2 năm liên tiếp, số thí sinh nhập học nhiều ngành khoa học cơ bản chưa đến 10 SV

11/01/2024 06:36
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các ngành khoa học cơ bản khó hút thí sinh dù điểm chuẩn thấp hơn nhiều ngành học khác trong cùng một trường đại học và so với toàn hệ thống.

Những năm gần đây, nhiều ngành trong nhóm ngành khoa học cơ bản gặp khó khăn trong tuyển sinh, số lượng sinh viên nhập học cực thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022, các lĩnh vực thuộc nhóm ngành khoa học cơ bản đều nằm trong danh sách lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Kết quả tuyển sinh theo từng lĩnh vực trong năm 2022. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kết quả tuyển sinh theo từng lĩnh vực trong năm 2022. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các lĩnh vực như Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống đều có tỷ lệ tuyển sinh cực thấp. Cụ thể, tỉ lệ tuyển sinh của lĩnh vực Khoa học tự nhiên là 0,44%, Khoa học sự sống là 0,64%.

Ngay cả những trường đại học top đầu trong đào tạo lĩnh vực đó thì kết quả tuyển sinh những ngành này cũng không mấy khả quan. Nhiều ngành ngành khoa học cơ bản có điểm chuẩn ở mức thấp nhưng vẫn khó thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển, nhập học.

4 trường đại học đều tuyển sinh ngành Địa chất học nhưng kết quả tuyển sinh đều không khả quan. Biểu đồ: Thu Trang

4 trường đại học đều tuyển sinh ngành Địa chất học nhưng kết quả tuyển sinh đều không khả quan. Biểu đồ: Thu Trang

Cùng đào tạo ngành Địa chất học, cả 4 trường đại học đều có chung tình trạng tuyển sinh “èo uột”.

Cụ thể, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2021, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ tuyển được 19 sinh viên/99 chỉ tiêu; Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ tuyển được 8 sinh viên/30 chỉ tiêu; Trường Đại học Mỏ - Địa chất tuyển được 17 sinh viên/25 chỉ tiêu; coTrường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tuyển được 6 sinh viên/40 chỉ tiêu.

Đến năm 2022, số sinh viên nhập học theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành này ở các trường cũng rất thấp, riêng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh không có thí sinh nào trúng tuyển ngành Địa chất học theo phương thức này.

Năm 2022, nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên nhập học vẫn cực thấp. Biểu đồ: Thu Trang

Năm 2022, nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên nhập học vẫn cực thấp. Biểu đồ: Thu Trang

Với Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), theo thông tin từ Đề án tuyển sinh năm 2023 của nhà trường, đối với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi các ngành khác có điểm chuẩn từ 23 - 27, thì ngành Hải dương học, Địa chất học, Sinh học, Khoa học môi trường có điểm chuẩn từ 17 – 19 điểm trong hai năm 2021 và 2022.

Dù điểm chuẩn thấp nhưng tình hình tuyển sinh vẫn không khả quan. Đơn cử như ngành Hải dương học năm 2021 có 45 chỉ tiêu nhưng số sinh viên nhập học chỉ có 19 em, năm 2022 có 30 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 14 sinh viên nhập học.

Đối với phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực, ngành Địa chất học của trường cũng chỉ tuyển được 1 sinh viên trong năm 2021 và 4 sinh viên trong năm 2022; ngành Hải dương học chỉ tuyển được 6 sinh viên năm 2021 và 5 sinh viên trong năm 2022.

Trong hai năm 2021, 2022, số sinh viên nhập học các ngành Địa chất học, Hải dương học, Tài nguyên và môi trường nước ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng rất thấp.

Theo thông tin từ Đề án tuyển sinh năm 2023 của trường, dù điểm chuẩn chỉ dao động từ 18 – 20 điểm nhưng vẫn khó thu hút thí sinh.

Điều đáng nói, số sinh viên nhập học các ngành này có xu hướng giảm. Từ năm 2021 đến năm 2022, số sinh viên nhập học của ngành Địa chất học giảm từ 8 giảm còn 6 sinh viên, số sinh viên nhập học ngành Hải dương học giảm từ 13 xuống còn 3 sinh viên; số sinh viên nhập học ngành Tài nguyên và môi trường nước giảm từ 15 xuống 8 sinh viên.

Với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, theo đề án tuyển sinh năm 2023 của trường, năm 2021 ngành Thuỷ văn học có 50 chỉ tiêu cho cả 4 phương thức xét tuyển nhưng số lượng nhập học chỉ có 3 sinh viên, ngành Khí tượng và khí hậu học cũng không ngoại lệ khi chỉ tiêu tuyển sinh là 50 nhưng số sinh viên nhập học cũng chỉ có 18, ngành Địa chất học cũng chỉ có 15 sinh viên nhập học trên tổng 100 chỉ tiêu. Trong khi điểm chuẩn của cả 3 ngành này trong năm 2021 đều là 15 điểm (xét theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Năm 2022, tình hình tuyển sinh của các ngành này của trường cũng chưa đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh dù mức điểm trúng tuyển các ngành này chỉ rơi vào 19-20 điểm. Riêng ngành Địa chất học và Thuỷ văn học, mỗi ngành chỉ có 4 sinh viên nhập học.

Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của trường, điểm chuẩn ngành Địa chất học trong 2 năm 2021 và 2022 chỉ dao động từ 15 – 15,5 điểm, nhưng số lượng sinh viên nhập học (xét theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông) cũng rất thấp, cụ thể năm 2021 chỉ có 17 sinh viên nhập học, năm 2022 chỉ có 18 sinh viên nhập học. Ngành Quản lý và phân tích dữ liệu khoa học trái đất năm 2022 cũng chỉ có 7 sinh viên nhập học/37 chỉ tiêu xét tuyển.

Trong mùa tuyển sinh năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của một số ngành khoa học cơ bản cũng rất thấp.

Điểm chuẩn một số ngành khoa học cơ bản theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại 4 trường đại học năm 2023. Biểu đồ: Thu Trang

Điểm chuẩn một số ngành khoa học cơ bản theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại 4 trường đại học năm 2023. Biểu đồ: Thu Trang

Cụ thể, ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn của hai ngành Địa chất học và Hải dương học là 16.

Điểm chuẩn của hai ngành này ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là 20.

Các ngành Địa chất học, Thuỷ văn học, Khí tượng và khí hậu học tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có điểm chuẩn là 15 điểm.

Điểm chuẩn ngành Địa chất học tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất là 16 điểm.

Như vậy, điểm chuẩn một số ngành khoa học cơ bản ở mức rất thấp đã phản ánh phần nào khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường đào tạo những ngành này.

Dù đầu vào thấp, học phí thấp hơn các ngành đào tạo khác nhưng nhiều ngành khoa học cơ bản vẫn khó tuyển sinh.

Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Địa chất học và Hải dương học đều là các ngành có học bổng hỗ trợ 50%-100% học phí năm học đầu tiên khi đạt thành tích trúng tuyển cao, tuy nhiên vẫn rất khó để có thể thu hút người học.

Thu Trang