Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết để ngăn chặn tiêu cực trong việc dạy thêm, tuy nhiên ngoài phạt tiền cần bổ sung thêm các hình thức khác.
Cần có biện pháp xử lý đối với việc vi phạm dạy học trái phép (Ảnh minh họa: Báo Hải Dương). |
Cụ thể như sau:
1. Ở một số trường phổ thông (trung học phổ thông, trung học cơ sở) công lập; ngoài giờ dạy chính khoá, nhà trường còn tổ chức dạy 2 buổi/ ngày các môn học Văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Tiếng Anh theo lớp học chính khoá, với tên gọi dạy tăng tiết hoặc phụ đạo, có thu học phí.
Việc giáo viên dạy thêm không đúng quy định, khi nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, hiệu trưởng không thể không biết là trái với Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi:
“Trách nhiệm của hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục là: tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường…đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm” (Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Còn Thanh tra Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo không khó để phát hiện, nhưng không hiểu tại sao lại để dạy thêm như thế tồn tại đến nay.
Do vậy, thiết nghĩ ngoài quy định xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền: “phạt từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép” (Nghị định 138/2013/NĐ-CP) cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần luân chuyển những hiệu trưởng đó đến địa phương khác dù chưa hết nhiệm kỳ, không bổ nhiệm lại và phân loại họ không đạt chuẩn, do có tiêu chí về năng lực: “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh” không đạt theo Chuẩn hiệu trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có mạnh tay với hiệu trưởng như thế, nhất định sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong dư luận xã hội bấy lâu nay.
Bởi “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định” (Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
2. Có thể khẳng định, giáo viên dạy thêm tại nhà riêng hoặc mượn nhà của người thân để dạy phần nhiều là những học sinh đang học chính khoá với họ, bằng cách dùng điểm số để “bắt ép” hoặc có hành vi phân biệt đối xử với học sinh không học thêm với họ mà học thêm với giáo viên khác; không ít học sinh trong thâm tâm luôn “sợ” thầy cô bộ môn chính ở bậc trung học và “sợ” thầy cô chủ nhiệm ở bậc tiểu học, nếu không đi học thêm với họ.
Phạt nặng Hiệu trưởng, giáo viên dạy thêm trái quy định |
Việc giáo viên có “bắt ép” học sinh học thêm hay không hoặc có dạy thêm ở nhà riêng, không phải hiệu trưởng không biết, mà nhiều lý do như: giáo viên đó là người thân được gửi gắm hoặc giáo viên “giao tiếp” tốt với hiệu trưởng để có nguồn quản lý phí dạy thêm…nên làm ngơ.
Nếu như Thanh tra Sở và Thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo thử đóng vai phụ huynh học sinh để tìm hiểu sẽ dễ dàng phát hiện điều này.
Do vậy, những giáo viên dạy thêm từ việc “bắt ép” hoặc “trù dập” học sinh không những xử phạt bằng tiền: “phạt từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép” (Nghị định 138/2013/NĐ-CP) cần thêm một số hình thức xử lý khác như:
Luân chuyển những giáo viên đó đến trường học khác trong huyện và nếu họ còn tiếp tục nên đưa ra khỏi ngành Giáo dục và Đào tạo; đánh giá, xếp loại cuối năm họ không đạt chuẩn do không đạt tiêu chí về đạo đức nhà giáo theo Chuẩn giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là: “Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo” mà trong quy định về Đạo đức nhà giáo có quy định về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo đó là: “không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định”.
Có mạnh tay như thế, chắc chắn giáo viên sẽ chùn tay” khi “bắt ép” hoặc “trù dập” học sinh không học thêm với họ, bởi Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định:
“Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý…không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm”.