Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng thứ hạng ASEAN?

03/12/2015 07:09
Liên Hương
(GDVN) - Điểm qua bức tranh giáo dục của một số nước quanh ta để thấy vị trí của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu?

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của bà Đào Thị Liên Hương - Trưởng ban đối ngoại, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và Ngôn ngữ thế giới (FELCA).

Trong bài viết này, bà Liên Hương điểm qua bức tranh giáo dục của một số nước để cùng nhìn nhận vị trí giáo dục của Việt Nam đang nằm ở vị trí nào?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Vào cuối tháng 12 năm 2015, các nước ASEAN đã trở thành một cộng đồng chung. Hãy điểm qua bức tranh giáo dục của một số nước quanh ta để thấy vị trí của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu? 

Cần phải làm gì để liên thông, công nhận chương trình giảng dạy, bằng cấp lẫn nhau… để điều chỉnh và hội nhập tốt nhất cho nguồn nhân lực dồi dào của nước ta.

Hãy bắt đầu từ đất nước nhỏ bé Singapore

Singapore là một nước có nền giáo dục tiên tiến, đẳng cấp nhất khu vực với các trường Đại học danh tiếng và các phương tiện giảng dạy đạt chuẩn quốc tế. 

Với bình quân thu nhập 56.256 đô la Mỹ/đầu người – rất cao so với các nước trong khu vực. Các gia đình đầu tư rất lớn cho việc học hành của con cái họ.
Đảng hành động của Nhân dân đã lãnh đạo quốc đảo này kể từ ngày giành được độc lập (50 năm).
 
Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về giáo dục tại quốc đảo này, ngoài ra còn có Cục Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star) chịu trách nhiệm về các nghiên cứu và phát minh, sáng chế khoa học. 

A*star đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển tài năng và lãnh đạo cho các viện nghiên cứu tại Singapore và rộng hơn là cả cộng đồng và các nhà sản xuất. 

Singapore dành 3% GDP cho giáo dục (khoảng 10 tỷ đô la năm  2013). Nhà nước đầu tư rất nhiều cho mỗi trẻ em được có cơ hội phát triển hết mức khả năng của mình. 

Chỉ tiêu cho giáo dục tăng 4 % từ 2007 đến 2012 thì tăng từ 6.9 tỷ - 9.8 tỷ đô la chiếm khoảng 20% tổng chi của Chính phủ.

Cộng đồng ASEAN – Bức tranh giáo dục và hội nhập (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Cộng đồng ASEAN – Bức tranh giáo dục và hội nhập (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Vị trí của các trường Đại học tại Singapore đã được xếp hạng cao. 

Chính phủ Singapore khuyến khích sinh viên học tập trong nước và họ cũng tìm cách thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt trong khu vực tới Singapore học tập.

Học tập tại các trường công, sinh viên chỉ phải trả một số tiền rất nhỏ do đã được nhà nước tài trợ.

Bộ Giáo dục quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục, đây là một hệ thống được tổ chức rất quy củ. Năm học bắt đầu từ tháng 1 đến giữa tháng 11. 

Tiếng Anh là ngôn ngữ được giảng dạy chính thức trong trường học. Ngoài ra học sinh, sinh viên được yêu cầu học thêm bản ngữ của mình. Có thể là tiếng Hoa, Tamil hoặc Malay. 

Trình độ giảng dạy rất cao. Hai trường: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nayang được tổ chức QS xếp hạng trong top 100 trường Đại học hàng đầu thế giới (2014).

Trẻ em đi học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 6, rồi chúng học tiếp lên cấp II (4-5 năm), rồi học thêm 2 năm tại 21 trường Trung học phổ thông để lấy bằng GCE hoặc A level (là bằng được công nhận bởi Bộ GD&ĐT Singapore và kỳ thi quốc tế Cambridge). 

