Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành dự thảo Kế hoạch và Bộ tiêu chí về xây dựng trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.
Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí, với 03 nhóm tiêu chuẩn chính: nhóm tiêu chuẩn Con người; nhóm tiêu chuẩn Dạy học và hoạt động giáo dục; nhóm tiêu chuẩn Môi trường. [1]
Tuy vậy, có một thực tế hiện hữu là, ở các trường học thời gian vừa qua, các vấn đề lạm thu, dạy học liên kết với hình thức đăng ký tự nguyện của phụ huynh, học sinh đã và đang xảy ra gây không ít nhức nhối.
Ở góc độ là một giáo viên, người viết xin chia sẻ đôi điều về vấn đề xây dựng trường học hạnh phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh hiện nay.
Bảng dự toán thu chi của lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Quận Bình Thạnh gây bức vừa qua.(ảnh chụp màn hình) |
Thứ nhất, chừng nào vấn nạn lạm thu còn xảy ra trong trường học, lớp học thì không thể xây dựng trường học hạnh phúc.
Năm học 2023-2024 vừa bước vào khoảng 1 tháng, nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng lạm thu khiến phụ huynh bức xúc, dư luận xã hội phẫn nộ.
Vụ việc lạm thu khá ồn ào vừa qua phải kể đến xảy ra ở Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đã rất nhiều các cơ quan thông tấn truyền thông vào cuộc phản ánh suốt thời gian dài.
Theo đó, ngày 27/9/2023, trên các diễn đàn và mạng xã hội xôn xao một bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh của lớp 1/2 ở ngôi trường này.
Cụ thể, số tiền thu được từ quỹ phụ huynh của lớp 1/2 là 313.300.000 đồng, đã chi 260.328.500 đồng, và vẫn còn 52.971.500 đồng. Để huy động được số tiền này, mỗi phụ huynh phải đóng 10 triệu đồng. [2]
Theo đó, kết quả cuối cùng của vụ lạm thu này là hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm của lớp 1/2 của trường Tiểu học Hồng Hà chỉ bị nhắc nhở, phê bình.
Vấn nạn lạm thu xảy ra thì học sinh, phụ huynh và giáo viên không thể nào hạnh phúc. Phụ huynh hoài nghi về sự liêm chính của lãnh đạo nhà trường. Học sinh, nhất là các em bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã đủ nhận thức để biết đâu là phải trái, đúng sai thì việc lạm thu trong nhà trường trở nên xấu xí vô cùng.
Cùng với đó, công việc chính của giáo viên là dạy học và giáo dục học sinh, nhưng suốt ngày thầy cô phải loay hoay với chuyện tiền nong xã hội hóa giáo dục, lại bị phụ huynh chất vấn, học sinh có thành kiến vì nghi ngờ việc thu chi của nhà trường thiếu tường minh thì họ còn đâu niềm vui, sự nhiệt huyết với nghề dạy học.
Thứ hai, hiện tượng hiệu trưởng "chèn" môn học liên kết vào môn học chính khóa đã và đang tồn tại từ nhiều năm qua ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến giáo viên, học sinh không còn niềm hạnh phúc khi đến trường. Bởi, dưới hình thức đăng ký tự nguyện, đã có bao nhiêu phụ huynh "bức xúc", không hạnh phúc khi ký vào đơn đồng ý cho con đi học. Ở một cơ sở giáo dục, học sinh đăng ký, đóng tiền thì ngồi trong lớp, em nào không thì lên thư viên hoặc ngồi phòng ban giám hiệu thì thử hỏi học sinh nào hạnh phúc cho nổi!
Anh Nguyễn Văn Đ. là nhà giáo bậc phổ thông, cũng là một phụ huynh ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, bức xúc chia sẻ về thời khóa biểu của con mình, học sinh lớp 1 đóng trên địa bàn này.
Theo thời khóa biểu anh cung cấp, một số môn học "tự nguyện" mà nhà trường đang tổ chức dạy học có thu phí là STEM, Kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ (?)… đan xen cùng các môn bắt buộc trong giờ học chính khóa dẫn đến thời khóa biểu tăng tiết, học sinh không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hay luyện tập thể dục thể thao.
