Theo danh mục công bố các phương thức xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 20 phương thức xét tuyển đại học đang được áp dụng [1]. Trong đó có hơn 10 phương thức không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này mở ra cơ hội lớn đối với các học sinh có nguyện vọng vào đại học, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác giảng dạy cuối cấp đối với các trường trung học phổ thông.
Khó khăn trong việc định hướng đúng cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc xét tuyển sớm có ưu điểm là tạo nhiều cơ hội vào đại học cho học sinh. Từ đó những học sinh được xét tuyển sớm có sự phấn khởi.
Tuy nhiên, theo cô Thúy, xét tuyển sớm có hạn chế là không kích thích được học sinh học tập, phấn đấu trong học kỳ II của lớp 12. Điều này dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phản ánh thực chất năng lực của học sinh trong cả 3 năm học phổ thông.
“Việc định hướng học sinh cố gắng học tập để có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại tốt là rất khó khăn. Học sinh đã đỗ xét tuyển sớm không còn quan tâm đến việc học để đạt điểm cao trong thi tốt nghiệp nữa, cô Diệu Thúy chia sẻ thêm.
Cùng bàn về vấn đề này, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở tỉnh Nam Định cho biết, từ tháng 3, nhiều trường đại học đã liên hệ với nhà trường để đến phổ biến các phương thức xét tuyển sớm cho học sinh.
“Đa số các trường tư vấn hình thức xét tuyển học bạ hoặc xét kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực khiến nhiều em lầm tưởng chỉ cần có điểm học bạ đạt yêu cầu hoặc đạt các kỳ thi đánh giá năng lực là đã trúng tuyển vào trường đại học. Tuy nhiên, các em phải hiểu rằng, nếu không đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì các em không đủ điều kiện vào học đại học”, vị hiệu trưởng cho hay.
Thầy hiệu trưởng cũng cho biết thêm, mặc dù các hình thức xét tuyển sớm sẽ đem lại nhiều cơ hội cho học sinh nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Một số học sinh chỉ tập trung ôn theo bộ đề của các kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc cấp tốc ôn thi lấy các chứng chỉ Tiếng Anh theo yêu cầu xét tuyển đầu vào của các trường đại học dẫn đến tình trạng học “lệch”. Trong khi đó giáo dục trung học phổ thông là giáo dục kiến thức cơ bản, tất cả các môn học đều có vai trò tương đương nhau.
Vị hiệu trưởng này nhấn mạnh, điều quan trọng nhất của học sinh bậc trung học phổ thông là trang bị kiến thức vững vàng, do đó, việc các trường đại học tổ chức xét tuyển sớm và xét tuyển nhiều phương thức đã vô tình đặt thêm “gánh nặng” định hướng nghề nghiệp lên giáo dục phổ thông.
“Khi biết đã trúng tuyển sớm vào trường đại học, học sinh thường có tâm lý chủ quan trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông khiến giáo viên và nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học. Việc học sinh không đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới thí sinh mà còn ảnh hưởng chung tới chất lượng giảng dạy của nhà trường”, vị hiệu trưởng cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, đã có trường hợp học sinh đỗ đại học bằng hình thức xét tuyển sớm nhưng trượt tốt nghiệp.
“Đây là những trường hợp rất đáng tiếc do không có định hướng đúng đắn ngay từ đầu. Đối với một trường trọng điểm của tỉnh như trường chúng tôi, hầu hết học sinh đều có nguyện vọng vào đại học nên các hình thức xét tuyển sớm được các em học sinh rất quan tâm. Chính vì vậy việc có quá nhiều phương thức xét tuyển khiến các các em lo lắng nên buộc các thầy cô giáo phải liên tục cập nhật để có những tư vấn đúng cho học sinh.
Nhiều năm trở lại đây, trường chúng tôi hầu như không có thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mặc dù nhà trường đã dùng nhiều biện pháp để đốc thúc tinh thần của học sinh, nhưng những em đã đỗ xét tuyển sớm chỉ muốn học “cầm chừng” để thi qua tốt nghiệp. Đây cũng là tâm lý chung khi các em có quá nhiều sự lựa chọn, cơ hội được chia đều cho nhiều phương thức xét tuyển”, vị này bày tỏ ý kiến.
Cần có sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học
Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường đại học không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, tạo thuận lợi cho thí sinh và xã hội. Lãnh đạo Bộ cũng chỉ ra xét tuyển sớm đang có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này.
Căn cứ từ thực tế công tác dạy và học cuối cấp, lãnh đạo các trường trung học phổ thông đề xuất nên có sự điều chỉnh các phương thức tuyển sinh đại học để tạo sự công bằng với tất cả các thí sinh.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long, các trường đại học xét tuyển sớm vẫn cần có thêm điều kiện về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở từng mức độ tương ứng.
“Ví dụ các trường đại học nước ngoài đã có kết quả xét tuyển đại học sớm, nhưng yêu cầu kết quả tốt nghiệp phải đạt từ 7.0 trở lên, hoặc các mức điểm tốt nghiệp đạt được khác nhau sẽ xét học bổng mức khác nhau. Điều này sẽ tạo động lực cho các học sinh tiếp tục cố gắng học tập”, cô Diệu Thúy giải thích thêm.
Bên cạnh đó, cô Thúy cũng mong muốn có sự điều tiết về thời điểm xét tuyển, thống nhất chung giữa các trường đại học, đảm bảo các học sinh ổn định việc học tập ở tất cả 6 kỳ học của bậc học trung học phổ thông. Từ đó, giúp thí sinh tránh tình trạng học sinh lớp 11 phải học trước kiến thức của lớp 12 để tham gia kỳ thi xét tuyển sớm.
Hiện nay, các kỳ thi đánh giá năng lực hầu hết diễn ra ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong khi đó các tỉnh vùng sâu, vùng xa có nhiều học sinh năng lực và tư duy tốt lại không có điều kiện tham gia. Vì vậy, các trường đại học cần điều chỉnh để nhiều học sinh được tiếp cận với các hình thức thi đánh giá năng lực thì mới tuyển được nhiều thí sinh phù hợp. Tuy nhiên thời gian và cách thức phải có sự điều chỉnh để không gây quá tốn kém cho học sinh và phụ huynh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/tang-cuong-ung-dung-cntt/Pages/chi-tiet-van-ban-chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3649