Sau đó, học sinh sẽ quyết định sẽ đi học tiếp tại các trường Đại học, Cao đẳng Công nghệ (polytechnics) hay đi làm…

Các trường quốc tế chuẩn bị cho học sinh lấy bằng International Baccalaureate hoặc bằng quốc gia của trường quốc tế đó.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục Singapore, tổng số học sinh phổ thông nhập học là 32.165  học sinh (2013), tại các trường Cao đẳng Công nghệ là 26.879 học sinh (2014) trong tổng số 79.970 học sinh đang học tại hệ thống các trường này.

Tổng số sinh viên vào các trường Đại học Công nghệ là 17.261 trong tổng số 59.748 sinh viên đang học Đại học (2013).

Singapore có khoảng 7000 sinh viên đang học tại Anh – trong đó có 1390 học luật, 465 học Y, nha khoa; có 6300 sinh viên học tại Úc – trong đó có 300 học luật, 108 học nha khoa và 66 học y khoa; có 4500 sinh viên học tại Mỹ, khoảng 1000 sinh viên học tại Canada.

Nền Giáo dục Malaysia


Bộ Giáo dục (MoE) của Chính phủ Liên Bang trông coi toàn bộ hệ thống giáo dục hoàn toàn miễn phí tại các trường phổ thông và cơ sở. 

Các trường Đại học do Bộ Giáo dục  Đại học (MOHE) quản lý
MOHE được tách ra từ năm 2015 – là cơ quan quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục sau Phổ thông: Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng Cộng đồng, cũng như các Vụ/Cục quản lý phát triển và Cục quản lý bằng cấp (MQA) – Cục này đứng ra chịu trách nhiệm kiểm tra đánh giá chất lượng các khóa giảng dạy tại các trường công và trường tư.

Sinh viên tại các trường trường công chỉ phải đóng học phí rất thấp (chủ yếu do nước tài trợ), còn học tại các trường tư thì học phí không được giảm.

Nghị định về giáo dục (2015 – 2025) vừa ra đời năm 2015 đã định hướng việc chuyển dổi mạnh mẽ việc quản lý các trường Đại học từ công sang tự chủ. 

Vẫn còn một khoảng cách lớn cần làm để chuyển giao quyền tự chủ về cho các  trường. Chính phủ đang khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào việc tài trợ cho giáo dục Đại học.

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng thứ hạng ASEAN? ảnh 2

Hỏi đáp 3 Hiệp hội về cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam mới

(GDVN) - Sơ đồ cấu trúc do ba cơ quan (Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người) đề xuất.

 
Hiện Malaysia đã dành 7.7% ngân quỹ cho giáo dục Đại học và Đào tạo, cao hơn rất nhiều tỷ lệ của các nước trong khu vực. Trong năm 2013 đã có 52,8 tỷ Malaysia Ringgit dành cho giáo dục Đại học.
 
Quốc tế hóa giáo dục Đại học là ưu tiên lớn của MOHE. Malaysia đã cố gắng để nâng hạng các trường Đại học tại Malaysia, tuyển 20,000 sinh viên quốc tế vào năm 2020, đưa thêm nhiều người Malaysia đứng đầu các trường quốc tế ở nước ngoài, hợp tác với các trường danh tiếng trong việc nghiên cứu và xây dựng giáo trình giảng dạy. 

MOHE đề ra mục tiêu xây dựng 20 trung tâm nghiên cứu đẳng cấp vào năm 2020, tạo sức cạnh tranh cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.

Hệ thống giáo dục Malaysia chia ra các cấp: trước cơ sở, cơ sở, phổ thông, sau phổ thông và Đại học. 

Trẻ em Malaysia học 11 năm phổ thông hoàn toàn miễn phí. 

Các trường chia ra theo ngôn ngữ giảng dạy – tiếng Bahasa Malaysia, tiếng Hoa hoặc tiếng Tamil.

Giáo dục phổ thông bao gồm 3 năm phổ thông cơ sở và 2 năm phổ thông trung học. Tiếng Malay được coi như tiếng Phổ thông, còn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Sau khi học 1-2 năm dự bị (giống như 6th form) hoặc GCE hay Alevel, học sinh sẽ tiếp tục học lên cấp Cao đẳng hoặc Đại học. 

