Ngày 18/4/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được những thông tin do người dân cung cấp, về những thông tin có liên quan đến Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT).
Thông tin cho biết, thời gian sử dụng một vài lô đất tại các cơ sở của Trường Đại học HUFLIT sắp hết hạn trong vòng 1,2 năm sắp tới, như: Cơ sở Cao Thắng (Khoa Quản trị Kinh doanh, khoa Kinh tế - Tài chính) sử dụng đến năm 2020, cơ sở Thất Sơn (khoa Du lịch – Khách sạn) sử dụng đến năm 2021.
Chỉ còn lô đất ở đường Sư Vạn Hạnh là còn thời hạn sử dụng đến năm 2023, đủ thời gian cho một khóa học kéo dài 4 năm.
Ngoài ra, cơ sở ở tại huyện Hóc Môn của trường đang bị chậm tiến độ, so với dự kiến trên thực tế là đưa vào sử dụng trong năm học 2017 – 2018, như trong Báo cáo tự đánh giá năm 2017 ghi.
Phản ánh này còn nêu lên một số tồn tại trong vấn đề giảng viên cơ hữu của nhà trường.
Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 (ảnh: P.L) |
Ví dụ: Thầy Phạm Đăng Khoa không có tên giảng dạy học kỳ 2 ở ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tương tự như vậy là Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thảo ở ngành Quản trị Khách sạn.
Người dân nói nếu các giảng viên này vẫn không tiếp tục giảng dạy tại trường, thì những ngành này có đủ điều kiện để tiếp tục tuyển sinh?
Ngành Quản trị Kinh doanh, trong phần giảng viên cơ hữu có ghi Tiến sĩ Đặng Đức Hoàng. Tuy nhiên, hiện nay ông Hoàng đang là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hơn một tháng tiếp nhận, ngày 28/5/2019, Tiến sĩ Trần Thanh Nhàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học HUFLIT Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản 35/ĐNT-ĐT trả lời các thông tin mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam quan tâm về nhà trường.
Căn cứ vào văn bản này, nhà trường cho biết, hiện trường đang có 4 cơ sở hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh, gồm trụ sở chính ở đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), đường Thất Sơn (cư xá Bắc Hải, quận 10), đường Cao Thắng nối dài (quận 10), quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn).
Hai cơ sở ở đường Cao Thắng, Thất Sơn chỉ ký hợp đồng cho thuê đất đến năm 2022, còn trụ sở chính ký hợp đồng cho thuê đất đến năm 2023, cơ sở ở quốc lộ 22 thuê đến năm 2063.
HUFLIT giải thích: Việc chỉ ký hợp đồng thuê đất 4,5 năm/lần là nhằm thuận tiện trong việc điều chỉnh giá cho thuê. Các cơ sở ở đường Cao Thắng, Thất Sơn, bên tư nhân cho thuê đất sẵn sàng hợp tác, cho nhà trường thuê đất lâu dài (20,30 năm) để làm cơ sở đào tạo.
Riêng đối với công trình ở cơ sở quốc lộ 22, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2017, nhưng do trong quá trình thi công, có một số vấn đề phát sinh, dẫn đến việc đơn vị thi công không thực hiện đúng tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của nhà trường.
Tại thời điểm 31/12/2018, công trình này đã hoàn thành các phần cơ bản, được nghiệm thu theo từng hạng mục hoàn thành, có xác nhận của đơn vị giám sát, đơn vị thi công và chủ đầu tư.
Đến nay, công trình đã hoàn thiện, sẵn sàng để đưa vào hoạt động, với các trang thiết bị đã được lắp đặt hoàn chỉnh, đồng bộ. Công trình này, nhà trường đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng một cơ sở đào tạo khang trang.
Trường cũng đã mua sắm đầy đủ các trang thiết bị từ trước, để sẵn sàng phục vụ cho các hoạt động giảng dạy của nhà trường.
Đối với tình hình các giảng viên, Trường Đại học HUFLIT đã không trả lời thẳng vào vấn đề từng giảng viên mà người dân quan tâm.
Nhà trường chỉ trả lời chung chung: Tính đến ngày 31/12/2018, theo các ngành đào tạo của trường đã báo cáo trong Đề án tuyển sinh là 385 giảng viên cơ hữu, gồm 1 Giáo sư, 1 Phó Giáo sư, 37 Tiến sĩ, 306 Thạc sĩ và 40 đại học.
Ngành Đông phương học có 1 Giáo sư, ngành Quan hệ quốc tế có 1 Phó Giáo sư. Khối ngành VII có nhiều Tiến sĩ nhất với 15 người, giảng viên cơ hữu của khối ngành này cũng nhiều nhất với 198 người.
Ngày 30/5/2019, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Đức Hoàng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 xác nhận, mình chỉ là giảng viên thỉnh giảng ở tại Trường Đại học HUFLIT.
Mỗi tuần ông Hoàng chỉ giảng dạy duy nhất vào buổi sáng thứ 7 ở trường, nhưng cũng không thường xuyên.