LTS: Có thể nói, không một gia đình nào ở Việt Nam không có người đi học, không chỉ là trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học mà còn rất nhiều người lớn cũng đang đi học để cùng xây dựng một xã hội học tập. Cũng vì điều đó, mọi thông tin liên quan đến giáo dục và đào tạo trên báo chí luôn tạo sức hút với dư luận.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/6/2023), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh để lắng nghe chia sẻ về vai trò của báo chí trong vun đắp niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng Ngô Thị Minh, từ vị trí Đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục) của Quốc hội đến cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhiều năm gắn bó với giáo dục đặc biệt là giáo dục mầm non, bà đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông, báo chí đối với bậc mầm non?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Trước hết phải khẳng định truyền thông, báo chí có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống. Việc được tiếp cận thông tin, hiểu biết và nắm bắt thông tin là nhu cầu tất yếu của mỗi người. Từ góc độ của cơ quan ban hành, thực thi chính sách, truyền thông, báo chí chính là cầu nối để chính sách đi vào cuộc sống và từ cuộc sống phản ánh các góc nhìn thực tiễn cho quá trình hoàn thiện chính sách.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo - một lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm nhiều phía của cả xã hội, có tác động đến mỗi người, mỗi nhà nên vai trò của truyền thông, báo chí càng quan trọng hơn bao giờ hết. Truyền thông, báo chí không chỉ phối hợp, hỗ trợ mà quan trọng hơn là đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục trong suốt chặng đường đổi mới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh (ảnh: NVCC) |
Hiện nay, toàn ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sự đồng thuận của xã hội với quá trình đổi mới là yếu tố quyết định để tiến trình đổi mới đi đến thành công. Để có sự đồng thuận đó, không thể thiếu vai trò cầu nối và đồng hành của truyền thông báo chí.
Riêng với giáo dục mầm non – cấp học đầu đời mang tính nền tảng với số lượng người dạy, người học rất lớn, cũng là ngành học nhiều khó khăn, thiệt thòi và áp lực, truyền thông, báo chí thời gian qua đã không chỉ phản ánh, ghi nhận từ thực tiễn mà còn thể hiện sự chia sẻ, cảm thông. Qua đó làm cho xã hội thấu hiểu hơn nỗi gian truân, nhọc nhằn của cấp học này, làm cho các cấp, các ngành, địa phương ngày càng dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất cho cấp học quan trọng này. Các chính sách cho giáo dục mầm non, cho giáo viên, học sinh mầm non cũng đang tiếp tục được hoàn thiện để từng bước khắc phục khó khăn, tạo động lực và thuận lợi cho cấp học.
Phóng viên: Những phản ánh, góp ý của dư luận trong đó có các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục về những vấn đề thực tiễn bất cập nảy sinh ở bậc học mầm non cũng như những kiến nghị, đề xuất của họ đã, đang giúp ích gì cho ngành giáo dục, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Ngành giáo dục luôn cầu thị tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến từ báo chí. Những góp ý của dư luận trong đó có các thầy cô giáo, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục về những vấn đề thực tiễn bất cập nảy sinh ở cấp học mầm non cũng như những kiến nghị, đề xuất đang giúp ích rất nhiều cho ngành trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp và khả thi, góp phần xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Ví dụ, đối với bậc học mầm non, những phản ánh về thiếu trường, thiếu lớp tại nhiều địa phương, nhất là những địa phương phát triển “nóng”; những phân tích về khó khăn, vất vả, thiệt thòi của đội ngũ giáo viên; những sự việc, hành vi ứng xử chưa phù hợp trong môi trường giáo dục, ảnh hưởng tới sự an toàn, sức khỏe của trẻ em… đều đã được ngành giáo dục tại các địa phương tiếp nhận để xử lý và tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ.
Ảnh minh hoạ: Thuỷ Tiên |
Những biến chuyển tích cực trong thời gian vừa qua đối với lĩnh vực giáo dục mầm non có thể kể đến như: Các địa phương quan tâm, dành sự đầu tư xây dựng trường lớp; tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hoá giáo dục, phát triển hệ thống trường lớp ngoài công lập; phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt đời sống, thu nhập của giáo viên mầm non được quan tâm hơn thông qua những đề xuất tăng phụ cấp,… phần nào đều xuất phát từ những phản ánh, góp ý trên báo chí và được tiếp nhận để giải quyết hoặc tham mưu giải pháp tháo gỡ.
Cùng với các cấp học khác, giáo dục mầm non đang trong quá trình đổi mới. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới để triển khai trong những năm tới đây. Đây là giai đoạn rất quan trọng, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những phản ánh, góp ý của dư luận, đặc biệt là thầy cô giáo, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục về những vấn đề liên quan đến cấp học mầm non, qua đó tác động tới nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương và toàn xã hội để cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng.
Phóng viên: Như trao đổi của Thứ trưởng, báo chí đã đồng hành, chia sẻ và tác động tới mọi hoạt động giáo dục và đào tạo. Với vai trò là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà mong muốn như thế nào về sự đồng hành, chia sẻ cũng như trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong đổi mới giáo dục mầm non?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Thời gian qua, báo chí đã thể hiện khá rõ sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với ngành giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng; qua đó góp phần cùng ngành tạo nên những biến chuyển theo hướng tích cực. Từ góc độ một người trong ngành, cá nhân tôi luôn ghi nhận và trân trọng sự đồng hành, chia sẻ này.
Với một lĩnh vực rộng, luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội trong lúc ngành còn nhiều khó khăn, thách thức, việc cổ vũ, động viên của xã hội là rất cần thiết. Do đó, tôi mong rằng, báo chí sẽ tiếp tục phát hiện và đăng tải nhiều hơn những điển hình tiên tiến, những tấm gương tập thể, cá nhân nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo trong dạy và học; tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới liên quan đến giáo dục mầm non để thúc đẩy giáo dục mầm non tiếp tục phát triển.
Giáo dục mầm non còn rất nhiều khó khăn, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Ở đó, đội ngũ giáo viên không quản ngại gian khổ ngày đêm bám lớp, bám trường, nhiều tấm gương đã hy sinh cả về tính mạng, gia đình để hoàn thành trọng trách trồng người. Vì vậy, báo chí hãy viết nhiều hơn về những tấm gương như thế.
Giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng đang trong quá trình đổi mới. Đội ngũ giáo viên là lực lượng quyết định thành công của tiến trình đổi mới. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ này vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi về đời sống, thu nhập; vẫn còn thiếu rất nhiều về cơ chế, chính sách để giáo viên yên tâm gắn bó lâu dài với nghề. Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang nỗ lực để giải quyết trong thẩm quyền, nhưng còn không ít vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của ngành. Do đó, rất mong báo chí sẽ chia sẻ và lên tiếng để các cấp, các ngành, địa phương, xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục.
Với nhiều mong mỏi và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt vào ngành giáo dục, toàn ngành đã và đang nỗ lực để thực hiện và hoàn thành những mong mỏi ấy. Trong công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, một mình ngành giáo dục nỗ lực là chưa đủ, cần sự đồng hành, thấu hiểu, sẻ chia và chung tay của toàn xã hội, trong đó không thể không có đội ngũ báo chí, truyền thông.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Ngô Thị Minh.