Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Luật gồm 8 chương, 96 Điều, các quy định trong Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. [1]
Ảnh trên website thiduakhenthuongvn.org.vn |
Luật Thi đua Khen thưởng có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, với rất nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, nguyên tắc,…xét thi đua, khen thưởng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc xét thi đua, khen thưởng, hướng đến việc thi đua, khen thưởng thực chất hơn, tạo động lực phấn đấu hơn cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, có điểm mới vô cùng quan trọng là tiêu chuẩn về sáng kiến cải tiến kinh nghiệm (xin gọi chung là sáng kiến) không còn là tiêu chuẩn bắt buộc trong việc xét một số danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Đối với lĩnh vực giáo dục, hàng chục năm qua, việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở bắt buộc phải có tiêu chuẩn sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận khiến nhiều giáo viên giỏi cấp tỉnh, nhiều người công tác rất tốt, được đồng nghiệp tin tưởng, tín nhiệm cao nhưng không thể đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở vì thiếu sáng kiến.
Nên từ 01/01/2024, đạt tiêu chuẩn có sáng kiến là một lợi thế nhưng không bắt buộc phải có khi xét một số danh hiệu thi đua, khen thưởng trong đó có danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ là tin vui rất lớn đối với giáo viên cả nước.
Từ 01/01/2024, không cần sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở
Tại Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
(Trích khoản 1 Điều 24 quy định về tiêu chuẩn đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”:
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” để tặng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
b) Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua…)
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.
Như vậy, tiêu chuẩn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngoài việc phải đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, phải đạt 1 trong 2 điều kiện sau:
Một là, phải được thủ trưởng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đối với giáo viên là viên chức nên việc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 48/2023/NĐ-CP về đánh giá công chức, viên chức.
Cụ thể, tại Điều 12. Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
“1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;
b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;
2. Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này;
b) Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao;
c) Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;
d) 100% đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”
Tại Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào sau khoản 4 Điều 2 như sau:
“…. 6. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.”
Hiện nay quy định của Đảng, tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Như vậy, để được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không quy định phải có sáng kiến.
Hoặc, giáo viên để đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu (gọi chung là sáng kiến).
Luật Thi đua, khen thưởng 2022, không còn quy định bắt buộc tiêu chuẩn cứng phải có sáng kiến kinh nghiệm để xét các danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở là một bước tiến lớn, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đồng tình, hoan nghênh.
Qua trao đổi, các đồng nghiệp là giáo viên, cán bộ quản lý tại địa phương, đa số đều phấn khởi với quy định mới này, kỳ vọng thi đua, khen thưởng sẽ thực chất hơn, khen đúng đối tượng, người công tác tốt, nhiều thành tích sẽ được tôn vinh, khen thưởng.
Từ 01/01/2024, quy định bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh và Thủ tướng cũng không bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm
Tại Điều 74. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh
“1. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh phát động;
b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;…”
Như vậy, để được đề nghị tặng bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh, giáo viên phải có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (không nhất thiết phải có sáng kiến) hoặc nếu đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (nhưng không đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua) thì phải kèm thêm có 02 sáng kiến được công nhận.
Đối với quy định bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 73. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”
“1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua;
b) Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
c) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc được giải thưởng ở khu vực;
d) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo….”
Giáo viên để được đề nghị tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ phải đạt tiêu chuẩn: Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (không nhất thiết phải có sáng kiến) và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (cũng không nhất thiết phải có sáng kiến kinh nghiệm).
Tài liệu tham khảo:
[1] http://thiduakhenthuongvn.org.vn/sua-doi-luat-thi-dua-khen-thuong/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-luat-thi-dua-khen-thuong
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.