Giá như sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ đạt giải cao được chia sẻ để GV học hỏi

27/02/2024 06:42
NGUYỄN THẾ TRUNG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giá như những sáng kiến kinh nghiệm đó công khai đến các trường học, biết đâu những “kinh nghiệm” đó sẽ giúp ích cho ngành, cho cán bộ, giáo viên các đơn vị.

Mỗi năm, các tỉnh, thành có đến hàng ngàn giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm và trong số đó có rất nhiều đề tài đạt giải A, giải B, được cấp có thẩm quyền xếp giải, phát thưởng, các đơn vị căn cứ vào thành tích này để xét Chiến sĩ thi đua, Bằng khen các cấp…

Thế nhưng, điều đáng băn khoăn là rất hiếm có địa phương nào công khai chi tiết những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao, nhất là những giải A đến các đơn vị trường học giáo trên địa bàn. Phần lớn, phát động viết, chấm, công bố giải xong thì những đề tài đạt giải cao đi về đâu không ai biết.

Giá như, những sáng kiến kinh nghiệm này được công bố trên website của phòng, sở giáo dục và đào tạo hoặc đóng tệp gửi về các đơn vị cơ sở có thể giúp ích cho công việc quản lí, giảng dạy ở các nhà trường vì biết đâu, những thầy cô quản lý và giáo viên sẽ học hỏi được những kinh nghiệm mà các tác giả đã chia sẻ trong các đề tài.

sang-kien-kinh-nghiem-2-8708-6316.jpg
Ảnh minh họa.

Sáng kiến kinh nghiệm giải cao sao không chia sẻ đến các nhà trường?

Sau mỗi lần cấp có thẩm quyền (phòng, sở giáo dục) công bố tên những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đến các nhà trường, điều mà mọi giáo viên nhìn thấy có rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A, nhất là những lãnh đạo phòng, sở giáo dục và một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, cũng có một số thành viên cốt cán của các bộ môn, một số giáo viên ở các nhà trường đạt giải A, giải B.

Đáng lẽ ra, một khi cấp có thẩm quyền chấm và công nhận giải thì dù không công bố hết tất cả các giải cũng nên công bố, chia sẻ những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A để các đơn vị cơ sở có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.

Cán bộ, giáo viên có thể tham khảo cách viết, có thể học hỏi kinh nghiệm từ nội dung những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao để họ ứng dụng vào công việc của mình và cũng có thể áp dụng vào những đề tài năm sau cho có hiệu quả.

Bởi lẽ, ngay cái tên “sáng kiến kinh nghiệm” đã bao hàm ý chia sẻ kinh nghiệm mà bản thân người viết đã đúc kết, đã trải qua từ thực tiễn có hiệu quả nên mới được người chấm đặt bút chấm giải A, giải B…

Thế nhưng, điều mà nhiều giáo viên băn khoăn là những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao vẫn hiếm khi được công khai đến các nhà trường. Cho dù, khi nộp đề tài, bao giờ cũng được cấp trên yêu cầu nộp cả bản in và file word.

Việc cấp phòng, sở giáo dục không công khai, chia sẻ những đề tài sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A khiến cho giáo viên đoán già, đoán non và có cả những thị phi vì đa phần quản lý các nhà trường và các chuyên viên, lãnh đạo ở phòng, sở viết đều có giải và giải cao.

Giáo viên đứng lớp không đảm nhận chức vụ thường có tỉ lệ đạt giải rất ít mà nếu đạt giải cũng chủ yếu là giải C mà thôi. Vì thế, họ mong muốn được tham khảo những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A xem nó hình hài ra sao, nội dung, cách viết như thế nào mà nhiều lãnh đạo, quản lý thường đạt giải cao như thế?

Những năm qua, sáng kiến kinh nghiệm có rất nhiều lợi thế trong xét thi đua

Ngày 15/ 6/2022, Luật thi đua, khen thưởng được ban hành và có hiệu lực từ ngày/01/ 2024 đã hướng dẫn xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận”.

Điều này cũng đồng nghĩa từ cuối năm học 2023-2024 này, cán bộ, giáo viên khi được đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì tiêu chí “sáng kiến” không còn là bắt buộc như trước đây.

Cán bộ, giáo viên ở các nhà trường chỉ cần đạt 1 trong các tiêu chí: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ” đều có cơ hội ngang nhau.

