Phòng GD TP Vĩnh Long: Quy trình tuyển dụng viên chức không có QĐ trúng tuyển

03/08/2024 07:25
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Long, năm học 2022-2023 quy trình tuyển dụng viên chức không có Quyết định trúng tuyển....

Đây là thông tin được nêu ra trong kết luận thanh tra số 27/KL-TTr của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 77/QĐ-TTr ngày 16/10/2023 của Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thanh tra kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 24/10/2023 đến ngày 27/10/2023, Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long và các Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng một số cơ sở giáo dục.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều ưu điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long trong vai trò tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, văn bản quy định các chính sách phát triển giáo dục các cấp,... Hướng dẫn các đơn vị triển khai các nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều ưu điểm khác của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long trong công tác quản lý chất lượng; cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức triển khai việc thu, chi tại các cơ sở giáo dục và thanh tra, kiểm tra.

Nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo không có chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non

Bên cạnh những ưu điểm, quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót.

Trong đó, đối với giáo dục mầm non, kết luận thanh tra nêu rõ, toàn tỉnh Vĩnh Long có 04/08 Phòng Giáo dục và Đào tạo (Mang Thít; Bình Tân; Tam Bình; Vũng Liêm) chưa có chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non nên công tác chỉ đạo chuyên môn từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo, từ Phòng Giáo dục và Đào tạo đến các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

cover tạp chí.png
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: DN

Đối với giáo dục tiểu học, kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng tài liệu Giáo dục địa phương (từ lớp 1 đến lớp 4) chưa in ấn được để cung cấp cho các cơ sở giáo dục triển khai nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Các cơ sở giáo dục dùng bản photocopy để triển khai dạy học là chưa đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 6220/BGDĐT-KHTC ngày 25/11/2022 về việc tổ chức biên soạn, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương.

Ngoài ra, việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 8, 11 còn chậm làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch giáo dục năm học của nhà trường.

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, theo kết luận thanh tra, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Công tác bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho nhân viên; đào tạo đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn còn chậm so với kế hoạch đã phê duyệt.

Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Thít, năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã không cử giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019. Cùng với đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa khắc phục được triệt để, dẫn đến tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định.

Bảo hiểm tự nguyện nhưng mức thu không theo tinh thần tự nguyện

Đáng chú ý, kết luận thanh tra đã chỉ ra một số vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ 2 năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024. Các vi phạm liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục, quản lý chất lượng và công tác tổ chức triển khai việc thu, chi tại các cơ sở giáo dục.

Trong đó, về cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long chưa ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch mua sắm thiết bị tối thiểu theo quy định Thông tư số 37, 38, 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Việc cung cấp thiết bị dạy học cho các lớp 3, 4, 7, 8, 10, 11 còn chậm, chưa tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 37, 38, 39/2021/TT- BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Liên quan đến vấn đề đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, kết quả thanh tra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long và Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Long nêu tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.

Ngoài ra, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Long, năm học 2022-2023 quy trình tuyển dụng viên chức không có Quyết định trúng tuyển; không có quyết định thuyên chuyển và tiếp nhận viên chức sự nghiệp giáo dục năm học 2022-2023. Kết luận thanh tra chỉ ra điều này là chưa đúng theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020.

Trường Trung học cơ sở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: website nhà trường
Trường Trung học cơ sở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: website nhà trường

Về công tác tổ chức triển khai việc thu, chi tại các cơ sở giáo dục, theo kết luận thanh tra, tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Trà Ôn, năm học 2022-2023, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện gửi Trường giữ hộ số tiền là 46.770.000 đồng. Điều này là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, việc thu tiền Bảo hiểm thân thể tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Trà Ôn còn theo hình thức vận động học sinh tham gia, mức thu bình quân không theo tinh thần tự nguyện. Điều này là chưa đúng quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 quy định về Bảo hiểm bắt buộc có quy định, bảo hiểm thân thể học sinh là loại hình bảo hiểm tự nguyện.

Khoản 2, khoản 3 Điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT):

2. Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

a) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;

b) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

3. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Minh Chi