Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học là cầu nối hữu hiệu, thiết thực giữa công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục với nhu cầu của xã hội và thị trường lao động.
Lợi ích vô hình và hữu hình doanh nghiệp mang lại cho nhà trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Võ Hoàng Mai - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn khoa (thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, thành lập công ty là một bước tiến mang tính đột phá của trường.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Võ Hoàng Mai, công ty đảm nhiệm chức năng tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ năng mềm cho nguồn nhân lực chất lượng cao của nhiều ngành nghề với thế mạnh là đào tạo chương trình ngoại ngữ đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học; tạo môi trường làm việc, môi trường thực tập lý tưởng và chuyên nghiệp cho sinh viên có thể gắn kết lý thuyết và thực tiễn.
Bên cạnh đó, công ty cũng hợp tác với cá nhân, tổ chức để chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ đi vào cuộc sống; tổ chức các chương trình thực tập thực tế cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng sinh viên các trường đại học, cao đẳng với nội dung đa dạng, bám sát chương trình học lý thuyết.
Tiến sĩ Nguyễn Võ Hoàng Mai - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn khoa (thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC. |
Đặc biệt, công ty còn là cầu nối giúp gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, giúp nhà trường có cái nhìn tổng quan trong việc đào tạo đi đôi với nhu cầu xã hội.
Là doanh nghiệp với 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và trực thuộc một cơ sở giáo dục có uy tín, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn khoa đã có những thuận lợi nhất định.
Một là, công ty vừa được thừa hưởng sự uy tín, tín nhiệm mà nhà trường đã gây dựng được, vừa nhận được nguồn lực cơ sở vật chất đầy đủ của trường.
Hai là, trong quá trình hoạt động, công ty luôn nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của học viên, sinh viên và các đơn vị trong trường, cùng với đó là sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu. Ngoài ra, công ty còn nhận được hỗ trợ, ủng hộ từ các đơn vị thành viên thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ba là, công ty có lợi thế nguồn khách hàng ổn định đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa tổ chức chương trình tham quan, học tập hè năm 2023 tại Campuchia cho tập thể viên chức và người lao động Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Page Văn Khoa USSH. |
Cũng trao đổi về mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, Tiến sĩ Võ Mạnh Tùng - Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ, hoạt động của doanh nghiệp mang lại cả lợi ích hữu hình và lợi ích vô hình cho nhà trường.
Về lợi ích hữu hình, thầy Tùng cho hay, công ty đã tạo ra một sân chơi nghề nghiệp đúng nghĩa cho sinh viên; bên cạnh đó còn trở thành cầu nối vững chắc cho Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đến với thực tế sản xuất, kết nối trực tiếp giữa lý thuyết trong nhà trường với các dự án thực tế.
Tiến sĩ Võ Mạnh Tùng cũng chia sẻ thêm, lợi ích vô hình mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng mang lại là nơi các giảng viên hoạt động ngoài việc giảng dạy chuyên môn, tham gia trực tiếp vào dự án của công ty; từ đó giúp nâng cao kiến thức thực tế, áp dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất.
Thầy Tùng thông tin, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng là một doanh nghiệp có pháp nhân, vì vậy có lợi thế là có thể tham gia đấu thầu các gói thầu một cách sòng phẳng dưới góc độ một doanh nghiệp, có hạch toán riêng, tự chủ về tài chính… bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, công ty còn có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất xám dồi dào mà các doanh nghiệp khác khó đáp ứng được.
Khó khăn về tài chính và khâu quản lý hành chính
Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn khoa cũng chia sẻ thêm một vài khó khăn trong quá trình hoạt động công ty.
Cụ thể: Hoạt động kinh doanh du lịch phải cạnh tranh khốc liệt với những doanh nghiệp khác trong nước; nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái, người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu nên ngành du lịch cũng gặp phải khó khăn; do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế giảm rõ rệt…
Về những khó khăn đối với doanh nghiệp trong quá trình tự chủ đại học,Tiến sĩ Nguyễn Võ Hoàng Mai cũng thông tin thêm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn khoa được thành lập bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, là đơn vị chuyển giao các sản phẩm khoa học của trường và hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hạch toán độc lập, vậy nên vấn đề tự chủ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không tác động lớn đến hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, nhìn nhận sâu xa vấn đề tự chủ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn có những ảnh hưởng đến nguồn kinh phí để tổ chức các chương trình. Cụ thể, khi nhà trường thực hiện tự chủ về tài chính, có nhiều chi phí phải tự túc so với trước đây, vì vậy, phần kinh phí để hỗ trợ các hoạt động, chương trình cũng có sự thay đổi.
Tiến sĩ Võ Mạnh Tùng cũng chia sẻ thêm về khó khăn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng: Vì là doanh nghiệp trong trường đại học nên khâu quản lý hành chính, nhân sự, tổ chức xã hội cũng gặp phải khó khăn, hoạt động còn lủng củng, ít cán bộ dám đứng ra khỏi biên chế nhà nước để quản lý doanh nghiệp.
Thêm vào đó, khó khăn vì nguồn tài chính bị hạn hẹp, không thể tận dụng nguồn vốn khác của nhà trường, cơ sở vật chất cũng không thể dùng chung với nhà trường; vì vậy, doanh nghiệp rất khó để phát triển lớn mạnh. Còn phải kể đến, nếu không có nguồn lực tài chính thì không thể bảo lãnh dự thầu cho các dự án lớn và không thể tham gia dự thầu.
“Ngoài ra, do cơ chế nhà trường khó đầu tư nguồn vốn vào doanh nghiệp nên nguồn lực về tài chính còn hạn chế, vì vậy mà doanh nghiệp khó có thể phát triển lớn mạnh được và nhà trường cũng có khả năng không còn làm chủ được doanh nghiệp ” - thầy Tùng nói
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Võ Mạnh Tùng, việc thành lập doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học là hoàn toàn hợp lý, ngoài việc đưa nghiên cứu khoa học đến gần hơn với thực tế sản xuất, còn có thể nâng cao đội ngũ cán bộ, giảng viên… Tuy vậy, cũng cần có sự cải tiến trong mô hình quản lý gắn kết doanh nghiệp với trường học để phát huy được tính tự chủ của trường học.