nhưng không trúng tuyển thì có phải bồi hoàn chi phí hay không? (ở đây, chúng ta đề cập đến khía cạnh không trúng tuyển là thi không đạt mà không phải do các em cố tình thi trượt).

Nếu không phải bồi hoàn chi phí đào tạo đối với trường hợp trượt trong các kỳ thi tuyển dụng thì liệu có trường hợp cố tình trượt để không bồi hoàn chi phí hay không?

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi ra trường xin công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì có phải bồi hoàn kinh phí không thì trong Nghị định số 116 cũng không quy định cụ thể.

Phóng viên: Vậy bà có góp ý, đề xuất gì để Nghị định 116 đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả, đặc biệt là không gây khó khăn cho địa phương cũng như cơ sở đào tạo trong quá trình triển khai?

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Trong quá trình thực hiện Nghị định 116, tỉnh Đắk Nông đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với phối hợp giữa các sở, ngành địa phương liên quan, để Nghị định 116 tiếp tục triển khai hiệu quả, chặt chẽ, sau quá trình đánh giá, xem xét từ thực tế, tỉnh Đắk Nông đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Bộ, ngành trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 116, cụ thể:

Thứ nhất, bổ sung cơ chế tuyển dụng đặc thù dành riêng cho đối tượng sinh viên đào tạo theo Nghị định 116 sau khi tốt nghiệp. Vì hiện nay sinh viên tốt nghiệp ra trường các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục theo quy định, vì vậy các em có thể trúng tuyển, không trúng tuyển, hoặc có tình trạng cố tình không trúng tuyển, như vậy dẫn đến phải thực hiện bồi hoàn kinh phí. Điều này gây khó khăn trong việc xác định nhu cầu vị trí việc làm ban đầu của địa phương khi cử sinh viên đi học.

Thứ hai, cần có quy định cụ thể hơn về việc sinh viên ra trường xin công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì có phải bồi hoàn kinh phí không.

Trân trọng cảm ơn bà Tôn Thị Ngọc Hạnh!

Phạm Minh