Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo số 77/TB-SKĐAHCM về thông báo tuyển sinh cao đẳng chính quy năm 2023, trong đó ngành học được tuyển là Diễn viên sân khấu kịch hát với 30 chỉ tiêu. [1]
Theo đó, năm học 2023-2024, Nhà trường đã được phép đào tạo trình độ cao đẳng ngành Diễn viên sân khấu kịch hát (Diễn viên cải lương). Đối tượng tuyển sinh là thí sinh trong cả nước có độ tuổi từ 18-27; đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.
Cổng trường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: Website nhà trường). |
Muốn đăng ký vào ngành học này, thí sinh sẽ thi năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn (điểm học bạ lớp 12 đạt từ 5 điểm trở lên). Đối với môn năng khiếu, thí sinh sẽ thi 2 nội dung: Giọng ca – hình thể và thi diễn xuất. Với nội dung giọng ca – hình thể, thí sinh được kiểm tra về nhạc cảm, tiết tấu, hát 1 bài ca cổ tự chọn và 2 bản điệu vui buồn; đồng thời múa các động tác theo yêu cầu của ban giám khảo. Với nội dung diễn xuất, thí sinh biểu diễn một tác phẩm sân khấu theo đề thi, không có người thứ 2 (thời gian không quá 10 phút); thí sinh thể hiện các tình huống theo yêu cầu của ban giám khảo và trả lời các câu hỏi liên quan đến nghệ thuật cải lương.
Như vậy, sau 3 năm học gián đoạn gián đoạn không được tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định, năm học 2023-2024 tới đây, trường đã được phép tuyển sinh bậc cao đẳng ngành Diễn viên sân khấu cải lương, thời gian đào tạo 3 năm.
Trước thông báo tuyển sinh trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn, Phụ trách khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
“Tất nhiên, việc tuyển sinh được phần nào tôi cũng mừng phần đó cho khoa Kịch hát dân tộc nhưng niềm vui này chưa được trọn vẹn. Bởi, khoa mới chỉ được tuyển sinh chuyên ngành diễn viên sân khấu kịch hát (diễn viên cải lương) còn chuyên ngành nhạc công dân tộc vẫn chưa được tuyển sinh”.
Theo thầy Phạm Văn Môn, riêng đối với lĩnh vực đặc thù của Kịch hát dân tộc, người hát (diễn viên cải lương) phải có người đờn đi kèm. Bởi, âm nhạc mới là cái gốc, mà thiếu đi âm nhạc chỉ có người hát chính là thiếu đi cái gốc.
Diễn viên cải lương và nhạc công dân tộc là 2 chuyên ngành cần tuyển sinh đồng thời bởi nó đòi hỏi các em phải luyện tập, rèn luyện song song cùng nhau mới vững vàng và phát triển toàn diện.
Chia sẻ về lý do vì sao nhạc công dân tộc chưa thể được mở mã ngành, thầy Phạm Văn Môn cho hay, trước đây, khi trường còn là trường cao đẳng, nhà trường nâng diễn viên cải lương lên cao đẳng trước còn nhạc công dân tộc chưa nâng, tới bây giờ khi lên đại học rất khó để có thể xin mở lại mã ngành này.
Vừa qua, lãnh đạo nhà trường cũng bày tỏ mong muốn cố gắng để mở lại được đồng thời cả 2 chuyên ngành nhưng do vướng mắc của nhiều quy chế.
Hơn nữa, muốn mở mã ngành cao đẳng phải thực hiện nhiều quy định theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và chủ trương trong trường đại học cũng là không muốn mở cao đẳng nên còn nhiều khó khăn. Nguy cơ chuyên ngành nhạc công dân tộc bị “tịt ngòi” là rất dễ xảy ra.
Việc để mã ngành đại học của Kịch hát dân tộc cũng khó khăn do thiếu tiến sĩ đứng đầu mở mã ngành, còn các giảng viên hầu như là những nghệ sĩ, nghệ sĩ ưu tú.
Cũng theo Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn, nhạc công dân tộc nếu không được tiếp tục tuyển sinh, nguy cơ sẽ thiếu nguồn nhân lực đờn và dần dần đờn ca tài tử bị mai một trong tương lai. Do vậy, cần phải có chính sách đặc thù riêng cho các ngành âm nhạc dân tộc truyền thống như vậy mới giữ gìn, bảo tồn được.
Trước khi có thông báo tuyển sinh hệ cao đẳng của chuyên ngành Diễn viên sân khấu kịch hát này, trong buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn cho hay, do ảnh hưởng sự thay đổi của quy chế, đã 3 - 4 năm nay, khoa không được tuyển sinh khiến các thầy cô - những người luôn đau đáu được truyền nghề cho thế hệ tương lai lo lắng về sự mai một không xa của ngành nghề này.
“Nguồn tuyển sinh của khoa vốn đã khó khăn vì yêu cầu phải tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu năm nay không được tuyển sinh hoặc được tuyển sinh nhưng thông báo trễ sẽ là thách thức lớn với khoa Kịch hát dân tộc”, thầy Phạm Văn Môn cho hay. [2]Tài liệu tham khảo:
[1]: https://skdahcm.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-cao-dang-chinh-quy-nam-2023/
[2]: https://giaoduc.net.vn/3-nam-khong-duoc-tuyen-sinh-dao-tao-cai-luong-don-ca-tai-tu-truong-dh-lo-lang-post235717.gd