Dạy CT mới, có GV vẫn nhầm kiểm tra thường xuyên chỉ là kiểm tra miệng, 15 phút

23/05/2023 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù thông tư ban hành từ 1-2 năm nhưng có giáo viên vẫn nhầm kiểm tra thường xuyên chỉ là kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút. 

Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, việc tổ chức ôn thi và nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Quốc Đường – Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, việc triển khai nhiệm vụ năm học ở các đơn vị còn một số hạn chế.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (Bắc Giang). Ảnh: Ngọc Mai

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (Bắc Giang). Ảnh: Ngọc Mai

Về việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, ông Ngô Quốc Đường cho biết, thứ nhất, một số đơn vị xác định việc xây dựng kế hoạch dạy học chưa đúng, chỉ nghĩ là của riêng cán bộ quản lý (hiệu trưởng/phó hiệu trưởng xây dựng). Cá biệt, có đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học chỉ để đủ hồ sơ theo Thông tư 32 yêu cầu.

Thứ hai, việc thực hiện bố trí dạy học lớp 10 chưa linh hoạt, nhất là các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Một số đơn vị chưa chủ động tổ chức dạy học, tâm lý cũ là chia đều số tiết/tuần khiến một số môn học, hoạt động giáo dục khó thực hiện hiệu quả. Còn hiện tượng áp đặt cứng nhắc đối với học sinh học môn lựa chọn lớp 10 khiến học sinh và phụ huynh có ý kiến lên Sở Giáo dục và Đào tạo.

Dưới góc độ cơ sở, thầy Nguyễn Thế Trung – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Thanh (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, giống như các trường trung học cơ sở khác ở huyện Hiệp Hòa, trường xây dựng thời khóa biểu dạy cuốn chiếu môn tích hợp Lịch sử - Địa lý và Hóa học - Sinh học - Vật lý do chưa có giáo viên.

Với môn Lịch sử - Địa lý, trường phân 2 giáo viên cùng phụ trách. Song, việc bố trí thời khóa biểu đan xen 2 giáo viên này cùng dạy tích hợp rất khó nên phải dạy cuốn chiếu. Do đó, học hết môn Lịch sử, các em sẽ học sang Địa lý, chia số tiết/tuần.

Còn thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang) cho biết, trường xếp thời khóa biểu đối với lớp 10 triển khai chương trình mới chia đều số tiết/tuần mỗi môn.

Chia sẻ về việc tổ chức chọn và sử dụng sách giáo khoa lớp 10, theo ông Ngô Quốc Đường, một số đơn vị chưa bố trí đủ các đầu sách giáo khoa vào thư viện để cho giáo viên, học sinh mượn, tặng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một số giáo viên chưa tích cực trong việc tham khảo sách học liệu khác.

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường có 10 giáo viên môn Toán thì sẽ chuẩn bị mỗi bộ 10 sách giáo khoa môn Toán để giáo viên mượn, tham khảo.

Còn thầy Nguyễn Thế Trung cho biết, khối 6, 7 của trường học bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống. Trường giao phòng chuyên môn chuẩn bị số lượng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo để phục vụ giáo viên, học sinh theo quy định. Tuy nhiên, hiện trường còn thiếu tài liệu tham khảo cho giáo viên lớp 6, 7 triển khai chương trình mới.

Đánh giá về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh, theo ông Ngô Quốc Đường, thực hiện theo Thông tư 26 và Thông tư 22, các đơn vị trường học bắt đầu thay đổi về kiểm tra đánh giá, nhất là đánh giá thường xuyên đối với lớp 10. Nhiều giáo viên làm tốt khâu nhận xét để giúp các em tiến bộ hơn trong giờ học mà không dừng lại ở điểm số.

Song, dù thông tư ban hành từ 1-2 năm nhưng có giáo viên vẫn nhầm kiểm tra thường xuyên chỉ là kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút. Một số cán bộ quản lý chưa xác định đúng vai trò của nhà trường trong kiểm tra đánh giá định kỳ (một số giao toàn quyền cho giáo viên thực hiện).

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, một số giáo viên chia sẻ, vì ngại thay đổi nên vẫn áp dụng phương pháp truyền thống là kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra miệng... khi đánh giá, kiểm tra thường xuyên đối với chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Việc sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức theo đúng kế hoạch đã ban hành bước đầu mang lại hiệu quả trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng thực tế, các đơn vị số 1 có suy nghĩ chỉ được học hỏi ít từ các đơn vị khác trong huyện/thành phố nên chưa gương mẫu khi xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, chưa thực hiện hết trách nhiệm “anh cả” trong cụm huyện.

Sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh phụ thuộc nhiều vào đường truyền và công nghệ nên một số đơn vị khi tổ chức, tham gia gặp sự cố, chưa học hỏi được nhiều. Mật độ sinh hoạt chuyên môn khá dày ở môn Ngữ văn khiến một số đơn vị phản ánh ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện bộ môn", Trưởng phòng chia sẻ.

Nhằm khắc phục những hạn chế, Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên Ngô Quốc Đường yêu cầu tập trung làm tốt nhiệm vụ:

Thứ nhất, các đơn vị hoàn thành chương trình dạy học theo quy định (nghiêm cấm dạy dồn, dạy ép, cắt xén chương trình để thực hiện cho xong), sau kiểm tra cần rà soát và yêu cầu dạy bù cho đủ chương trình. Yêu cầu các bộ phận ghi chép, lưu hồ sơ đầy đủ.

Thứ hai, trường học tổ chức kiểm tra học kỳ II theo nội dung Công văn số 439/SGDĐT-GDTrH, GDTX ngày 06/4/2023, trong đó quy định rõ về môn, thời gian, hình thức kiểm tra.

"Đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết và chỉ đạo kiểm tra, tổ chức chấm bài, vào điểm và hoàn thiện hồ sơ học sinh cuối năm. Lưu ý, các đơn vị thực hiện nghiêm túc lịch kiểm tra, nếu đan cài các môn đơn vị tự ra đề thì vẫn phải đảm bảo lịch của Sở quy định, tránh tình trạng đan cài môn của đơn vị lại đảo lịch của Sở.

Thứ ba, sau kiểm tra học kỳ II, tập trung cao việc ôn tập cho học sinh lớp 12 để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Khi có số báo danh, phòng thi cụ thể (trong tháng 5), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tổ chức thi thử lần 2 đầy đủ các môn, kết hợp với điểm trung bình môn cả năm của học sinh lớp 12, xác định tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và để các nhà trường có cái nhìn cụ thể về chất lượng dạy học của đơn vị.

Thứ tư, tổ chức dạy thử nghiệm và xin ý kiến góp ý cho việc hoàn thiện Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 11 để trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Thứ năm, tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, từ đó đưa ra các bài học kinh nghiệm, giải pháp để triển khai trong các năm học tiếp theo. Phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy các môn của lớp 11 năm học 2023-2024.

Ngọc Mai