Cần làm rõ cơ chế lợi nhuận và phi lợi nhuận tại các trường NCL

01/03/2012 09:05
Xuân Trung
(GDVN) - “Phải hiểu đúng bản chất của giáo dục là phúc lợi xã hội, phúc lợi cộng đồng theo Nghị quyết Trung ương khóa 8 về xã  hội hóa giáo dục”.
GS, TS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng xác định mục tiêu và hướng đi của các trường NCL hiện nay. 

Dân chủ và làm chủ!

GS Trần Hữu Nghị cho rằng, nếu trong các doanh nghiệp, mỗi người công nhân bằng bàn tay lao động có thể làm nên một sản phẩm, sản phẩm đó hiện hữu và có những đặc tính xác định, ngược lại trong giáo dục đó là sản phẩm vô hình, là chất xám được tích lũy trong mỗi con người trong quá trình đào tạo. Người làm nên “sản phẩm” đó phải có đủ các đặc tính Đức – Tâm – Tài.
GS Trần Hữu Nghị cho rằng, cần tổ chức quản lý hỗ trợ tốt hơn từ các cơ quan nhà nước đối với các trường NCL. Ảnh Xuân Trung
GS Trần Hữu Nghị cho rằng, cần tổ chức quản lý hỗ trợ tốt hơn từ các cơ quan nhà nước đối với các trường NCL. Ảnh Xuân Trung
Và, muốn cho “sản phẩm” và chất lượng đào tạo phát triển thì người thầy phải được làm chủ với đúng nghĩa của nó. “Như vậy, ngoài việc được đóng góp vốn, được hưởng sự tôn trọng, họ còn phải được dân chủ bàn bạc và ra quyết định. Như vậy thầy mới phát huy hết khả năng tiềm ẩn và sáng tạo trong giáo dục để tạo nên những sản phẩm giáo dục tích cực” GS Nghị cho biết.
Có thời điểm xã hội nhìn nhận đầu tư cho giáo dục là đầu tư siêu lợi nhuận. Chính quan điểm chỉ vì lợi nhuận, chỉ vì quyền lợi của những người góp vốn đã gây nên sự đổ vỡ, bất cập. Phải nói, bên cạnh đó hệ thống văn bản pháp lí chưa đầy đủ, chưa chuẩn mực, một số điều khoản không phù hợp đã tạo nên một bức tranh không  mấy tốt đẹp về hệ thống NCL.
GS Trần Hữu Nghị cho rằng, phải phân định rõ vấn đề “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” trong các trường NCL. Về lợi nhuận, theo GS Nghị, bất cứ hoạt động nào muốn tồn tại và phát triển cũng phải có lãi, muốn có lãi nhiều phải thu học phí cao và giảm tới mức tối đa chi phí cho giảng viên, cơ sở vật chất… “Với tính chất ăn xổi như vậy thì hoạt động tài chính chắc chắn trường không ổn định và bền vững được”.
Như vậy, theo ý của GS Nghị với một trường hoạt động không vì lợi nhuận mà vì xã hội, vì giáo dục sẽ không có khái niệm lợi nhuận, mà chỉ có khái niệm “chênh lệch” thu chi. Nếu thu lớn hơn chi, phần dôi sẽ được phục vụ vào: Cải thiện điều kiện ăn ở, vui chơi, giải trí, động viên sinh viên, tạo điều kiện cung cấp cơ hội tốt nhất cho sinh viên học tập. Hơn nữa, cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương, tiền thưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giảng viên và sinh viên…
Theo GS Nghị, yếu tố quan trọng để thấy được trường hoạt động không vì lợi nhuận là hằng năm nhà trường phải báo cáo công khai, rõ ràng,  minh bạch, chính xác đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên trường. Trường kiểm kê tài sản, tài chính, kiểm toán những công trình xây dựng hàng năm…
GS Đặng Ứng Vận cho biết, cần xây dựng một triết lí mới cho hệ thống đại học dựa trên nền tảng lý luận triết học về tính phi lợi nhuận và lợi nhuận trong hoạt động giáo dục. Ảnh Xuân Trung
GS Đặng Ứng Vận cho biết, cần xây dựng một triết lí mới cho hệ thống đại học dựa trên nền tảng lý luận triết học về tính phi lợi nhuận và lợi nhuận trong hoạt động giáo dục. Ảnh Xuân Trung
Đồng quan điểm, GS, TSKH Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho biết, thách thức của các trường NCL hiện nay đó là nhận thức của xã hội và các cấp quản lý chưa rõ ràng hoặc chưa đầy đủ về vai trò vị trí và tính chất của các trường ngoài công lập. 
Văn bản quan trọng hàng đầu của Nhà nước về giáo dục là Luật giáo dục 2005. Điều 20, Luật giáo dục khẳng định “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận”. Luật giáo dục sửa đổi và Dự thảo mới nhất về Luật giáo dục đại học vẫn giữ nguyên quan điểm này. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước không chấp nhận loại hình cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. 
Thách thức khác nữa của các trường ngoài công lập hiện nay được ông Vận chỉ ra đó là mâu thuẫn giữa việc đảm bảo chất lượng đòi hỏi đầu tư lớn trong khi học phí không thể tăng cao. Bình quân thu nhập thấp, khả năng chịu đựng học phí cao của các gia đình là rất hạn chế. Từ những nhận định trên, GS ĐặngỨng Vận kiến nghị: “Cần xây dựng một cơ chế tài chính riêng cho các trường NCL, bao gồm cả loại hình lợi nhuận và phi lợi nhuận, không tiếp tục buộc các trường thực hiện cơ chế tài chính của các doanh nghiệp” GS Vận cho biết.
Luật ra đời sẽ giải quyết được?
Theo TS Lê Viết Khuyến, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở Giáo dục ĐH và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực. Ảnh Xuân Trung
Theo TS Lê Viết Khuyến, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở Giáo dục ĐH và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực. Ảnh Xuân Trung
Để đổi mới hoạt động của các trường ĐH NCL hiện nay, TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam) kiến nghị, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở Giáo dục ĐH và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực, cơ chế chính sách phù hợp… ; Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận, cần xây dựng và sớm ban hành quy chế trường ĐH không vì lợi nhuận (hiện nay chưa có) và ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận.
Khi xây dựng quy chế có thể chấp nhận mô hình trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận theo kểu Trung Quốc hoặc Thái Lan (cho phép nhà đầu tư được nhận tiền lãi với tỷ lệ hợp lý, xem như là phần thưởng; Chỉ những cơ sở giáo dục ĐH nghiêm túc chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng để được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước). 

