Bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới sẽ thay đổi như thế nào?

13/08/2019 06:08
AN NGUYÊN
(GDVN) - Phương thức bồi dưỡng giáo viên lần này là sự kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bắt buộc giáo viên phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tại hội nghị “Tổng kết năm học 2018-2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục trung học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/8 đã đưa vấn đề bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới ra bàn thảo, phân tích.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói về những thay đổi trong bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới. Ảnh: AN
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói về những thay đổi trong bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới. Ảnh: AN

Theo đó, đợt bồi dưỡng giáo viên lần này sẽ có nhiều điểm khác biệt, mới mẻ so với những đợt bồi dưỡng trước đó.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, để triển khai chương tình giáo dục phổ thông mới thì việc bồi dưỡng giáo viên có vai trò rất quan trọng.

Do đó, phải tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ này nắm chắc chương trình phổ thông, biết đổi mới tư duy dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Có thầy cô nào học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dễ như chúng tôi không?

Tuy nhiên, khác với những lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa  trước đây, việc bồi dưỡng giáo viên cũng có những thay đổi.

“Đó là biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Dù đó là một quá trình khó khăn. Bởi tâm lý chung là khi tham gia bồi dưỡng, ai cũng muốn “ăn sẵn”, đến nơi tập trung có cái gì là ghi chép cái đó.

Nhưng phương thức bồi dưỡng lần này là kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Việc bồi dưỡng trực tiếp là sẽ chỉ giải đáp thôi, còn phải nghiên cứu tìm hiểu trước tài liệu có trên mạng.

Thay đổi về phương thức về cách làm nên phải lưu ý để triển khai cho có hiệu quả”, ông Độ nói.

Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm đối với các sở giáo dục, các trường, phòng giáo dục, dự toán tài chính... cũng đã được tính toán kỹ lưỡng.

Để bồi dưỡng giáo viên tại chỗ, Bộ Giáo dục cho biết, đã bồi dưỡng một lượng lớn giáo viên cốt cán.

Trách nhiệm của các sở giáo dục là phải lựa chọn được giáo viên cốt cán đi bồi dưỡng, những giáo viên đó phải có tính lan tỏa.

“Nếu đội ngũ thầy cô giáo không tốt thì việc đổi mới chương trình sẽ gặp khó khăn”, đại diện Bộ Giáo dục cho hay.

Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cho chương trình phổ thông mới của Bộ Giáo dục

Trước đó, ngày 9/8, cũng tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ  quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Tham dự Hội nghị, ngoài 7 trường Đại học Sư phạm trọng điểm và Học viện quản lý giáo dục, còn có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán của 63 tỉnh thành trong cả nước.

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, quan điểm của Bộ là giao cho các trường Đại học Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên dưới sự phối hợp, hỗ trợ của các sở giáo dục, các nhà trường phổ thông.

Nội dung chương trình bồi dưỡng được xây dựng bám sát yêu cầu đạt chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, Hiệu trưởng phổ thông và cán bộ quản lý Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, với giáo viên, nội dung tập huấn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá;

Với Hiệu trưởng tập trung vào quản trị nhà trường; với cán bộ quản lý Sở, Phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục...

Các nội dung bồi dưỡng đã được thiết kế theo các dạng học liệu online để các học viên tự tham khảo/tự học trước khi học tập trung trực tiếp.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì dự kiến sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán được tham gia tập huấn, bồi dưỡng 54 mô đun liên tục trong 3 năm (từ năm 2019 – 2021).

Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sau đó sẽ hỗ trợ cho việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua mạng internet.

AN NGUYÊN