Băn khoăn ngưỡng đầu vào khối ngành sức khỏe hệ trung cấp chỉ tốt nghiệp THCS

25/08/2023 06:37
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề về đầu vào của khối ngành sức khỏe hệ trung cấp.

Hiện có một số ý kiến băn khoăn rằng yêu cầu trình độ đầu vào hệ trung cấp của khối ngành sức khỏe là tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên hay phải tốt nghiệp trung học phổ thông, bởi theo văn bản số 3857/BYT-K2ĐT ngày 07/07/2017 của Bộ Y tế gửi Bộ Lao động – Thương binh và xã hội có nêu, Bộ Y tế đề nghị người đăng ký dự tuyển trình độ trung cấp khối ngành sức khỏe phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương theo quy định.

Ảnh chụp văn bản số 3857/BYT-K2ĐT ngày 07/07/2017 của Bộ Y tế.

Ảnh chụp văn bản số 3857/BYT-K2ĐT ngày 07/07/2017 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, đối tượng tuyển sinh đối với trình độ trung cấp trong Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về Quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lại chỉ yêu cầu đối tượng tuyển sinh đối với trình độ trung cấp chỉ là "học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên" chứ không có yêu cầu riêng về khối ngành sức khỏe như văn bản trên của Bộ Y tế.

Ảnh chụp Thông tư 05/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Ảnh chụp Thông tư 05/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục điện tử Việt Nam, thầy Trần Thung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Tây Ninh cho hay, Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có nêu: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” và gần đây nhất, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII ngày 25/10/2017 cũng nhấn mạnh lại về nội dung này.

Với những yếu tố đặc biệt như vậy, theo thầy Thung, việc tuyển sinh đầu vào cho nguồn nhân lực của khối ngành y tế tất yếu cũng phải đặc biệt, khác với các ngành nghề khác đào tạo hệ trung cấp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Nếu các ngành nghề khác của hệ trung cấp được tuyển sinh trình độ đầu vào từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên thì các ngành thuộc khối sức khỏe hệ trung cấp phải có đầu vào tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thầy Thung chia sẻ, Trường Trung cấp Y tế Tây Ninh có đơn vị chủ quản là Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Tây Ninh nên nhà trường thực hiện theo đúng quy chế, quy định của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Tuy nhiên, khi trường báo cáo lên Sở Lao động – Thương binh và xã hội Tây Ninh về những yếu tố đặc biệt của nghề y theo Nghị quyết 46-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW như đã nêu cũng như các nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên đầu vào của khối ngành nghề sức khỏe hệ trung cấp nên là tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau đó, Sở bày tỏ sự đồng thuận và cho phép trường tuyển sinh đầu vào là các em đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thầy Thung cũng cho rằng, nếu đầu vào khối ngành sức khỏe là các bạn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, năng lực của các em còn khá yếu để học các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe.

Là một trường đào tạo nhiều ngành nghề, trong đó có cả nhóm ngành Y – Dược với 4 ngành Y sĩ, Dược, Điều dưỡng, Hộ sinh, thầy Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các ngành học của trường đều tuyển sinh đầu vào là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, kể cả nhóm ngành Y – Dược.

Bởi, là một trường trung cấp, trường phải thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và hoạt động, tuyển sinh theo những quy chế hiện hành của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng đầu ra của học sinh cho tất cả các ngành, thầy Sáng cho hay, tại Trường Trung cấp Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các em được học song song chương trình văn hoá phổ thông và chuyên ngành trung cấp.

Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ nhận được 2 bằng là trung cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa trung học phổ thông) đủ điều kiện học chuyển tiếp liên thông lên cao đẳng hoặc đại học.

Hơn nữa, thầy Sáng cho rằng, việc người học của các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe hệ trung cấp với đầu vào là tốt nghiệp trung học cơ sở cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực y tế.

Bởi khi ra trường, dù ở trình độ nào, các em cũng sẽ làm việc theo đúng vị trí việc làm của mình. Nếu các em có bằng tốt nghiệp trung cấp sẽ làm việc ở các vị trí yêu cầu trình độ trung cấp.

Ngoài ra, theo thầy Sáng, căn cứ theo Điều 4 Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp được quy định: Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp là 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và có thời gian học tập từ 1 đến 2 năm học tùy theo từng ngành, nghề đào tạo; Khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 25% - 45%; thực hành từ 55% - 75%.

Vậy nên, khi xây dựng chương trình học dù là ngành học nào, nhà trường cũng sẽ căn cứ theo quy định này và yêu cầu về năng lực của vị trí việc làm khi ra trường để xây dựng chương trình đảm bảo được lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người học.

Thầy Sáng cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn vào học tại các trường trung cấp để sớm có nguồn nhân lực đáp ứng cho thị trường lao động.

Nhìn nhận từ thực tế, người học lựa chọn vào hệ trung cấp có rất nhiều thuận lợi như học phí rẻ, thời gian học nhanh, được đảm bảo về đầu ra. Đơn cử như tại Trường Trung cấp Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm gần đây, trường đều có tỉ lệ người học tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt 97% - 100%.

Khánh An