Luật viết các trường đại học bình đẳng, Dự thảo Nghị định vẫn phân đẳng cấp ​

12/11/2019 08:43
Tùng Dương
(GDVN) - Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, vậy các trường khác đào tạo là phạm Luật hay sao?

Tiếp theo bài trước: Dự thảo Nghị định đang khuyến khích “lò ấp” Tiến sĩ.

Tại cuộc Tọa đàm “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 28/10/2019, Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ:

"Khoản 1 điều 7 về cơ sở Giáo dục đại học. Đại học Quốc gia có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, vậy ở đây phải rõ ràng thế nào là chiến lược quốc gia?

Ở khoản 3 điều 7 cũng cần phải làm rõ: Các loại hình cơ sở giáo dục đại học được bình đẳng trước pháp luật, nhưng ở đoạn dưới điều 12 khoản 2 lại nói rằng: Phân bổ ngân sách và nguồn lực giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng hiệu quả.

Vậy có thể ngầm hiểu tôi đầu tư cho anh theo KPI chỉ số đầu ra, mà anh cam kết với xã hội cũng như nhà nước giao cho anh. Hiện nay thực tế chúng ta thích ai thì sẽ cho nhiều, không thích sẽ cho ít.

Vậy làm sao để đảm bảo cơ chế là việc phân bổ ngân sách và nguồn lực cho Giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng hiệu quả ở khoản 2 điều 12, phải được hướng dẫn."

Video: Luật đưa Hội đồng trường lên cao, Dự thảo Nghị định kéo xuống đất. 

"Ở khoảng 1 điều 8, có một câu như sau: Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, vậy tôi hỏi là các trường khác đào tạo là phạm Luật hay sao? Đề nghị phải làm rõ.

Vậy cứ Đại học Quốc gia là được ưu tiên phát triển, còn các trường khác thì sao?

Nghị định 16/2015/NĐ-CP, thì mức độ tự chủ các trường đại học là tùy thuộc vào mức độ tự chủ tài chính, việc này cả nước đều biết.

Thế Đại học Quốc gia mỗi năm vẫn nhận 1.400 tỷ đồng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm nhận 1.000 tỷ đồng của nhà nước, tức là tự chủ ở mức thấp nhất nhưng lại được quyền tự chủ cao nhất, điều này rất mâu thuẫn với Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

Trong khi các trường đại học khác tự túc hết, nên việc này phải tương thích với mức độ đầu tư của nhà nước, và đặc biệt là mâu thuẫn với Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định mức độ tự chủ tùy thuộc vào mức độ tự chủ tài chính, nhưng Đại học Quốc gia lại được đặc quyền.

Dự thảo Nghị định tự chủ cởi mở trên chữ nghĩa, trói buộc trong thực tế

Chuẩn bị nhân sự Hội đồng trường giao hết cho Hiệu trưởng sẽ tạo “cánh hẩu”

Việc đó lại mâu thuẫn ngay với khoản 2 là các trường đại học phải được bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay đang không bình đẳng, vậy thì Nghị định phải thể hiện được cái bình đẳng ấy và làm thế nào để có bình đẳng? Chúng tôi cần một sự rõ ràng.

Khoản 5 điều 12, có câu: Có chính sách đồng bộ để đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở đại học. Vậy có chính sách đồng bộ là có những cái gì?

Luật còn đang mâu thuẫn nhau thì làm sao đồng bộ được? Nếu vậy phải quy định như thế này: Các Luật khác mà không phù hợp với Luật 34 thì phải theo Luật 34, vì đây là Luật ra sau.

Mục Hội đồng trường của trường công lập cũng vậy, mục này giao cho Hội đồng trường 8 quyền và đều là những quyền lớn, nhưng thực chất là cơ chế lại trói buộc nó, không đi liền với quyền đó.

Quyền của các trường đại học thể hiện qua 2 quyền, thứ nhất là quyền quyết định về tổ chức và nhân sự, và 2 là quyền quyết định về tài chính. Nếu như cả 2 quyền đó mà không có thì đó là không thực quyền.

Pháp luật thì đưa Hội đồng trường lên mây, nhưng Nghị định hướng dẫn lại trói buộc nó xuống đáy.

Vậy đề nghị trong khoản 2 của điều 12 phải chỉ rõ là Hội đồng trường thực hiện các quyền của họ như thế nào, như hiện nay là làm đâu cũng vướng.

Trong này có 2 mức quyết định đầu tư ở khoản 6 điều 12, Hội đồng trường quyết định đầu tư, và dưới nữa lại có viết là Hiệu trưởng quyết định đầu tư. Việc này phải hướng dẫn là Hội đồng trường quyết định đầu tư những cái gì, Hiệu trưởng quyết định đầu tư những cái gì, thì phải nói rõ ra.

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Tùng Dương