Tình cảm thiêng liêng mà giản dị của học sinh vùng cao
15 giờ chiều, ngày 19/11/2019, mọi công tác chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ được hoàn tất.
Trong khói sương của vùng núi cao huyện Mường Khương (Lào Cai), cô hiệu trưởng Trần Thu Hằng xắn tay áo quét dọn cùng học sinh.
Ngày 20-11 không quà, không hoa của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật |
Xa xa, các em học sinh chia nhau: đứa thì tập văn nghệ, đứa thì vun khóm hoa, đứa thì quét dọn sân trường.
Không khí ngày 20-11 tại vùng cao diễn ra như vậy. Ở đây, có cảm giác ngày 20-11 vẫn giữ được tinh thần vốn có của nó.
Thứ tinh thần đó không bị ảnh hưởng bởi vật chất, không bởi ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường.
Mọi thứ ở đây diễn ra thật giản dị nhưng vô cùng tình cảm.
Cô Hằng chia sẻ: “Ở đây tuy điều kiện vật chất không đầy đủ như ở dưới xuôi nhưng học sinh tình cảm lắm.
Mỗi năm đến ngày 20-11 vào mùa hoa cải là các em lên rừng ngắt hoa về tặng các cô. Đứa không có hoa thì tặng cô cái kẹo mút, cái bánh. Đứa thì câu chúc, tiếng chào.
Học sinh ở đây tình cảm và luôn biết ơn các thầy cô. Vì thế ngày 20-11 trên đây tuy giản dị nhưng lại ấm áp vô cùng”.
Học sinh trường cấp 2 Tả Ngài Chồ tập văn nghệ cho ngày 20-11 (Ảnh:V.N) |
Cô giáo Hằng đã gắn bó với ngành giáo dục huyện Mường Khương gần 20 năm. Hai mươi năm đồng nghĩa với 20 Ngày giáo dục Việt Nam như thế trôi qua. Trong sâu thẳm, tinh thần của ngày 20-11 vẫn giữ được trọn vẹn trong trái tim nhà giáo.
Theo cô Hằng, tinh thần của ngày 20-11 cao quý, thiêng liêng không nằm ở những món quà, bó hoa mà nằm ở tình cảm, sự gắn kết cô trò.
Cô Hằng khoe với chúng tôi những bức tranh của học sinh trường cấp 2 Tả Ngài Chồ được làm bằng những hạt gạo, hạt ngô, hạt đỗ…
Những hạt gạo, hạt ngô …chắt chiu trên những nương rẫy cao, được các em mang về, tạo hình, phối màu sắc thành những bức tranh: Ơn thầy, ơn cô.
Nhìn thấy các em tíu tít, tung tăng chuẩn bị múa hát cho ngày 20-11 mới thấy được cái tinh thần và sự nhân văn trong giáo dục.
Gần 30 năm công tác, cô giáo Thủy, trường Trung học cơ sở thị trấn Mường Khương vẫn không bao giờ quên hình ảnh cậu học trò người Mông leo rừng cả ngày, người ướt sũng vì mưa, ngắt bó hoa rừng mang về tặng cô.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20-11, học sinh lại rủ nhau hái hoa trên rừng đem về tặng các cô.
Những bó hoa giản dị như chính những cô trò nơi đây nhưng vẫn tự tin khoe sắc trên núi rừng Mường Khương.
Những bức tranh được làm từ hạt gạo, hạt ngô chứa đầy tình cảm của học sinh nơi đây (Ảnh:V.N) |
Cô Thủy xúc động: “Có những cái tình cảm trong nghề giáo rất đáng trân trọng. Học sinh của chúng tôi rất ngoan và thương thầy cô.
Mặc dù điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng cách thể hiện tình cảm của các em khiến ai cũng phải xúc động.
