LTS: Sau khi Đà Nẵng tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng một cách công khai đã tạo nên những tín hiệu đáng mừng trong công tác trong thi tuyển chức danh lãnh đạo cho các trường học.
Trước bước cải tiến trong ngành giáo dục trên, cô Phan Tuyết cho rằng, các địa phương trong cả nước nên học tập việc làm này của Đà Nẵng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ.
Tham gia kì thi có 6 thí sinh đều là những phó hiệu trưởng của các trường trung học cơ sở công lập trên địa bàn. Tất cả đều cạnh tranh công bằng và phần thắng đương nhiên dành cho người giỏi nhất.
Đây không phải lần đầu Đà Nẵng tổ chức kì thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục trường học. Nhiều năm trở lại đây, những kì thi như thế vẫn thường được tổ chức.
Có thể nói, khi tổ chức kì thi “làm quan” ngành giáo dục Đà Nẵng đã tuyển chọn được những nhà quản lý giỏi. Nhờ có những kì thi như thế, nạn chạy chức chạy quyền, tình trạng bổ nhiệm người nhà, con ông cháu cha sẽ không còn nữa.
Một kỳ thi tuyển Hiệu trưởng tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: TT |
Thế nhưng vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyện này.
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết “Phương án thi tuyển có khuyết điểm của nó là dù tạo ra sự công bằng nhưng nó chỉ đánh giá được năng lực của ứng viên tại thời điểm thi tuyển”.
"Có người có khả năng quản lý rất tốt nhưng khi đi thi tuyển lại không diễn đạt được. Ngược lại, có người nói rất hay nhưng khi vào thực tế quản lý thì không làm tốt.
Bà Trưởng phòng cho biết “Đối với phương án bổ nhiệm, nếu thực sự công tâm thì mình sẽ nhìn nhận được họ (ứng viên) qua cả một quá trình dài nỗ lực, phấn đấu.
Mình ghi nhận sự đóng góp, cống hiến và nỗ lực của họ qua từng giai đoạn. Và như vậy sẽ có cái nhìn toàn diện hơn đối với năng lực của ứng viên”.
Bài học từ thực tế
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định trên trong việc bổ nhiệm nhưng công tâm đang bị chữ nếu đứng đầu, “nếu thực sự công tâm…”.
Trong thực tế, khá nhiều người được đề bạt chỉ đơn giản do cấp trên “bằng lòng”. Vì bằng lòng nên họ sẵn sàng bỏ qua năng lực của người cần đề bạt.
Nói là bổ nhiệm đúng quy trình nhưng cái gọi là “quy trình” ấy vẫn do một người điều hành thao túng.
Quả thật chuyện bổ nhiệm ban giám hiệu các trường ở cơ sở hiện nay thực sự chưa có sự công tâm, minh bạch vì có sự can thiệp của ngoại cảnh khá nhiều như chỗ quen biết, con ông nọ, cháu bà kia, do biết luồn lách, chạy chọt…thế nên những người được cất nhắc lên lãnh đạo chưa thật sự là tài năng, nổi trội hơn giáo viên.
Điều này làm cho giáo viên có cái nhìn về người lãnh đạo của mình không mấy thiện cảm, không có sự tâm phục khẩu phục nên chuyện hợp tác trong công việc cũng bị hạn chế.
Không thi tuyển khó tạo động lực cho giáo viên phấn đấu
Nếu bổ nhiệm theo quy trình sẽ tạo điều kiện cho nhiều kẻ năng lực yếu kém trổ tài luồn lách, lấy lòng cấp trên sinh ra tiêu cực nhiều. Đã thế lại không thể tạo động lực cho nhiều thầy cô giáo tiềm năng khác phấn đấu.
Không ít người có tư tưởng “mình có giỏi thế giỏi nữa cũng chẳng đến lượt vì tiền bạc không có, cũng chẳng con ông nọ cháu bà kia…”.
Khi đã bổ nhiệm không vì năng lực người ta cũng đủ cớ giữ lại những người ấy tại vị bằng mọi cách dù có làm yếu hay sai phạm đến đâu.
Ví như không ít hiệu trưởng bị kỉ luật vì lạm thu cũng chỉ bị khiển trách và luân chuyển từ trường này đến trường khác. Hay như năng lực yếu làm việc không hiệu quả thì vẫn ung dung tại vị đến lúc về hưu.
Vì điều này khá nhiều ban giám hiệu chỉ ngồi cho đủ ghế mà không lo trau dồi năng lực quản lý, chuyên môn của chính mình.
Nếu tổ chức thi tuyển lại hoàn toàn khác, vừa chọn được người tài lại làm động lực cho nhiều giáo viên tiềm năng cố gắng phấn đấu, học hỏi để ứng thí. Người đỗ làm hết nhiệm kì cũng sẽ thi lại như những ứng viên ban đầu.
Có thế ban giám hiệu mới nỗ lực hết mình trong việc học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức nếu còn muốn làm lãnh đạo.