Báo điện tử Giáo dục Việt Nam từng đăng tải bài viết: “Thương cô giáo chạy xe 130km đi dạy, bị tai nạn, phải cắt bỏ một tay”.
Cô giáo tên Trần Thị Bá Tiền, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hà Đông (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai).
Nhà ở xa, cách trường 130km nên đầu tuần cô Tiền chạy xe máy từ nhà đến trường, cuối tuần lại về.
Thương học sinh nghèo, thầy giáo Hào bỏ trường phố lên rừng dạy học |
Ngày 10/9/2019, cô Tiền điều khiển xe máy đến trường dạy học, khi đến khúc cua cách trường gần 10km cô gặp xe tải chở hơn 30 tấn mì đi ngược chiều.
Do đường hẹp, cô không tránh kịp, ngã xuống cho nên hai bánh xe tải chở mì đã đè lên, thắng lại chà nát toàn bộ cánh tay trái của cô.
Sau vụ tai nạn thương tâm đó, cô Tiền phải cắt bỏ cánh tay trái.
Sau gần 2 tháng điều trị, cô Tiền cuối cùng cũng nhận được một quyết định nhân văn: Cô Tiền được chuyển về công tác gần nhà để tiện chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Tuy nhiên mất mát của cô là vô cùng lớn, không gì bù đắp được.
Câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề về những khó khăn đối với giáo viên vùng cao phải đi dạy xa nhà.
Những hiểm nguy trên đường dạy học không chỉ xảy ra đối với cô Tiền. Do đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ dân cư của đất nước, hầu hết các tỉnh, thành đều có lượng lớn giáo viên phải dạy học xa nhà, nhiều khi đến cả trăm cây số.
Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh gia đình neo đơn, không phải ai cũng có thể dời nơi sinh sống đến điểm trường dạy học.
Phần lớn giáo viên chấp nhận khó khăn, cố gắng xa nhà với hy vọng vài năm sẽ được luân chuyển về gần nhà như quy định hiện hành.
Nhưng với nhiều lý do, kể cả những lý do không minh bạch, hàng vạn giáo viên không có cơ hội này.
Chuyện rất xót xa, tất tả hàng trăm cây số chăm sóc cho học sinh vùng xa, trong khi con cái mình cũng còn rất nhỏ, cũng bơ vơ xa mẹ nhưng họ không thường xuyên có mặt để chăm sóc.
Cô Trần Bá Tiền đi dạy cách nhà 130km, bị tai nạn, phải cắt bỏ 1 tay (Ảnh:T.U) |
Ở những tỉnh vùng cao phía Bắc hoặc miền Trung, giáo viên còn phải trụ hẳn lại các điểm trường cheo leo trên vùng núi, xa khu dân cư, xa đường tiếp tế lương thực.
Còn những phương tiện giải trí, điều kiện giao lưu xã hội... là điều quá xa xỉ. Ngay cả cơ hội để họ tìm hiểu nhau để lập gia đình còn khó khăn nữa là...
Thầy Nguyễn Viết Tiến, hiệu trưởng trường tiểu học Bản Công (Yên Bái) tâm sự:
“Đối với những giáo viên phải đi dạy xa nhà chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên.
Chẳng hạn như không yêu cầu các chị em ở xa phải trực trường cuối tuần. Nhà trường cũng rất tạo điều kiện cho giáo viên ở xa trường kèm theo một số chính sách đãi ngộ tốt.
Tuy nhiên nhìn chung giáo viên dạy tại các điểm trường nhất là những điểm trường xa nhà trên 50km chịu nhiều thiệt thòi và thiếu thốn tình cảm gia đình.
Đối với những trường hợp như vậy nhà trường rất đồng cảm và tạo điều kiện ưu tiên hết mức có thể cho các thầy cô công tác”.
Cô giáo Triệu Mùi Tá (Mù Cang Chải, Hà Giang) bộc bạch: “Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước và Bộ giáo dục và đào tạo có những chính sách tạo điều kiện cho giáo viên ở xa nhà.
Bên cạnh đó Phòng giáo dục và đào tạo, các trường cũng có cơ chế phân bổ giáo viên về các điểm trường sao cho hợp lý”.
Thương lắm! giáo viên cắm bản vùng rốn lũ |
Theo cô Tá: Không phải mình sợ khó, sợ vất vả, nhưng nhiều khi con cái đau ốm ở nhà cũng không thể chăm nom.
Bản thân cô Tá cũng đi dạy cách nhà 70km đường rừng núi, nhiều khi đi nửa ngày mới đến nơi.
Vì thế cô Tá thường đi một tuần, đến thứ 6 mới về.
Đôi khi con khóc đòi mẹ cũng không thể làm gì được đành gửi ông bà chăm nom.
Riêng cô Tiền đi dạy 130km, nói chuyện này ai cũng sửng sốt. Trên con đường đi gieo chữ của giáo viên vùng cao đôi khi phải đối mặt với những khó khăn không lường trước.
Còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2018, xã An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bị cô lập trong nước lũ.
Nhiều giáo viên của ngôi trường bán trú xã An Lương phải gùi từng cân gạo, gói ghém từng túi muối, dầu ăn lên điềm trường.
Giáo viên cắm bản, xa nhà, chịu nhiều thiệt thòi không nói hết (Ảnh:N.D) |
Thầy Diện, hiệu trường trường An Lương chia sẻ: “Hầu hết giáo viên vùng cao phải dạy xa nhà, cho nên đời sống anh chị em còn nhiều thiếu thốn và thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình.
Nhiều khi trực trường con cái ở nhà đau ốm, bố mẹ già cũng phải để đấy để lên đây chăm nom cho các em.
Chúng tôi cũng mong các cấp quan tâm hơn đến đời sống của anh chị em giáo viên cắm bản”.
Hy vọng rằng tới đây sẽ có những chính sách phân bổ giáo viên vùng cao hợp lý hơn cũng như cơ chế tạo điều kiện cho các thầy cô xa nhà yên tâm công tác để không xảy ra những câu chuyện đau lòng như cô giáo Trần Bá Tiền.