Doanh nghiệp trong trường ĐH: Vừa tạo ra nguồn thu vừa mang lại lợi ích cho SV

19/10/2023 06:30
Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhận được nhiều thuận lợi khi trực thuộc trường đại học, các doanh nghiệp trong trường cũng mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường trong nhiều mặt.

Doanh nghiệp trong trường đại học được đánh giá là cơ sở, nền tảng để các trường đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ người học tiếp cận với thị trường và nhu cầu của xã hội.

Không chỉ mang lại nguồn thu mà còn nhiều lợi ích khác

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực (LETCO), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường nhận thức được cơ chế thị trường đầu ra cho sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng, do đó lãnh đạo trường đã làm Đề án xin Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thành lập công ty. Mục tiêu nhằm tạo ra một quy trình khép kín trong hoạt động đào tạo với sứ mệnh tìm đầu ra cho sinh viên, gắn liền đào tạo với nhu cầu sử dụng của xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực (LETCO), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực (LETCO), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Giám đốc Nguyễn Quang Trung thông tin, từ khi thành lập đến nay, công ty đã thực hiện tốt vai trò gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với nhu cầu sử dụng lao động. Điều đó được thể hiện qua các nội dung:

Một là, tổ chức các hoạt động dịch vụ về đào tạo, dịch vụ về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; gắn kết với doanh nghiệp trong việc tổ chức thực tập và giới thiệu việc làm cho sinh viên.

Hai là, tham gia trực tiếp vào một số nội dung hoạt động trong quá trình đào tạo của Nhà trường: Tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp để trực tiếp góp ý với nhà trường và tham gia vào việc cải tiến, xây dựng các chương trình đào tạo mới, sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Ba là, tập hợp ý kiến phản hồi từ người sử dụng lao động làm căn cứ thực tiễn để nhà trường xây dựng mô hình đào tạo linh hoạt phù hợp với thị trường.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung thông tin, từ ngày thành lập đến nay, công ty luôn được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả với lợi nhuận những năm gần đây đều đạt từ 10 tỷ đồng trở lên, đóng góp được một phần kinh phí cho hoạt động của nhà trường.

Đồng thời, công ty cũng góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế… Với lợi thế là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài, công ty đã có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác; từ đó quảng bá thương hiệu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đến với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh mang lại nguồn thu và lợi nhuận cho nhà trường, Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực còn mang đến nhiều lợi ích cho sinh viên. Công ty đã tìm kiếm, xây dựng những chương trình thực tập nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cả trong và ngoài nước cho sinh viên, tạo cơ hội việc làm với thu nhập cao và ổn định cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp. Làm tốt công tác tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp càng làm gia tăng sức hút cho hoạt động tuyển sinh của nhà trường.

Cùng chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp đối với trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên (HUSCO), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, vai trò chính của công ty là kết nối và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu được hình thành từ những đề tài nghiên cứu của cán bộ trong nhà trường.

Mục tiêu nhằm hỗ trợ nhà khoa học trong trường đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học ra thị trường một cách hiệu quả, bền vững; mang lại nguồn thu và lợi nhuận cho cán bộ nhà trường; đồng thời góp phần tăng cường, hỗ trợ nâng cao vị thế, hình ảnh, thương hiệu của nhà trường trong công tác tuyển sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Giám đốc Trần Ngọc Anh cho hay, các hoạt động cũng như sản phẩm của công ty hiện nay đều đang hướng đến giải quyết một tồn tại, khó khăn của thực tiễn và có tính ứng dụng cao. Đa số các hoạt động và sản phẩm ấy là giải quyết theo đơn đặt hàng của các bên liên quan.

Chính vì vậy, công ty đã tạo được một môi trường việc làm hết sức thực tế và thích hợp cho sinh viên tham gia; vừa có thể trau dồi kiến thức; vừa học thêm các kỹ năng, thái độ và vừa có thêm thu nhập từ chính các công việc chuyên môn.

Nhờ tính tự chủ cao của mô hình công ty, từ lợi nhuận của các dự án, công ty có thể mua sắm, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất. Đó là cơ hội cho sinh viên được tiếp cận và trực tiếp thực hành với hệ thống công nghệ mới trên thị trường thực tế.

Mặt khác, công ty cũng có thể hỗ trợ trở lại nhà trường trong công tác quảng bá tuyển sinh và thực hiện các dịch vụ phục vụ chính giảng viên, sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học cần được nhân rộng

Chia sẻ về những thuận lợi của một doanh nghiệp thuộc trường đại học, Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh nhấn mạnh, do có được sự hậu thuẫn vô cùng lớn từ nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ cán bộ khoa học và các nguồn lực tri thức khác) đã tạo được lợi thế cạnh tranh của công ty so với các đối thủ là các đơn vị tư nhân hay các công ty kinh doanh đơn thuần khác.

Công ty cũng có được hồ sơ năng lực tốt và được thừa hưởng uy tín, thương hiệu từ nhà trường khi đề xuất, triển khai các dự án tiềm năng, nhận được sự tin tưởng của khách hàng và xã hội.

Ngoài ra, là một doanh nghiệp thuộc trường đại học còn giúp Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên có thể tập hợp được đội ngũ cán bộ chất lượng cao liên ngành để giải quyết các “bài toán” khó khăn trong thực tiễn.