Anh Đ. cho biết, học phí các môn "tự nguyện" như sau: STEM là 90.000 đồng/học sinh/tháng; Kỹ năng sống: 92.000 đồng/học sinh/tháng; Ngoại ngữ với người bản ngữ 205.000 đồng/học sinh/tháng…
Các môn đăng ký tự nguyện chèn vào thời khoá biểu chính khoá không còn là chuyện lạ ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương. (Ảnh phụ huynh cung cấp) |
Là nhà giáo nhận lương "ba cọc ba đồng" (chưa đầy 10 triệu đồng/tháng), lại nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi học khiến anh Đ. phải làm thêm nghề "tay trái", tiết kiệm chi tiêu tối đa nhưng vẫn thiếu trước hụt sau vì các khoản tự nguyện nhiều hơn học phí.
Là nhà giáo rất am hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, anh Đ. khẳng định, đối với học sinh tiểu học thì các môn STEM, Kỹ năng sống,… có thể lồng ghép vào nhiều môn bắt buộc như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm...
Theo anh Đ., chương trình mới có môn Hoạt động trải nghiệm nhưng không hiểu vì sao các địa phương còn cho phép triển khai trong các trường môn Kỹ năng sống, mà học sinh phải đóng tiền thì mới được học (không đóng thì các em xuống thư viện ngồi chờ hết tiết rồi học môn khác).
Để góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, anh Đ. nêu ý kiến, các nhà trường phổ thông hãy trả những môn liên kết đúng về vị trí của nó. Sau khi học sinh kết thúc giờ học chính khóa, phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng kí cho con theo học, còn ai không thích thì thôi. Cùng với đó, nhà trường phải công khai nội dung giảng dạy (chương trình do ai biên soạn, thẩm định) để phụ huynh có cơ sở giám sát. Các công ty, trung tâm nếu tốt thì nên để phụ huynh tự tìm đến bên ngoài trường học, thị trường hãy trả lại cho thị trường điều tiết.
Thứ ba, nhiều trường học hiện nay thuê giáo viên ở các trung tâm về dạy các môn như: STEM, Kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ... nhưng số tiền thu, chi phần lớn không được công khai minh bạch, đến giáo viên còn ngao ngán thì cũng không thể có trường học hạnh phúc - ngoại trừ hiệu trưởng, kế toán và những người có liên quan.
Nhiều trường nói với phụ huynh là học sinh được học tiếng Anh với người bản ngữ nhưng các trung tâm thuê giáo viên người Malaixia, Philippines,… thậm chí cả người Nga vào dạy tiếng Anh thì bản ngữ ở đâu?
Mỗi khi có phụ huynh phản ánh, truyền thông vào cuộc thì cơ quan quản lí giáo dục lại ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Và cuối cùng, phụ huynh cảm thấy con em mình trở thành "tệp khách hàng" cho nhà trường, công ty, trung tâm khai thác, phụ huynh tự nguyện trong bức xúc, giáo viên thì luôn đặt dấu hỏi về việc thu chi, vậy trường học hạnh phúc ở đâu khi các chủ thể liên quan đều không hạnh phúc.
Muốn xây dựng trường học hạnh phúc thì ngoài bộ tiêu chí để lượng hóa các tiêu chuẩn thì các chủ thể liên quan trong môi trường đó cũng phải thấy hạnh phúc. Nhưng, nếu nạn lạm thu còn xảy ra hay việc dạy liên kết tràn lan còn tồn tại trong trường học thì giáo viên, học sinh làm sao có được hạnh phúc?.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://hcm.edu.vn/thong-bao/ve-viec-gop-y-du-thao-ke-hoach-va-bo-tieu-chi-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-lan/ctfull/41024/72617
[2] https://giaoduc.net.vn/th-hong-ha-mot-lop-chi-225-trieu-dong-sua-chua-phong-hoc-moi-hs-dong-10-trieu-post238218.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.