Giờ học Ngữ văn theo chương trình 2018 mang màu sắc khác so với trước đây
Song song cùng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ Văn là một nội dung được chú trọng trong các trường học hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nhằm giúp học sinh phát huy sáng tạo, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Với mục tiêu phát huy kỹ năng của người học hơn là việc quá chú trọng vào kiến thức, môn Ngữ văn theo chương mới đã được thổi một luồng gió mới, mang đến nhiều trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, việc triển khai dạy học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với sự thay đổi hoàn toàn từ nội dung, kiểm tra đánh giá đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như thử thách với giáo viên và học sinh.
Sự thay đổi này là tất yếu và có mối quan hệ chặt chẽ. Sự thay đổi về mục tiêu dạy học, nội dung chương trình yêu cầu cần có hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp. Từ đó, người dạy và người học cũng phải có nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: NVCC |
Khi đưa vào giảng dạy, môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều ưu điểm nổi bật như: Dạy học theo hướng phát triển kỹ năng giúp học sinh được hình thành và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu - viết – nghe - nói tập trung và toàn diện; Giáo viên, học sinh thoát tình trạng đọc chép, học và thi theo văn mẫu; Học sinh được mở rộng vốn đọc, học phương pháp chung, không học thuộc máy móc.
Song, chương trình mới cũng buộc giáo viên phải biết "trở mình", tiếp cận với yêu cầu mới, thay đổi về phương pháp lên lớp, đáp ứng yêu cầu của chương trình chung và mong mỏi của phụ huynh, học sinh.
Chính những điều trên đã làm cho giờ học Ngữ văn mang màu sắc khác, và khai phá được thêm nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh hơn.
Học sinh dần thay đổi phương pháp học và ôn tập
Theo cô Thanh Tâm, những ngày đầu mới áp dụng triển khai dạy và học môn Ngữ văn theo chương trình mới, thầy và trò Trường Marie Curie cũng gặp không ít khó khăn.
Ban đầu, giáo viên chưa lĩnh hội hoàn toàn chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên khi vận dụng vào thực tế còn nhiều bỡ ngỡ, còn tâm lí ngại thay đổi, tiếc cái cũ. Phương pháp dạy học cũng chưa thay đổi kịp để đáp ứng yêu cầu dạy học, kiểm tra đánh giá nên còn lúng túng, chưa bám sát yêu cầu cần đạt.
Giáo án phải thay đổi hoàn toàn, vì thế mà khi giáo viên chưa hiểu rõ về chương trình sẽ gặp khó khăn khi xây dựng các hoạt động dạy học hướng đến mục tiêu cần đạt. Hơn nữa, cách phân chia thời lượng bài học trong chủ đề đòi hỏi sự linh hoạt của giáo viên, làm thế nào để tránh tình trạng học sinh thấy một chủ đề kéo dài, nhàm chán.
Số lượng đơn vị kiến thức dàn trải nhiều, năng lực tiếp thu của học sinh không đồng đều nên giáo viên cũng gặp khó khăn khi dạy học. Có lúc, thầy cô lo chạy tiến độ chương trình nên sẽ không có nhiều thời gian dừng để luyện sâu về kĩ năng cho học sinh.
Về phía học sinh, các em lớp 6, 7 cần được hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp học để chủ động trong học tập, nhưng còn nhiều nguyên nhân khiến mục tiêu chương trình chưa khai mở được điều này.
Tiết học Ngữ văn bậc trung học cơ sở tại Trường Marie Curie. |
Sự thay đổi về yêu cầu, hình thức kiểm tra đánh giá cũng khiến các em khó khăn trong hoạt động ôn tập. Cùng với đó, học sinh cần thay đổi cách ghi chép sao cho phù hợp với cách học mới, trong khi đối tượng học sinh lớp 6, lớp 7 thực tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thầy cô.
“Bước qua những khó khăn ban đầu, thầy trò cùng nhau nỗ lực để từng bước cải thiện và dần bắt nhịp được với những thay đổi của chương trình mới.
Học sinh Trường Marie Curie có thế mạnh về kỹ năng nói - nghe nên chương trình mới giúp các em phát huy được nhiều thế mạnh của bản thân. Các em được bày tỏ ý kiến, được học cách đánh giá, học cách lắng nghe nên có điều kiện hoàn thiện và phát triển năng lực ngôn ngữ.
Ví dụ như học sinh lớp 7 được học trình bày ý kiến về một vấn đề, người học luôn ở trong cả hai vai: người nói và người nghe.
Các em luôn làm việc dựa trên hệ thống phiếu kiểm, phiếu đánh giá nên hạn chế được sự tuỳ hứng, yếu tố chủ quan,… Qua các bài học, các em hình thành dần kỹ năng trình bày ý kiến, được rèn luyện về tác phong, được định hình phong cách tự tin. Một số học sinh xuất sắc còn thể hiện được sự chủ động trong tư duy, có ý kiến, quan điểm riêng, không phụ thuộc hoặc chờ sự áp đặt của giáo viên”, cô Tâm cho hay.
Về việc sử dụng dữ liệu ngoài sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, ban đầu, không chỉ học sinh mà giáo viên và phụ huynh đều lo lắng, loay hoay tìm kiếm giải pháp trong giai đoạn ôn tập. Cộng với tâm lý lứa tuổi nên nhiều học sinh bước đầu còn áp lực khi làm các bài kiểm tra.
Khi xác định ngữ liệu trong bài kiểm tra nằm ngoài sách giáo khoa, thầy cô sẽ định hướng cho các em học và ôn tập theo hướng khác. Các em quen dần và thay đổi phương pháp học và cách ôn tập, không học thuộc lòng (học gạo, học vẹt) mà học hiểu, học kỹ năng giải quyết vấn đề.
Qua đó, học sinh cũng dần hình thành thói quen ghi nhớ đặc trưng thể loại, hiểu các dạng bài tương ứng với mỗi thể loại và luyện tập theo dạng bài.
Dẫu vậy, sau hai năm triển khai, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vẫn là thử thách với giáo viên và học sinh. Trong môi trường giáo dục có sự phân hoá và dạy học phân hóa theo năng lực học sinh, việc xây dựng đề kiểm tra càng khó khăn, thử thách hơn.
Đề kiểm tra phải được cân nhắc thật kĩ trong việc lựa chọn ngữ liệu sao cho hay, phù hợp để tạo được sự hứng thú của học sinh, phát huy được các ưu điểm về nội dung, phương pháp, kĩ năng đã được hình thành; nhưng cũng cần phải tính đến đối tượng là những học sinh còn gặp khó khăn trong quá trình đọc hiểu và tiếp nhận văn bản.
“Với môn Ngữ văn theo chương trình mới, hệ thống ngữ liệu mở là điều mà giáo viên tâm đắc nhất, điều này giúp việc học Ngữ văn trở nên “lãng mạn” hơn, giáo viên và học sinh không bị gò bó vào những khuôn khổ nhất định, thầy trò được trao cơ hội sáng tạo, khám phá trong thế giới của văn học.
Song, để làm tốt việc dạy và học, giáo viên luôn phải đổi mới, học hỏi để đổi mới và luôn bám sát yêu cầu cần đạt chung, dựa trên năng lực của học sinh để xây dựng hoạt động lên lớp phù hợp, mang đến hiệu quả học tập cao nhất”, cô Thanh Tâm chia sẻ.