Chóng mặt vì...thi Quốc gia

25/04/2020 06:21
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Thông tin về kì thi tốt nghiệp phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ rối tung rối mù, nay kiểu này mai lại đổi khác khiến giáo viên, học sinh hụt hơi.

Thi tốt nghiệp thay cho thi quốc gia

Ngày 15/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ 2 phương án thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19: vẫn thi quốc gia nhưng giảm môn thi hoặc xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tiếp đến, ngày 21/4, Bộ cho biết nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát thì học sinh có thể đi học lại trước ngày 15/6. Bộ vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi vào giữa tháng 8, cùng với đó là đẩy mạnh việc dạy học online, dạy học qua truyền hình. 

Tuy nhiên, tên gọi của kì thi sẽ thay đổi thành “kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020” thay cho “kì thi trung học phổ thông quốc gia” như những năm trước đây.

Sở Giáo dục và Đào tạo của từng địa phương sẽ đảm nhận các khâu tổ chức thi và chấm thi tự luận. Bộ chịu trách nhiệm ra đề thi chung cho kỳ thi này và sẽ tính toán, tổ chức thi như thế nào để giảm áp lực cho học sinh. 

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có sự khác biệt so với các năm trước. (Ảnh minh họa: Moet.gov.vn)
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có sự khác biệt so với các năm trước. (Ảnh minh họa: Moet.gov.vn)

Còn năm nay các trường đại học sẽ được tự chủ tổ chức tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học mà các trường đã có sự chuẩn bị lâu nay.

Và đến ngày 22/4, lí giải vì sao đổi tên kì thi trung học phổ thông năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, mục đích kỳ thi nhằm lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả đó để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên và bài thi tổng hợp Khoa học xã hội.

Nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Như vậy, theo thông tin này thì Bộ không giảm môn thi hoặc xét tốt nghiệp trung học phổ thông như đã nói trước đó.

Cùng với đó, các trường đại học có thể lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học, chứ không đơn thuần Bộ tổ chức một kì thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, hai bài thi tự chọn cũng được đổi tên bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên và bài thi tổng hợp Khoa học xã hội – khác với cách gọi trước đây là bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm trước đây). 

Ngoài ra, kỳ thi được tổ chức trong 1,5 ngày với 3 buổi thi. Nhiều giáo viên đặt câu hỏi, học sinh phải thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn (tổng hợp) thì làm sao có thể tổ chức trong 1,5 ngày (3 buổi)?

Giáo viên nói gì về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay?

Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp vốn được dùng để xét cho 2 mục đích, vừa là tốt nghiệp vừa là đại học.

Bộ Giáo dục lý giải về việc thay đổi phương án thi quốc gia
Bộ Giáo dục lý giải về việc thay đổi phương án thi quốc gia

Nếu kì thi này dùng để xét tốt nghiệp và các trường đại học có phương thức tuyển sinh riêng thì học sinh phải thi nhiều lần, thậm chí quy cách thi cử khác với thi tốt nghiệp sẽ gây mệt mỏi và áp lực.

Năm học này khá đặc biệt, nếu chỉ dùng kết quả của một kì thi để xét tốt nghiệp thì không nhất thiết phải thi nữa.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Trí Long, giáo viên ở quận Gò Vấp cho biết, nếu chỉ mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông mà phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc của Nhà nước là lãng phí, không cần thiết.

Trong khi dịch bệnh Covid-19 còn đang hoành hành, việc đi học sớm trở lại cũng chưa chắc có liên tục được hay không, dẫn đến việc kế hoạch tổ chức thi thống nhất trong cả nước sẽ có thể có những vướng mắc, trở ngại.

Nên chăng, trong điều kiện hiện nay, có thể giao cho các Sở quyền quyết định hoặc có thể xét học bạ của học sinh để xét việc hoàn thành 12 năm ăn học của học sinh.

Thầy Nguyễn Việt Đức, giáo viên ở quận 10 cho biết, năm 2018 tỉ lệ tốt nghiệp cả nước trên 99%, năm 2019 cũng hơn 97%.