Tuy nhiên, kể từ năm học 2022-2023 trở về những năm trước, giáo viên phải đạt sáng kiến kinh nghiệm mới được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên. Vì thế, cho dù giáo viên có học sinh giỏi các cấp; đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi, Giáo viên dạy giỏi các cấp cũng chỉ được xét danh hiệu cao nhất là Lao động tiên tiến.

Cũng vì vậy, nhiều giáo viên tham gia nhiều phong trào, hội thi đạt giải nhưng vì sáng kiến kinh nghiệm không đạt giải vẫn phải ngậm ngùi không được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên hoặc Bằng khen các cấp.

Trong khi đó, một số lãnh đạo nhà trường, một số chuyên viên chỉ cần viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng họ vẫn được xét các danh hiệu cao vì phần nhiều lãnh đạo nhà trường trở lên viết sáng kiến kinh nghiệm là phần nhiều đều có giải và nhiều người đạt giải A, giải B…

Cũng vì vậy, không khó để mọi người nhìn thấy các danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh…; Bằng khen của Bộ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…rất ít giáo viên đứng lớp không kiêm nhiệm chức vụ có thể đạt được.

Hằng năm, khi cơ quan chức năng công bố danh sách những Nhà giáo Ưu tú; Nhà giáo Nhân dân (đối với khối giáo dục phổ thông), những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ có lẽ chiếm số lượng không nhiều.

Một lẽ giản đơn mà mọi người có thể nhìn thấy trong những năm qua là giáo viên đứng lớp thường “vướng” tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm. Giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ cũng có rất nhiều người đã từng tham gia viết nhiều lần nhưng họ không đạt giải hoặc chỉ đạt giải thấp. Vì thế, những danh hiệu thi đua cao rất ít khi được xét; các loại Bằng khen lại càng hiếm…

Trong khi đó, việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm của các trường hiện nay đối với cấp tiểu học; trung học cơ sở đang do phòng giáo dục và đạo tạo chấm nên những người được phân công làm giám khảo chủ yếu là lãnh đạo phòng và một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các nhà trường hoặc thêm một vài thành viên hội đồng cốt cán của các môn học.

Cấp trung học phổ thông do sở giáo dục và đào tạo chấm và cơ bản cũng được thực hiện như cấp phòng giáo dục và đào tạo.

Những chuyên viên; những lãnh đạo phòng, sở thì giám khảo cũng là những người đồng cấp chấm cho nhau hoặc cấp dưới chấm cho cấp trên; cấp trên chấm cho cấp dưới nên tỉ lệ rớt rất hiếm và thường đạt những giải cao.

Cũng chính vì thế, điều mà giáo viên dưới cơ sở mong muốn cấp phòng; sở giáo dục và đào tạo nên công bố những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao đến các trường học nhưng những năm qua những mong muốn ấy vẫn hiếm khi được thực hiện.

Chỉ thấy, cấp trên phát động viết sáng kiến kinh nghiệm, yêu cầu thời gian nộp về cấp trên. Sau đó, bẵng đi một thời gian dài thì công bố giải. Năm nào cũng có rất nhiều giải A, giải B nhưng những đề tài đó hình hài, nội dung chi tiết như thế nào thì không nhiều thầy cô biết được .

Rất ít địa phương công bố chi tiết sáng kiến kinh nghiệm của những giải thưởng đạt giải cao lên website của cấp phát động và công nhận giải nên nhiều giáo viên dưới cơ sở vẫn băn khoăn và cũng có không ít những thị phi.

Giá như những sáng kiến kinh nghiệm đó được công khai đến các trường học trên địa bàn, biết đâu những “kinh nghiệm” đó sẽ giúp ích cho ngành, cho địa phương vì đó là những đề tài hay, tinh túy nhất nên cấp có thẩm quyền xếp giải cao.

Những cá nhân đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cao được hưởng nhiều quyền lợi khác nhau trong xếp loại viên chức và xét thi đua hằng năm nhưng những “kinh nghiệm” đã được đúc kết và chia sẻ trong sáng kiến kinh nghiệm lại không được quảng bá, công khai, áp dụng cho nhiều trường học thì thật lãng phí!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

.

NGUYỄN THẾ TRUNG