Cấp Đại học thường kéo dài 3 năm (kể cả trường công hay tư). Các trường tư thường dạy bằng tiếng Anh, tại các trường công dạy bằng tiếng Malay. Các khóa sau Đại học chủ yếu dạy bằng tiếng Anh.

Các trường tư đóng một vai trò to lớn trong hệ thống giáo dục Malaysia. Các trường công chiếm tới 95% các trường phổ thông các cấp,  60% các trường Cao đẳng và Đại học, số còn lại là các trường tư.

Các trường ở Malaysia thường chia làm hai học kỳ, giống như các trường ở Nam bán cầu: học kỳ 1 bắt đầu vào tháng Giêng và kết thúc vào cuối tháng 5, học kỳ 2 bắt đầu vào giữa tháng 6 và kết thúc vào giữa tháng 11.

Các ngành được sinh viên Malaysia ưa thích là Khoa học xã hội, Kinh doanh, Luật, Kỹ sư, Sản xuất chế tạo và xây dựng.

Dân số của Malaysia là 30 triệu (2014), dự báo sẽ tăng 1.2% lên 32.4 triệu người vào năm 2020, 70% dân số ở độ tuổi (15-64), nhưng số người già trong thập kỷ tới sẽ tăng gấp 3 lần.

Đạo Hồi là quốc đạo.

Vào năm 2013 có 6.47 triệu học sinh và sinh viên học Đại học tại Malaysia. 
78% học ở các cấp phổ thông, 18% (1.16 triệu) học ở các trường Đại học công và 7% học tại các trường Đại học, tư( 484.963) và khoảng 1.5% học tại các trường Cao đẳng công nghệ (89.503). Trong vòng 10 năm qua, số lượng học sinh vào Đại học tăng lên 70%.

Từ năm 2002 – 2013, có khoảng 739.000 sinh viên Malaysia đi du học, năm 2013 có khoảng 79.000 sinh viên. Con số này cho thấy số lượng đã có giảm đi so với năm 2012 -81.000 sinh viên. Úc và Anh là hai thị trường thu hút số du học sinh từ Malaysia nhiều nhất.

30% số du học sinh này nhận được học bổng từ Chính phủ qua chương trình MARA cho người thiểu số Malay.

Tại các trường Đại học của Malaysia rất nhiều các khóa liên kết đào tạo với các trường quốc tế - chủ yếu của Mỹ, Canada, Úc, Anh… theo mô hình (1+2, 2+1, 2+2..), bằng kép, mua bản quyền (3+0).. 

Malaysia đã đi đầu trong khu vực trong việc đưa các trường quốc tế và các khóa đào tạo lấy bằng quốc tế (TNE-  transnational Education Programs) vào nước mình. Nhờ vậy đã giảm được số lượng học sinh đi du học rất nhiều. 
Chúng ta cần học theo cách làm này.

Giáo dục Philippines

Xếp thứ 12 trên thế giới về dân số với khoảng 100 triệu người, Philippines vốn nổi tiếng là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong một số lĩnh vực như: y tá, người giúp việc, quản gia …

Hiện Philippnes đang có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc với GDP tăng 7.2% ( 2014) tăng nhanh hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác, thu nhập bình quân 2.765 đô la Mỹ/ đầu người. Chính phủ dành 20.3% tổng chi cho giáo dục. 

Với sự gia tăng của tầng lớp giàu – 4% - 4 triệu người, tầng lớp trung lưu (18 triệu) trong đó bậc cao khoảng 6-8 triệu người, trung lưu bậc dưới khoảng 10 -12 triệu; với số người sống và làm việc ở nước ngoài khoảng 8 triệu người, gửi về cho đất nước 2.1 tỷ đô vào năm 2014 – chiếm 9% GDP  và dân số trẻ đang là thế mạnh của nước này.

