Khác với giáo viên ở những vùng thuận lợi luôn được sống bên gia đình thì những giáo viên cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc một năm chỉ được về thăm gia đình khoảng 2 lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp hè.
Những giáo viên cắm bản ngày ngày luôn chăm lo cho học sinh nhưng con cái của mình lại phải nhờ người thân chăm giúp. Các thầy cô luôn mong có được cái Tết về sum họp gia đình (Ảnh minh họa Báo Giáo dục và Thời đại) |
Không ít thầy cô cắm bản đã từng bật khóc khi nói rằng: “Con mình thì nhờ người thân chăm sóc nhưng bản thân mình lại đi chăm sóc con người”.
Bởi thế đối với họ, những lần hiếm hoi được về thăm nhà để gần các con, gần chồng (vợ), gần cha mẹ là vô cùng sung sướng và ý nghĩa.
Hai lần về nhà đã là quá ít ỏi so với 365 ngày đằng đẵng quạnh hiu trong thương nhớ, mong ngóng người thân từng ngày.
Thế nhưng sự ít ỏi, hiếm hoi ấy cũng không phải thầy cô giáo nào cũng có được.
Nhiều giáo viên cắm bản tại tỉnh Kon Tum đang ngày đêm khao khát đến cháy lòng được về thăm nhà vào dịp Tết mà vẫn không có được
|
Đã từ bao đời, Tết Nguyên đán của chúng ta mang ý nghĩa là cái Tết đoàn viên, Tết sum họp.
Dù ngay cả những người đang ở bên kia đại dương xa xôi nghìn dặm nhưng mỗi độ Tết đến xuân về vẫn tìm mọi cách để trở về cố hương thăm người thân, bạn bè.
Thế mà, nhiều thầy cô giáo quanh năm cống hiến tâm sức cho giáo dục vùng cao nhưng khi Tết đến lại phải chịu cảnh cô quạnh, đơn côi trong nỗi nhớ người thân đến khắc khoải.
Không chỉ người đi xa (thầy cô giáo) nhớ người thân quê nhà mà cha mẹ, con cái, chồng (vợ) của họ ở quê cũng mong ngóng đến xót lòng được gặp mặt.
Những tưởng chuyện đơn giản chỉ cần ra đường bắt xe về là thỏa lòng mong nhớ.
Nhưng lịch nghỉ Tết năm nào cũng quá cận ngày (chỉ có 7 ngày) lại còn vướng lịch trực Tết thì làm sao các thầy cô có thể đi nổi?
Ngày 29 Tết mới được nghỉ, mất cả buổi (điểm trường xa mất trọn cả ngày) xuống núi, xe nào còn chỗ vào ngày 29, 30 Tết? Vừa đi vừa về mất vài ngày, chưa kịp nghỉ xả hơi, vui vầy bên con cái, chồng (vợ), cha mẹ lại phải khăn gói ra đi?
Trẻ khóc níu mẹ, vợ (chồng) xót xa, cha mẹ thương con nên cảnh chia ly sao đành? Phải ở trong những tình cảnh ấy mới có thể thấu hiểu hết và mới thấy thương các thầy cô giáo đến quặn lòng.
Nhưng năm nào cũng thế, khi lịch nghỉ Tết được công bố thì tiếng ca thán, những lời xì xào lại được dịp xôn xao.
Rồi những ước mong, khao khát, những nguyện vọng sẽ được đề đạt sau đó cũng chỉ như gió thoảng mây bay chẳng thể đến tai (hoặc đến rồi đi) các cấp lãnh đạo.
Và năm nào cũng thế, nhìn lịch nghỉ Tết, trực Tết nơi đây, nhiều giáo viên cho biết mình đã bật khóc như những đứa trẻ con bị cha mẹ phạt đòn oan.
Có thể sắp xếp riêng lịch nghỉ Tết cho ngành giáo dục được không?
|
Nếu theo đúng quy định, việc cán bộ giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục chỉ được nghỉ 7 ngày như nhiều ngành nghề khác tại tỉnh Kon Tum chẳng có gì sai.
Thế nhưng, việc quy định nghỉ cứng nhắc này thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông với nhiều thầy cô giáo xa nhà cắm bản.
Bởi nếu sắp xếp linh hoạt hơn, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum sẽ có tới 14 ngày nghỉ Tết như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Tỉnh Kon Tum quy định, ở bậc mầm non, tiểu học tựu trường ngày 26/8, bậc trung học cơ sở tựu trường ngày 19/8 (vì thời gian thực học hơn 2 tuần).
Nếu chính quyền nơi đây cho các bậc học tựu trường sớm hơn 1 tuần và dành tuần gần Tết cho việc nghỉ Tết để những thầy cô giáo xa nhà có thêm một tuần bên gia đình của mình lại hay biết chừng nào.
Sắp xếp được như thế không chỉ giúp những thầy cô giáo xa nhà có thêm những ngày Tết ấm cúng bên gia đình mà chính học sinh vẫn đảm bảo thời gian học như quy định.
Khi thầy cô có tư tưởng thoải mái, có tinh thần ổn định sẽ là động lực giúp cho việc dạy và giáo dục học sinh hiệu quả hơn nhiều.
Không những thế, những người thân yêu nơi quê nhà của họ cũng có được những ngày tháng sum vầy, trọn vẹn, đúng nghĩa của một cái Tết sum họp, đoàn viên.
Nỗi lòng của nhiều nhà giáo hy vọng sẽ nhận được sự đồng cảm của những người có thẩm quyền quyết định nơi đây để những ngày Tết thật sự mang trọn niềm vui đến với gia đình của họ.