Trong 2 ngày từ 30-31/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Trường Cao đẳng THACO tổ chức hội thảo khoa học “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp”. Chủ đề hội thảo không phải là vấn đề mới, song giải quyết bài toán phát triển của hệ thống giáo dục cao đẳng là vấn đề khó và phức tạp.
Hội thảo dự kiến có sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, nhà hoạch định chính sách giáo dục, đại diện các trường cao đẳng trên cả nước. Dự kiến nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của hệ thống giáo dục cao đẳng sẽ được bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng tại đây.
Tìm hướng đi mới giúp nâng cao chất lượng đào tạo hệ cao đẳng
Chia sẻ về lý do lựa chọn cao đẳng cho chủ đề hội năm nay, Tiến sĩ Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, sự ra đời của hệ thống đào tạo cao đẳng đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực đất nước ta qua các thời kỳ, trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hệ thống giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống đào tạo này đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động.
Bên cạnh đó, hiện nay, Trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là một cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Năm 2024 cũng là năm đánh dấu tròn 10 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Bởi vậy, hội thảo khoa học “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp” lần này có ý nghĩa trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trước mắt và tìm hướng đi mới trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của hệ cao đẳng. Những kết quả tại hội thảo lần này cũng sẽ góp phần vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, cũng như tạo nguồn tư liệu quý báu cho quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật giúp cho giáo dục nghề nghiệp nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
Theo đó, hội thảo khoa học “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp” dự kiến tập trung vào một số nội dung như: Vai trò của hệ cao đẳng trong cơ cấu trình độ nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội - kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam; Nhìn lại các thể loại giáo dục cao đẳng ở Việt Nam; Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống giáo dục cao đẳng Việt Nam; Nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng Việt Nam từ góc nhìn của doanh nghiệp.
Còn nhiều khó khăn trong hoạt động của các trường cao đẳng
Hiện nay, các trường cao đẳng nước ta đang phải đối mặt với không ít vấn đề, đơn cử như tình trạng “chật vật” trong công tác tuyển sinh, quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường; cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa hợp lý; trang thiết bị chưa đầy đủ, lạc hậu hơn nhiều so với doanh nghiệp; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động,...
Trăn trở về tính liên thông trong đào tạo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều bất cập khi bậc cao đẳng bị tách ra khỏi hệ thống giáo dục đại học.
Cụ thể, ngay từ khi giáo dục cao đẳng bị tách ra khỏi hệ thống giáo dục đại học, tính liên thông đã không còn do chương trình đào tạo giữa bậc cao đẳng và đại học không được đối sánh để công nhận tín chỉ, gây lãng phí nguồn lực. Các trường cao đẳng cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh khi không được tiếp cận cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông.
Để giải quyết các bất cập kể trên, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng nhận định, điều cấp thiết nhất hiện nay là phải đưa các trường cao đẳng quay lại hệ thống giáo dục đại học và thống nhất quản lý ở cấp vĩ mô.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Võ Thanh Bình - Trưởng Ban tổ chức, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, việc phân mảnh trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã tạo ra những rào cản, khó khăn cho việc liên thông của của người từ các trình độ trước đó lên các trình độ của giáo dục đại học. Chỉ khi cả hai lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thành một hệ thống nhất do một đầu mối quản lý, đồng thời sửa được Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp thì hệ thống giáo dục Việt Nam mới tiếp cận, tương thích với giáo dục quốc tế.
Chỉ ra thêm một số vấn đề bất cập trong đào tạo hệ cao đẳng ở nước ta hiện nay, ông Tạ Xuân Tiếu - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ cho rằng, mặc dù mạng lưới trường cao đẳng khá lớn nhưng phần đông còn chưa hiện đại, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng; năng lực hội nhập hạn chế; quy mô đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của quốc gia với gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động.
Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý; chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của đất nước.
Phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng như phương pháp học lý thuyết, thực hành kỹ năng nghề của sinh viên nặng tính truyền thống mà chưa có sự chuyển đổi trong môi trường số… Thực trạng đó đòi hỏi các trường cao đẳng cần phải có giải pháp đổi mới toàn diện trong đào tạo.
Trên đây chỉ là một số vấn đề “nổi cộm” trong hoạt động của các trường cao đẳng hiện nay. Chính vì vậy, hội thảo khoa học “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp” sẽ là diễn đàn tập hợp đông đảo các ý kiến trao đổi, góp ý tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ vì hệ thống các trường cao đẳng nói riêng và giáo dục nước nhà nói chung.
Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường cao đẳng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tạo đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.
Hội thảo khoa học “Cao đẳng - Thực trạng và giải pháp” diễn ra trong 2 ngày 30/5 và 31/5. Trong đó, ngày 30/5, các đại biểu tham dự sẽ đi tham quan các công ty/nhà máy của THACO (tại Chu Lai, Quảng Nam). Ngày 31/5, chính thức diễn ra hội thảo.