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng thứ hạng ASEAN? ảnh 3

Quốc tế hóa giáo dục, đừng coi IELTS và TOEFL là chuẩn duy nhất

(GDVN) - Đó là ý kiến của bà Đào Thị Liên Hương trong buổi hội thảo giáo dục Việt Nam – Ireland.

Vụ Giáo dục (DepEd) quản lý giáo dục cơ bản, trong khi đó quản lý mảng giáo dục sau phổ thông lại do (Commission of Higher Education – CHED) – ủy Ban Giáo dục Đại học quản lý, còn Tổng Cục Giáo dục kỹ thuật và tay nghề (TESDA) thì chịu trách nhiệm mảng dạy nghề.

CHED chịu trách nhiệm toàn bộ về các liên kết đào tạo giữa các trường Đại học và Cao đẳng trong nước và ngoài nước. cơ quan này chịu trách nhiệm về việc cấp phép các khóa cấp bằng Đại học. 

TESDA kiểm định các khóa và chương trình chứ không phải các trường. Hệ thông giáo dục của nước này theo kiểu bậc thang, rất nhiều khóa đào tạo nghề và Cao đẳng liên thông lên Đại học.

Philipines đang nổi lên là một trung tâm đào tạo của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là việc giảng dạy goại ngữ, với 47.000 người học nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản) đang học tiếng Anh tại Philippines. 

Hầu hết đều dưới 18 tuổi hoặc học sinh tốt nghiệp phổ thông. Điều này đã dẫ đến sự bùng nổ nhiều trung tâm Anh ngữ và trường quốc tế dành cho học sinh, sinh viên quốc tế. Đa số họ đều tìm kiếm cơ hội học tập tiếp theo tại nước ngoài sau khóa học tiếng tại Philippines.

Theo con số tới năm 2013, con số sinh viên Philippines học tập ở nước ngoài như sau: 3,077 sinh viên học tập tại Mỹ, 2,786 sinh viên học tại Úc, 829 sinh viên học tại Anh.

Hầu hết các du học sinh nước này đều tự túc do gia đình gửi đi. CHED có cấp học bổng học Tiến sỹ ở nước ngoài.

Tính đến giữa năm 2014, tốc độ đường truyền của Internet tại Philippines là 3.6Mbps. Khoảng 3.3 triệu người Philippines sử dụng Internet và 93% sử dụng các mạng xã hội như Facebook.

Giáo dục Indonesia

Với số dân 249,866,000 người (2014) –Indonesia là đất nước đông dân nhất của cộng đồng ASEAN và là nước có số dân đứng thứ tư trên thế giới. 

Tăng trưởng GDP khoảng 5%/năm (2014), bình quân thu nhập đầu người là 3,404 đô la Mỹ, với chi phí dành cho giáo dục chiếm 1.2% GDP khoảng 10.9 tỷ đô la.

Ngôn ngữ chính: Bahasa Indonesia

Tôn giáo: đạo Hồi chiếm đa số: 87.2%, Thiên Chúa: 7%, Catholics: 2.9%, Hindu: 1.7%, còn lại 0.9%.

Hệ thống giáo dục của Indonesia theo hệ 12 năm (6+3+3), tiếp theo là 4 năm Đại học, 2 năm Thạc sỹ - dành cho người vào thẳng Đại học.

Đối với những sinh viên đi theo đường Cao đẳng hoặc dạy nghề, thì thời gian học đa dạng hơn, phụ thuộc vào khóa học họ theo, có thể từ 1 đến 4 năm. 
Ví dụ: Học sinh sẽ lấy bằng D1 khi học hết một năm học nghề, D4 nếu học hết 4 năm nghề.

Ngôn ngữ giảng dạy bắt buộc là tiếng Bahasa Indonesia, trừ các trường quốc tế học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Năm học bắt đầu từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 6, theo học kỳ, mỗi học kỳ có 21 tuần học.