Điều này cho thấy chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ học sinh không đậu tốt nghiệp. Trong khi đó để tổ chức được một kì thi đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ con người đến ngân sách, gây áp lực rất lớn đến học sinh và phụ huynh.

Vậy tại sao phải tốn kém chỉ để loại khoảng vài phần trăm học sinh ra khỏi danh sách nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?

“Với số tiền để tổ chức thi chỉ để xét tốt nghiệp ấy, tôi nghĩ ngành nên đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, quan tâm đến đời sống của giáo viên, đầu tư cho những nơi khó khăn… từ đó tỉ lệ sẽ tiệm cận 100% mà không cần tốn kém sàng lọc.

Để làm rõ cho giải pháp mà tôi đề xuất nêu trên, xin viện dẫn một số liệu được công bố trên một tờ báo uy tín, số tiền chi cho kì thi quốc gia năm 2018 là 35 tỉ đồng, và để thực hiện đề án thi trung học phổ thông quốc gia từ 2018 đến 2020 phải chi 750 tỉ. [3]

Với số tiền chi cho một kì thi, tôi nghĩ đủ xây một ngôi trường bề thế cho những tỉnh khó khăn, đủ đầu tư để nâng chất lượng giáo dục cho một lượng giáo viên cốt cán đủ bao phủ toàn quốc”, thầy Đức phân tích.

Trong khi đó, thầy Trần Văn Bình – tổ trưởng tổ Toán, Trường trung học phổ thông Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, bản chất của từ “thi” là học sinh tham gia vào cuộc đọ sức hơn kém về tài năng, sức lực.

“Thi là để tuyển chọn, sàng lọc, phân hạng. Còn “thi để xét…” nghĩa là sao? Cách nói, cách hiểu không rõ ràng!”, thầy Bình băn khoăn.

Theo thầy Bình, Bộ tổ chức một kì thi nhưng chỉ để xét tốt nghiệp là hoàn toàn không cần thiết. Nên giao kì thi này về cho từng Sở, sau đó Sở ra đề kiểm tra học kì 2 để các trường hoàn thành việc công nhận tốt nghiệp.

Điểm kiểm tra học kì 2 là cơ sở để Sở tham chiếu với điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì của từng trường để xem các trường chấm điểm có lệch không.

Ví dụ, học sinh A kiểm tra học kì 2 môn Toán được 4 điểm thì điểm thành phần không thể xuất hiện nhiều điểm 9, 10.

“Còn về tuyển sinh đại học, các trường sẽ có những phương án khác nhau, tùy theo điều kiện riêng của từng trường.

Chẳng hạn như, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giữ kỳ thi năng lực, tổ chức 2 đợt trong năm. Các trường thành viên lấy 90% chỉ tiêu cho kỳ thi này, còn 10% tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia và học sinh giỏi trường chuyên.

Hoặc các trường công lập, tư thục cũng có thể xét học bạ vì đúng Luật Giáo dục đại học. Xét học bạ muốn có độ tin cậy cao thì Sở phải ra đề kiểm tra học kì 2 chung cho cả tỉnh để từ đó lấy điểm xét nghiệp.

Và khi có sự giám sát của Sở về điểm kiểm tra cuối năm thì chẳng trường nào dám cho điểm sai lệch để làm thay đổi điểm tổng kết học bạ”, thầy Bình nêu ý kiến.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-hay-khong-thi-quoc-gia-bo-can-som-quyet-dinh-post208644.gd

[2] //www.tienphong.vn/giao-duc/thu-truong-nguyen-huu-do-li-giai-vi-sao-doi-ten-ky-thi-thpt-nam-nay-1646252.tpo

[3] //www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/902649/chi-750-ti-dong-doi-moi-ky-thi-thpt-quoc-gia-nhu-cu?fbclid=IwAR0cq7JM3mmaxvxGJ-QnvtD4jHhk8qGMjRg1M79PV-IreY4OGj_XRj6qB68

Cao Nguyên