Tương tự, Giám đốc Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực cũng bày tỏ, là doanh nghiệp trực thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mang lại cho công ty rất nhiều thuận lợi.

Một buổi tổ chức thi tuyển đơn hàng Kỹ thuật viên tại Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: letco.vn.

Một buổi tổ chức thi tuyển đơn hàng Kỹ thuật viên tại Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: letco.vn.

“Nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, sự phối hợp, tạo điều kiện của các đơn vị trong trường giúp công ty phát huy được sức mạnh tập thể triển khai nhiệm vụ dễ dàng, thuận lợi.

Thêm vào đó, nhà trường còn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và đội ngũ cán bộ nhân viên để công ty có thể dễ dàng thích ứng nhanh chóng với sự biến động của thị trường.

Đặc biệt, môi trường sư phạm là nơi phù hợp với hoạt động dịch vụ đào tạo và đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Với quy mô đào tạo trên 32.000 sinh viên, hằng năm, Trường Đại học Công nghiệp có gần 9.000 sinh viên tốt nghiệp.

Vì vậy, công ty vô cùng thuận lợi khi được khai thác nguồn lao động kỹ thuật cao, đáp ứng các yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài nước là sinh viên của trường”, thầy Trung nói.

Giám đốc Nguyễn Quang Trung cũng cho rằng, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học là mô hình phù hợp và cần được nhân rộng trong tương lai.

“Từ thực tiễn hoạt động của Công ty LETCO thời gian qua, tôi nhận thấy, mô hình doanh nghiệp trong cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu theo tinh thần Quyết định số 68/1998/QĐ-TTg ngày 27/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ là mô hình phù hợp với sự phát triển của trường đại học ngày nay. Nhờ đó, tạo sự gắn kết giữa đào tạo nghiên cứu với nhu cầu thị trường. Mô hình này cần được tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng trong tương lai”, thầy Trung nói.

Còn nhiều khó khăn do chính sách chưa thống nhất và thiếu vốn

Giám đốc Trần Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên chủ yếu hoạt động thương mại hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu của xã hội. Công ty đã tập trung chính vào lĩnh vực tư vấn, xây dựng công cụ, chính sách… dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã nỗ lực kết nối để đưa một số sản phẩm nghiên cứu ứng dụng ra thị trường như: Hệ thống dự báo lũ phục vụ điều hành hồ chứa thông minh, hệ thống quan trắc và giám sát môi trường, hệ thống thời tiết nông nghiệp thông minh và giám sát côn trùng, các sản phẩm thay thế nhựa và phân hủy hữu cơ,…

“Mặc dù tập thể lãnh đạo và cán bộ công ty đã rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa khai thác được hết các tiềm năng về thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu được tạo ra.

Bởi các nhà khoa học trong Trường Đại học Khoa học Tự nhiên một phần còn có sự e dè trước cách thức tiếp cận mới, còn cần sự hỗ trợ về cơ chế quản lý, đầu tư ban đầu về vốn và còn bởi thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành về tài chính doanh nghiệp, marketing cũng như nhân lực am hiểu lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù”, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên lý giải.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên (HUSCO) tiếp đối tác quốc tế về lĩnh vực môi trường, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Ảnh: husco.edu.vn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên (HUSCO) tiếp đối tác quốc tế về lĩnh vực môi trường, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Ảnh: husco.edu.vn.

Thầy Ngọc Anh nhấn mạnh, cơ chế còn nhiều bất cập do chưa có hệ thống chính sách thống nhất về mô hình công ty trong trường đại học, vì thế gặp nhiều khó khăn khi vận dụng các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, chưa có thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa nên việc định giá các sản phẩm trí tuệ gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến khó thống nhất giữa công ty, các nhà đầu tư bên ngoài với tập thể tác giả có sở hữu công nghệ hay sản phẩm muốn thương mại hóa.

Nguồn nhân lực hoạt động tại công ty là tự chủ, nên còn khá hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc kết nối, tìm kiếm và xây dựng các mô hình kinh doanh lại đòi hỏi các hành động cụ thể, chi tiết; vì thế cần đội ngũ am hiểu về các lĩnh vực có liên quan. Tuy nhiên, tỷ lệ thương mại hóa thành công chưa cao dẫn đến thiếu hụt nguồn kinh phí để tuyển dụng thêm lao động chất lượng cao.

Đáng nói, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vốn và khả năng huy động vốn. Do chưa có chính sách rõ ràng và nhất quán nên việc đầu tư tăng vốn cho công ty từ chủ sở hữu không thể thực hiện. Trong khi đó, ở giai đoạn đánh giá, thăm dò thị trường cho các sản phẩm thương mại hóa, nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn và và rủi ro cao.

Trước những khó khăn nêu trên, thầy Ngọc Anh cho biết, nhà trường đã hết sức ủng hộ các hoạt động của công ty, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đơn giản hóa thủ tục hành chính… nhằm tạo môi trường tốt nhất cho công ty hoạt động.

Cũng chia sẻ về những vướng mắc mà Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực còn gặp phải, Giám đốc Nguyễn Quang Trung cho biết, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trực thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, khiến công ty không có cơ chế linh hoạt như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Bên cạnh đó, phân cấp quản lý Công ty Đào tạo và Cung ứng nhân lực giữa Bộ Công thương với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chưa rõ nét, khiến công tác quản lý chưa đi vào hoạt động tốt.

Hồng Giang