Giáo dục cơ bản có 9 năm bắt buộc. Hệ cơ sở 6 năm ( từ 6 – 12 tuổi) trung học cơ sở (12-15 tuổi) và trung học phổ thông (15 – 18 tuổi), mỗi cấp 3 năm. 

Bắt đầu từ năm thứ hai của hệ trung học phổ thông, sẽ học theo phân ban: Khoa học tự nhiên, Khoa học giáo dục, Ngôn ngữ hay tín ngưỡng. Các trường trung cấp nghề phổ thông: 3 năm dành cho độ tuổi từ 16-18.

Học hết 12 năm sẽ được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông.

Để đáp ứng nhu cầu công nhân tay nghề bậc cao, Chính phủ Indonesia đang cố tăng thêm số sinh viên đi theo hướng học nghề.

Mảng giáo dục Đại học tại Indonesia bao gồm các trường Đại học dạy 3-4 năm cấp bằng Đại học, 5-7 năm lấy bằng sau Đại học. 

Các học viện bao gồm cả các trường Đại học nghiên cứu, học viện… Một số trường của Indonesia cũng dạy các khóa liên kết cấp bằng quốc tế. hầu hết sinh viên quốc tế học tại Indonesia đến từ Malaysia và Timor – Leste.

Có cả trường công và trường tư. Các trường Đại học công thường có danh tiếng hơn, rẻ hơn và phải thi đấu cạnh tranh mới vào được.

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng thứ hạng ASEAN? ảnh 4

Tự chủ đại học ở Việt Nam và việc phân tầng, xếp hạng

(GDVN) - Tự chủ đại học không có nghĩa là tất cả các trường đại học đều có sự tự chủ hoàn toàn như nhau. Tự chủ cần được giới hạn trong khuôn khổ phù hợp với vị trí.


Từ năm 2010 -2013, số học sinh tốt nghiệp phổ thông tại Indonesia tăng 13% từ 3 triệu lên tới 3.4 triệu. 

Theo con số của UNESCO, có khoảng 39.089 sinh viên Indonesia học ở nước ngoài. 

Con số nhập học vào trường Đại học trong nước tăng từ 852,793 ( 2012) lên 1,060,906 (2013). 

Theo con số của Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, vào năm 2012, có 478 trường Đại học, 57 học viện (giống như các Cao đẳng kỹ thuật), 1,366 Cao đẳng nghề, 1,094 viện và 175 polytechnics. Hầu hết các học viện là trường tư.. 

Chính phủ Indonesia có một quỹ Học bổng dành cho các sinh viên học cao học. Năm 2014, họ gửi khoảng 3000 sinh viên cao học đi du học.

Hiện số sinh viên Indonesia tại nước ngoài (2013) như sau:

Úc: 9.453 sinh viên, Mỹ: 7,340, Malaysia (6,222 ), Ai Cập: 2,682, Nhật Bản: 2,213, Canada: 591….

Chính Phủ mới lập đã xóa bỏ Bộ Giáo dục Quốc gia để tạo ra hai Bộ mới: Bộ Văn hóa và giáo dục cơ sở và phổ thông cơ sở, và Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Đại học, Chính phủ hiện tại dành cho giáo dục khoảng IDR 400 tỷ (khoảng 30 tỷ đô la hay 20% tổng chi ngân sách).

Giáo dục Việt Nam

Việt Nam là nước lớn thứ 3 trong khối ASEAN, dân số trên 90 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới. 

Với tỷ lệ người trong độ tuổi dưới 25 chiếm 45%, khiến nhu cầu đào tạo tại Việt Nam vô cùng to lớn. Với tỷ lệ tăng dân số 1% hàng năm thì tới năm 2024, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người. 

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Boston Consulting (BCG), Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng của nhóm trung lưu cao nhất khu vực.

 Trong thời kỳ từ 2014 – 2020, tăng từ 12 triệu lên 33 triệu. Với thu nhập bình quân năm 2014 là 2,028, dự báo tới năm 2020 sẽ là 3,400 đô la. 