Ngoài ra, cần đưa khái niệm góp vốn bằng trí tuệ vào Quy chế tổ chức và hoạt động của trường  đại học tư thục. Có quy định tỷ lệ cân đối thỏa đáng giữa phần góp vốn của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý về trí tuệ và phần góp vốn của nhà đầu tư về tiền bạc để hạn chế xung đột giữa hai nhóm này. Hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư và thường dẫn tới nhiều tiêu cực. Tốt hơn nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Luật GDĐH ra đời sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của các trường NCL. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Luật GDĐH ra đời sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của các trường NCL. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, hệ thống các trường NCL sau gần 25 năm hình thành, phát triển vẫn còn thiếu hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh để điều tiết hệ thống. 
Vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận, Thứ trưởng Ga cho biết, để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Luật GDĐH. Luật GDĐH được thông qua sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản pháp quy dưới luật điều chỉnh hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống trường NCL phát triển. Trong đó, có sự phân định rõ ràng vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận để từ đó có cơ chế hỗ trợ khác nhau. Khi xác định được thế nào là trường không vì lợi nhuận thì có cơ chế khác, vì lợi nhuận sẽ có cơ chế khác. Từ đó, thúc đẩy các trường ngoài công lập phát triển đúng hướng.
Xuân Trung