Nhiều giáo viên vẫn chưa rõ Thông tư 22 đánh giá học sinh phổ thông

29/05/2023 08:33
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu rõ Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2021 và thực hiện theo lộ trình sau: Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Mặc dù Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đã được các nhà trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện từ 2 năm qua nhưng hiện vẫn còn nhiều giáo viên, có cả lãnh đạo vẫn chưa hiểu rõ một số quy định của Thông tư này.

Ảnh minh họa: P.L/ giaoduc.net.vnẢnh minh họa: P.L/ giaoduc.net.vn

Một số nhầm lẫn về những quy định của Thông tư 22

Thứ nhất, nhiều giáo viên vẫn mặc định chỉ có kiểm tra miệng (đầu giờ) và kiểm tra 15 phút (đầu giờ hoặc cuối giờ) để lấy cột điểm miệng và cột điểm 15 phút giống như Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT.

Thực ra, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT quy định kiểm tra thường xuyên gồm: kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết (chứ không chỉ giới hạn trong 15 phút).

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá thường xuyên như sau:

1. Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Như vậy, hình thức kiểm tra thường xuyên rất đa dạng, đáng chú ý là đánh giá sản phẩm học tập của học sinh. Hình thức đánh giá bằng sản phẩm học tập rất phù hợp đối với học sinh/nhóm học sinh thực hiện các dự án.

Nhiều giáo viên đọc Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT không kĩ hoặc chưa hiểu rõ về quy định số điểm (thường gọi cột điểm) nên vẫn gọi là điểm miệng, điểm 15 phút, nhưng thực ra đây là điểm đánh giá thường xuyên.

2. Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này, như sau:

a) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét (không bao gồm cụm chuyên đề học tập): mỗi học kì chọn 02 (hai) lần.

b) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì như sau:

Môn học có 35 tiết/năm học: 02 đánh giá thường xuyên; môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 đánh giá thường xuyên; môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 đánh giá thường xuyên.

Ví dụ, môn Ngữ văn 10 được phân phối 105 tiết/năm thì có 04 cột đánh giá thường xuyên. Nếu lớp nào chọn cụm chuyên đề học tập thì có 05 cột đánh giá thường xuyên.

Vẫn còn giáo viên, lãnh đạo hiểu rằng, cho dù học sinh có học cụm chuyên đề thì tổng điểm đánh giá thường xuyên vẫn 04 cột - là sai.

3. Đối với cụm chuyên đề học tập của môn học ở cấp trung học phổ thông, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập.

Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó và ghi vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Ví dụ, môn Ngữ văn 10 có 3 chuyên đề học tập thì học sinh được kiểm tra, đánh giá cả 3 chuyên đề nhưng chỉ lấy 01 cột điểm cao nhất của chuyên đề đó.

Thường thì cột điểm chuyên đề sẽ được lấy ở học kì 2 của năm học. Như vậy, với môn Ngữ văn, học kì 1 có 04 cột đánh giá thường xuyên còn học kì 2 có 05 cột đánh giá thường xuyên.

Thứ hai, nhầm lẫn đánh giá định kì là thi giữa kì và thi cuối kì. Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kì như sau:

1. Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

Theo quy định này, việc đánh giá định kì (kiểm tra giữa kì và cuối kì) không nhất thiết phải kiểm tra tập trung theo khối lớp.

Ví dụ, giáo viên A ra đề kiểm tra môn Ngữ văn cho học sinh lớp 10C1 theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 90 phút nhưng giáo viên B vẫn được phép đánh giá học sinh qua dự án học tập. Dĩ nhiên việc đánh giá theo hình thức nào thì phải được tổ bộ môn quyết định.

Theo tìm hiểu của người viết, bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa số các trường chưa đánh giá (định kì) học sinh qua dự án học tập đối với môn Ngữ văn.

Bởi, muốn đánh giá (định kì) học sinh qua dự án học tập thì các em phải có sự chuẩn bị từ trước. Hơn nữa, thời gian làm bài môn Ngữ văn tối đa là 90 phút, học sinh rất khó hoàn thành dự án học tập với thời lượng này.

Ngoài ra, người viết vẫn băn khoăn ở chỗ, dự án học tập thường được triển khai theo từng nhóm nhỏ (vài ba học sinh) hoặc nhóm lớn (hàng chục học sinh), chứ một học sinh thì rất khó khả thi. Chưa kể, các tiêu chí chấm điểm khá phức tạp, không phải giáo viên nào cũng thực hiện được.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về việc kiểm tra sao cho tường minh, dễ hiểu, dễ thực hiện để giáo viên có thể đánh giá (định kì) học sinh qua dự án học tập có hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2021-tt-bgddt-207846-d1.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương