Thầy Nguyễn Xuân Khang: Đổi mới giáo dục cần kiên trì, nghiêm túc!

25/05/2023 06:42
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là công việc hết sức cần thiết và quan trọng, cần sự vào cuộc của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. 

Nhiều thử thách cần vượt qua

Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội nêu: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công cuộc đổi mới giáo dục lần này, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đánh giá, mười một chữ trong Nghị quyết của Đảng và mười một chữ trong Nghị quyết của Quốc hội đã được ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện đến nay là 10 năm, cần thêm 2 năm nữa (2013 - 2025) để triển khai đầy đủ ở các khối lớp học.

"Đổi mới bao giờ cũng khó khăn. Khó khăn trước hết là thay đổi quan điểm, nhận thức, thói quen đã hình thành trong nhiều năm. Khó khăn thứ hai là tìm cái mới, cái tích cực, cái phù hợp với hiện tại và tương lai. Khó khăn thứ ba là đội ngũ (cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, giáo viên và nhân viên). Khó khăn thứ tư là cơ sở vật chất và tiền.

Khó khăn đồng nghĩa với thách thức. Không đánh giá đúng những thách thức phải vượt qua thì không thể đi đến đích" - thầy Nguyễn Xuân Khang nêu.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) (ảnh: T.L)

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) (ảnh: T.L)

Cũng theo thầy Nguyễn Xuân Khang, hiện môn Ngoại ngữ 1 và Tin học bắt buộc thực hiện ở lớp 3 tiểu học. Nhưng hiện đang thiếu giáo viên nhất là miền núi. Các môn tích hợp ở trung học cơ sở (Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên) chưa có đội ngũ giáo viên phù hợp dạy tất cả các phân môn.

Môn “Nội dung giáo dục của địa phương“ không những thiếu giáo viên có chuyên môn và chuyên trách mà sách giáo khoa nhiều nơi chưa có.

Trong cái khó ló cái khôn

Nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng với quyết tâm đổi mới, các địa phương và các cơ sở giáo dục đã có nhiều sáng tạo, “cái khó ló cái khôn”, để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một thí dụ sinh động, thầy Khang chia sẻ câu chuyện mà chính thầy là người trong cuộc.

Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, năm học 2022-2023 có 2609 học sinh lớp 3, của 76 lớp, thuộc 18 trường tiểu học. Khi triển khai dạy tiếng Anh, chỉ có 1 giáo viên.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc đề nghị trường Marie Curie giúp đỡ. Phòng Giáo dục và Đào tạo và trường đã phối hợp tổ chức dạy trực tuyến môn tiếng Anh, 22 giáo viên ở Hà Nội dạy cho 76 lớp 3 của huyện Mèo Vạc.

Năm học đã kết thúc, Vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đánh giá kết quả học tập của học sinh rất tốt, dạy trực tuyến không thua kém dạy trực tiếp.

Trường Marie Curie sẽ tiếp tục dạy học sinh lứa này khi các con lên lớp 4 và lớp 5, theo hình thức trực tuyến.

Như vậy, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương, trường có thể giúp trường, bằng việc dạy trực tiếp hoặc dạy trực tuyến.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” là công việc hết sức cần thiết và quan trọng, cần sự vào cuộc của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng ngành giáo dục.

“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” có quy trình gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn, đến năm 2025 mới xong.

Chúng ta cần phải kiên trì, nghiêm túc triển khai thực hiện xong quy trình. Sau đó đánh giá cụ thể cái được, cái chưa được để điều chỉnh phù hợp với mục tiêu" - thầy Khang hi vọng vào sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Linh An