Giáo dục gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế. 

Tại Việt Nam có hai Bộ được giao quản lý giáo dục ở cấp quốc gia: 

Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) chịu trách nhiệm từ cấp mầm non, cơ sở, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục Đại học, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm được áp dụng trong khắp cả nước và được sự giám sát chặt chẽ của các Sở GD&ĐT ở cấp tỉnh/ thành phố. 

Bộ Lao động, Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm quản lý mảng dạy nghề (TVET) với mục đích tạo ra nguồn nhân lực. 

Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) là Bộ quản lý các chương trình nghiên cứu, tại các học viện. 

Bên cạnh đó Viện Khoa học Việt nam (VAST) và Viện khoa học Xã hội (VASS) và các Bộ khác cũng có quỹ và ngân sách nghiên cứu riêng.

Với GDP năm 2014 của Việt Nam là 186.2 tỷ đô la, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam là 2,028 đô la, tỷ lệ tăng trưởng GDP là 6.0, Việt Nam chi khoảng 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng vì nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé và số lượng người trẻ lại nhiều nên ngân quỹ này thường thiếu hụt và ít ỏi để đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Hệ thống giáo dục Việt nam như sau:

*Cấp mầm non: 3-5 tuổi

*Cấp tiểu học: từ 6 tuổi – lớp 1-5

*Cấp Phổ thông chia làm 3 mức: cấp trung học cơ sở (lớp 6 – 9), cấp trung học phổ thông (lớp 10-12) tập trung vào học kiến thức phổ thông cơ bản.

Lựa chọn khác: phổ thông trung học nghề - lớp 10-12 hoặc 13 – tập trung vào học nghề

• Cấp Cao đẳng và Đại học: Cao đẳng và Cao đẳng nghề: 2-3 năm, Đại học – 4 năm. Sau Đại học: Thạc sỹ: 2 năm và tiến sỹ 4 năm.

• Kể từ năm 2015, học sinh chỉ phải tham dự một kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Dựa vào kết quả này để các trường tuyển sinh vào Cao đẳng và Đại học. 

Ngôn ngữ giảng dạy tại Việt Nam là tiếng Việt. Ngoại ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh.

Có 491 trường Cao đẳng và Đại học, trong đó có 55 học viện, 219 trường Đại học, 217 trường Cao đẳng, các trường tư chiếm 20% (60 trường Cao đẳng và Đại học).

Số sinh viên hiện nay là 2,363,942, trong đó chỉ có 313.620 học tại các trường tư.

Giảng viên là 91.183 người, trong đó có 10,999 giảng viên có bằng tiến sỹ.
Hiện tại Việt Nam có 4 trường Đại học chất lượng quốc tế: Trường Đại học Việt - Đức, Đại học Việt - Pháp (nằm trong trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà nội), Đại học Việt - Nhật, Đại học Việt - Anh (từ học viện Việt - Anh)

Và có 4 trường quốc tế 100% vốn nước ngoài: trường RMIT (Úc), British University Vietnam, Tokyo Medical University Project, Fulbright University Project.

Có 432 chương trình liên quốc gia, 35 chương trình liên kết đào tạo với 23 trường Đại học, 17 các khóa kỹ sư tại 4 trường Đại học tại Việt Nam.
Việt Nam đã ký công nhận bằng cấp với 10 nước.

Chính phủ Việt Nam đang có những kỳ vọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh tại Việt Nam thông qua đề án 2020.

Theo con số của MOET – có khoảng 125.000 học sinh Việt Nam đang đi du học ( 2013), tăng 15% so với con số năm 2012. Trong đó 90% là du học tự túc.

Với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường Đại học tại Việt Nam, Chính phủ đã chi ngân sách cho hai chương trình 911 cho tới năm 2020 gửi đi 10,000 người đi học Tiến sỹ và chương trình 599 đào tạo 1.800 thạc sỹ và cử nhân. Ngoài ra còn rất nhiều học bổng từ nguồn kinh phí của các tỉnh/thành phố.

