Đề xuất học sinh DTTS nhà cách trường dưới 4km cũng được hỗ trợ

22/07/2023 06:56
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy cô bày tỏ sự vui mừng khi Dự thảo có nhiều điểm sáng, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng hưởng chính sách.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là dự thảo).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hằng - chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước thông tin của dự thảo.

Cô Hằng chia sẻ: “Dự thảo về chính sách hỗ trợ mang tính nhân văn cao. Nếu không có những chính sách này của Nhà nước thì cơ hội học tập của các em học sinh miền núi, vùng khó khăn có thể bị gián đoạn.

Đây là một chính sách không chỉ mang lại cơ hội học tập, mà còn tạo sự công bằng trong giáo dục, tạo điều kiện cho các em thuộc dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo có thể tiếp cận với môi trường giáo dục chung”.

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tự trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tự trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 25.000 học sinh đang hưởng theo chế độ của Nghị định định 116 và có 84 trường phổ thông dân tộc bán trú.

Theo cô Hằng, dự thảo có nhiều điểm sáng, tích cực như mở rộng phạm đối tượng được nhận hỗ trợ. Cụ thể là việc tích hợp học sinh mầm non, trường nội trú, học viên của trung tâm giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú vào trong đối tượng được hưởng chính sách hay mức tiền hỗ trợ đã phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế,...

Tuy nhiên, cô Hằng cũng chỉ ra vấn đề trong dự thảo cần điều chỉnh thêm để sát với thực tế. Cụ thể, vị chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu thể hiện sự băn khoăn về mức hỗ trợ đối với học sinh.

Theo đó, dự thảo quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học sinh, học viên mỗi tháng là 900.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Cô Hằng nhận định, khi một Nghị định được ban hành đều mang tính chất dài hơi, đảm bảo phù hợp trong bối cảnh thay đổi của xã hội. Tuy nhiên trong quy định lại cố định rõ số tiền hỗ trợ là 900.000 đồng/tháng/học sinh, học viên.

Theo cô, số tiền này có thể phù hợp ở thời điểm hiện tại, nhưng tương lai khi giá cả tăng thì con số này lại không còn đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong thị trường.

Từ đó, cô Hằng kiến nghị nên điều chỉnh mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên dựa theo % mức lương cơ sở thay vì cố định số tiền như hiện tại.

Cụ thể, trong trường hợp lương tăng thì cũng cần có sự điều chỉnh nhất định đối với chính sách hỗ trợ đối với học sinh, học viên tại các trường bán trú. Khi đó mới có thể đảm bảo tính thực tế của chính sách hỗ trợ.

Cùng trao đổi về dự thảo, thầy Nguyễn Thành Long Phó Hiệu trưởng, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu không giấu được niềm xúc động và vui mừng khi nhận được sự quan tâm từ dự thảo.

Thầy Long cho biết, ở Lai Châu nói chung các trường bán trú đều có những khó khăn khác nhau. Cụ thể đối với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ có gần 100% học sinh là người dân tộc La Hủ.

Phần lớn các hộ gia đình đều không có điều kiện kinh tế, cuộc sống vô cùng khó khăn, không có điều kiện để lo cho con cái. Do đó, để đảm bảo cho học sinh được đến trường, thầy cô buộc phải gồng gánh mọi việc từ chăm sóc, nuôi dưỡng đến giảng dạy.

Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn tại một điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn tại một điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Thuộc vùng khó của tỉnh, tuy nhận được chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 nhưng tại các điểm trường cơ sở vật chất, đồ dùng học tập hàng ngày của học sinh vẫn còn thiếu thốn, sân chơi bãi tập còn khiêm tốn khiến khó khăn trong việc tổ chức hoạt động giữa giờ.

“Mỗi năm học mới đến học sinh trông chờ vào thầy cô, thầy cô cũng chỉ biết chờ đợi vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Các nguồn kinh phí sắm sửa cho năm học cũng được thầy cô tự tính toán, trích từ nguồn kinh phí đó ra để hỗ trợ, mua thêm sách vở cho các em”, vị Phó hiệu trưởng thông tin.

Thầy Long cho biết, theo Nghị định 116 mỗi học sinh bán trú được hưởng hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Như vậy, học sinh tại trường trước đây có 596.000 đồng/tháng hỗ trợ tiền ăn. Tuy nhiên, với đặc thù riêng nên gần như 100% học sinh đều ở lại trường cả ngày thứ 7 và chủ nhật.

Theo đó mức tiền hỗ trợ trên nhà trường buộc phải chia cho 30 ngày chứ không phải 22 ngày nữa, tính ra mỗi ngày các em chỉ có 19.000 đồng tiền ăn. Cũng chính vì vậy, các bữa ăn của học sinh tại trường còn vô cùng thiếu thốn, chưa đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng.

Trên cương vị lãnh đạo nhà trường, thầy Long kiến nghị có sự điều chỉnh một số điều khoản trong dự thảo để đảm bảo tính thực tế và thực hiện được hiệu quả hơn.

Thứ nhất, mức hỗ trợ 900.000 tháng/học sinh hiện tại của dự thảo là hợp lý. Tuy nhiên, nhà nước cần đảm bảo mức tăng theo tình hình kinh tế xã hội để các thầy cô giáo ở các trường vùng sâu khi thực hiện nấu nướng các bữa ăn cho học sinh cảm thấy dễ nấu, món ăn được đầy đặn và các em cũng đảm bảo sức khỏe để học tập.

Thứ hai, các giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ không chỉ đảm nhận công tác giảng dạy mà còn là người chăm sóc, nấu ăn cho các em, chưa kể đầu năm học còn phải trèo đèo, lội suối đi gọi, đi tìm, vận động học sinh lên lớp. Từ đó, thầy Long kiến nghị ngoài hỗ trợ cho các học sinh có thể phần nào quan tâm, có khoản hỗ trợ nhỏ cho các thầy, cô giáo giảng dạy tại trường bán trú.

Thứ ba, nhà trường thuộc xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực tế hiện nay còn 246/572 học sinh có nhà ở gần trường (khoảng cách dưới 4km) nên các em không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 hay dự thảo hiện nay. Tuy nhiên các em vẫn còn khó khăn, thiếu thốn từ bữa ăn đến đồ dùng học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Từ đó, thầy Long kiến nghị dự thảo nên bổ sung thêm, quan tâm và mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách cụ thể đối với cả học sinh là dân tộc thiểu số thuộc các xã biên giới, dân tộc ít người thuộc khu vực đặc biệt khó khăn được hỗ trợ bữa sáng, bữa trưa tại các điểm trường.

Thứ tư, hiện nay mức lương cơ sở đã tăng từ ngày 1/7, tuy nhiên theo dự thảo các chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện bắt đầu từ năm học 2024-2025. Theo đó, thầy Long mong muốn dự thảo sớm có hiệu lực, muộn nhất nên là 31/12/2023 để các trường bán trú sớm được hưởng chế độ theo đúng tình hình kinh tế xã hội thực tế.

Phương Nga