Số giảng viên thỉnh giảng cao gấp gần 2 lần GV cơ hữu, ĐH Việt Pháp nói gì?

15/10/2023 06:33
Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhà trường mời GV thỉnh giảng để vừa cân bằng thời gian làm việc của GV cơ hữu hợp lý giữa nghiên cứu và đào tạo, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên.

Tuyển sinh ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ khó khăn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do tỉ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học tại nhiều ngành còn thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Trường Đại học Việt - Pháp) cho biết, đặc thù của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ.

Dựa trên thông tin báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây, tuyển sinh những ngành thuộc lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn, không chỉ riêng với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội mà với tất cả các cơ sở đào tạo khác.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thầy Phong bày tỏ, chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng theo chuẩn châu Âu, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ đào tạo. Đây cũng là một rào cản đối với học sinh Việt Nam khi lựa chọn đăng kí vào nhà trường.

Mặc dù số sinh viên trúng tuyển nhập học chưa đạt đủ 100% chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt, nhưng theo thống kê của nhà trường trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ sinh viên nhập học của trường đều đạt từ mức 84% trở lên (năm 2022, con số này đạt được 92%).

Ngoài ra, thầy Phong thông tin thêm, con số này của nhà trường cao hơn so với trung bình chung của cả nước khi so sánh về tỉ lệ nhập học của các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ.

Thầy Phong thông tin thêm rằng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng thiết kế quy mô đào tạo nhỏ (tối đa 5.000 sinh viên vào năm 2030, tức mỗi năm tuyển tối đa 1.500 sinh viên). Do vậy, công tác và chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường đã, đang và sẽ khác với quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học khác.

“Tuy còn gặp khó khăn trong tuyển sinh ở một vài ngành đào tạo, nhưng nhà trường biến điều đó thành cơ hội để sinh viên được học tập trong điều kiện tốt nhất: Sinh viên được thực hành, thực tập trên các trang thiết bị hiện đại nhất, được tham gia nghiên cứu ngay từ năm 2… Đây là điều mà đối với quy mô sinh viên lớn sẽ rất khó có thể tổ chức được”, thầy Phong nói.

Sinh viên được thực hành, thực tập trên các trang thiết bị hiện đại nhất. Ảnh: NTCC

Sinh viên được thực hành, thực tập trên các trang thiết bị hiện đại nhất. Ảnh: NTCC

Lý do trường mời số lượng lớn giảng viên thỉnh giảng

Trao đổi thông tin về vấn đề số lượng giảng viên thỉnh giảng của nhà trường cao hơn số giảng viên cơ hữu, Phó Giáo sư Trần Đình Phong cho hay, trường được xây dựng với nhiệm vụ phát triển trở thành một trường đại học nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ. Do đó, nhà trường bố trí thời gian làm việc của giảng viên đảm bảo cân bằng giữa thời gian nghiên cứu và đào tạo.

Nhiệm vụ giảng dạy hàng năm của giảng viên trường là 192 giờ (tương đương với yêu cầu đối với giảng viên tại các đại học ở Pháp), thấp hơn so với lượng giảng dạy của giảng viên tại các trường khác. Đổi lại, như vậy giảng viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có thời gian tập trung xây dựng và phát triển nghiên cứu.

Thay vào đó, nhà trường sẽ mời giảng viên thỉnh giảng để vừa giảm tải thời gian dạy học cho giảng viên cơ hữu vừa mang lại lợi ích thiết thực đối với người học. Sinh viên sẽ được tiếp cận với giảng viên là các nhà phát triển công nghệ (đội ngũ làm R&D tại các doanh nghiệp), các nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học Pháp và nước khác.

Nghiên cứu tại phòng lab hiện đại. Ảnh: NTCC

Nghiên cứu tại phòng lab hiện đại. Ảnh: NTCC

Thầy Phong nhấn mạnh, danh sách giảng viên cơ hữu nhà trường thống kê là giảng viên làm việc toàn thời gian tại nhà trường, nhận lương hàng tháng của trường và trường đóng bảo hiểm. Do đó, một số giáo sư người Pháp được các đối tác cử sang giảng dạy và nghiên cứu dài hạn tại nhà trường nhưng do phía đối tác Pháp trả lương thì cũng không tính là giảng viên cơ hữu của trường mà chỉ tính là giảng viên thỉnh giảng.

Thống kê trong năm học 2022-2023 của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho thấy, giảng viên cơ hữu của trường đảm nhận hơn 60% tổng số giờ giảng dạy của các chương trình đào tạo trình độ đại học tại trường.

Hiện nay, nhà trường cũng đang tiếp tục tuyển dụng giảng viên, mỗi năm tuyển từ 8-10 giảng viên có trình độ tiến sĩ (giảng viên hiện nay của nhà trường hầu hết tốt nghiệp tiến sĩ từ các nước phát triển).

Do đó, trong những năm tới đây, tỉ lệ giờ giảng đảm nhận bởi giảng viên cơ hữu của trường sẽ tiếp tục tăng (mục tiêu 80% giờ giảng bởi giảng viên cơ hữu + 20% giờ giảng bởi giảng viên thỉnh giảng).

Thầy Phong kết luận lại rằng, để đảm bảo chất lượng đào tạo, đặt sự phát triển, cơ hội học tập, trải nghiệm và việc làm của sinh viên làm mục tiêu. Việc quản trị chương trình đào tạo tốt, lựa chọn giảng viên thỉnh giảng nghiêm túc thì đội ngũ giảng viên thỉnh giảng hoàn toàn có khả năng đem lại giá trị nâng, cao chất lượng đào tạo cho nhà trường.

Hồng Giang