Học sinh Việt đi du học chủ yếu tại các thị trường sau (theo số liệu 2013):
Úc: 26.015 sinh viên, Mỹ: 19.591 sinh viên, Nhật Bản: 13.328 sinh viên, Trung Quốc: 13.000 sinh viên, Singapore: 10.000 sinh viên, Canada: 4.843 sinh viên. 

Học sinh Việt Nam đi du học ở tất cả các cấp từ học ngoại ngữ, phổ thông tới Đại học, sau Đại học…

Với bối cảnh của giáo dục của một số nước trong khu vực ASEAN như vậy và nhìn lại bức tranh của nền giáo dục Việt Nam, chúng ta thấy Chính phủ Việt Nam đã đưa Giáo dục vào vị trí ưu tiên hàng đầu với hàng loạt các cơ sở pháp lý như Nghị định 14 do Chính phủ ban hành về cải cách Giáo dục Đại học ra đời năm 2005 cho giai đoạn 2006 -2020; Luật giáo dục đã được Quốc hội thông qua năm 2012; Nghị định 73 về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam về giáo dục và hợp tác về đào tạo với nước ngoài đã ra đời năm 2012. 

Nghị quyết về cải cách triển để và toàn diện về giáo dục đã được Trung ương Đảng thông qua năm 2013; Chương Đại học đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào năm 2014. Nghị định về tự chủ tài chính cho đại học đã được Chính phủ thông qua năm 2014…

Nhưng trong quá trình thực hiện còn một số điểm bất hợp lý như Nghị định 73 về hợp tác giáo dục với nước ngoài, khuyên khích nước ngoài và khối tư nhân đầu tư vào Giáo dục. 

Trong thời khắc hội nhập lịch sử này, các trường cần phải được giao quyền tự chủ hoàn toàn về cả ba lĩnh vực: học thuật, tài chính và nhân sự

Các trường phải là người tự quyết về giáo trình giảng dạy, chương trình giảng dạy, về đầu vào - tuyển sinh, về đầu ra… có vậy mới tự quyết được chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu, danh tiếng cho mình. 

Hiện Chính phủ đã đồng ý cho phép một số trường thí điểm được quyền tự chủ về tài chính, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi cho toàn bộ các trường. 

Tuy nhiên cũng phải xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ các con em gia đình nghèo có cơ chế vay vốn hoặc học bổng để học tập ở các trường Cao đẳng và Đại học.

Đối với nhân sự quản lý cũng như giảng dạy trong các trường học nên tạo cơ chế thoáng hơn và kéo dài thời gian giảng dạy. Bởi đối với các ngành xã hội nhân văn – những kinh nghiệm của thầy có được là vô giá. 

Hơn nữa đào tạo ra được một người thầy làm việc tốt cũng mất khoảng từ 10-20 năm đào tạo, nếu ta chỉ sử dụng họ đến 55-65 tuổi thì quá phí. 

Một khi, họ vẫn còn khả năng lao động và có lòng nhiệt tình yêu nghề thì vẫn có thể mời họ tiếp tục làm.

Về hợp tác liên kết đào tạo, tạo cơ chế thông thoáng hơn: Đề ra những quy định chuẩn để các trường dựa vào đó lựa chọn các đối tác liên kết cho phù hợp và báo cáo cho Bộ chủ quản nắm. 

Việt Nam đã bước vào cuộc chơi chung với cộng đồng ASEAN, không ai còn đợi chúng ta nữa. 

Nếu chúng ta không tự cởi trói cho mình, không hội nhập thì chúng ta sẽ thua trận ngay trên sân nhà trong cuộc chạy đua khốc liệt của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các thông tin trong bài viết là nghiên cứu, tổng hợp của cá nhân tác giả, có thể không đồng nhất với nhiều thông số có được từ các kết quả nghiên cứu, góc độ tiếp cận khác.

Liên Hương