Nghề giáo cho chúng tôi nhiều thứ nhưng thứ lớn nhất đó chính là tình cảm. Đôi khi chỉ một nhánh hoa rừng, một chiếc kẹo nhưng chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Đâu phải quà cáp nọ kia thì mới gọi là tri ân, biết ơn. Và những người làm nghề giáo như chúng tôi cũng chỉ mong các em khôn lớn, trưởng thành. Đó chính là sự tri ân lớn nhất đối với thầy cô”.
Tinh thần giáo dục vùng cao đó là vì con người
10 năm trước, cô giáo Hà Thị Hoa khăn gói quả mướp nhận công tác tại huyện Mường Khương.
Ngày đó đường vào điểm trường còn khó khăn, những cục đá lăn lông lốc to bằng bàn tay.
Không điện thoại, không điện, thiếu nước…có những lúc cô Hoa ngồi khóc rưng rức vì xa nhà, vì cô đơn.
Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh |
Ấy vậy mà thấm thoát cũng gần 10 năm gắn bó với mảnh đất, với con người và giáo dục nơi đây.
Nhớ lại ngày xưa, nghĩ về bây giờ, khi ngành giáo dục huyện nhà được đầu tư mạnh mẽ, cơ sở vật chất khang trang hơn, đàng hoàng hơn, cô Hoa vẫn cho rằng sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong từng ấy năm mình công tác đó là tình cảm thầy trò.
Cô Hoa tâm sự: “Tinh thần của giáo dục vùng cao đó là vì con người, vì học sinh.
Ở đây khi mọi thứ chưa bị chi phối, bị ảnh hưởng bởi vật chất, bởi các yếu tố thị trường chúng tôi làm tất cả vì học sinh.
Từ các cấp chính quyền, nhà trường cho đến giáo viên ai ai cũng tâm niệm 1 điều: Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Dạy học không chỉ đơn giản là dạy con chữ mà quan trọng hơn là dạy làm người.
Cô Hoa nói: “Những giáo viên như chúng tôi không mong các em học hành có thể trở thành ông nọ, bà kia. Mình chỉ mong muốn thay đổi được nhận thức cho các em.
Dạy cho các em cách cư xử, cách sinh hoạt, lối sống không chỉ vì cuộc đời của các em mà còn vì thế hệ sau.
Chúng tôi mong rằng sau này các em có thể định hướng tốt cho con cái mình như chúng tôi định hướng cho các em”.
Ngày 20-11, nhớ ơn thầy cô (Ảnh:V.N) |
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô Hoa ví: Nghề giáo viên vùng cao người ta hay nói là bỏ con mình ở nhà mà chăm con người khác thậm chí còn chăm con người khác hơn con mình.
Thế nhưng chưa bao giờ những giáo viên nơi đây cảm thấy hối hận vì công việc của mình đã chọn.
Quả thật, có đứng giữa thinh không hít hà cái không khí tất bật chuẩn bị cho ngày 20-11 mới thấy được hết tinh thần của giáo dục.
Có điều gì đó chậm lại, có điều gì đó nhân văn, tình cảm mà rất đỗi giản dị.
Ngoài kia người ta chuẩn bị quà nọ, quà kia, ở nơi đây vẫn chỉ có những giáo viên chân chất, những học sinh thật thà với những món quà ngày 20-11 là nhóm hoa dại, là bức tranh bằng ngô, bằng gạo, là chiếc kẹo mút ba mẹ cho.
Tinh thần của giáo dục vùng cao: Tất cả vì con người (Ảnh:V.N) |
Cô Hoa, cô Thủy, cô Hằng….và hàng nghìn giáo viên vùng cao tại huyện Mường Khương từng sống, từng trải qua những ngày 20-11 giàu cảm xúc như vậy.
Kết thúc buổi trò chuyện trong những tiếng hát văng vẳng của cô Hoa, chúng tôi trở về trong tinh thần và không khí ngày 20-11 giáo dục vùng cao.
Bên tai vẫn còn nhớ như in câu nói của cô Hoa: “Tinh thần của giáo dục vùng cao chính là vì con người”.