LTS: Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, bởi, người làm nghề giáo không chỉ giáo dục một con người mà còn trang bị cho họ những kiến thức vững vàng, một nền tảng tốt về nhân cách và kĩ năng sống phù hợp.
Qua những minh chứng cụ thể về những tấm gương sáng của thầy cô giáo ở các vùng miền trên cả nước, tác giả Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hàng ngày trên các trang báo, diễn đàn, mạng xã hội, người ta thường chia sẻ rất nhiều câu chuyện về nhà trường, về thầy cô nhưng những câu chuyện vui thì ít mà chuyện buồn lại có rất nhiều.
Khổ nỗi, chuyện buồn kể ra lại được nhiều người thích, chia sẻ. Đôi khi, chỉ có một câu chuyện nhưng độ lan truyền thông tin luôn ở mức chóng mặt. Thế rồi hình ảnh những nhà giáo càng trở nên tồi tệ dưới con mắt của bao người. Dần dần ít người còn đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp trong nhà trường cũng như đối với giáo viên.
Trong thời gian qua, sau nhiều ngày tìm hiểu để viết bài về một số em học sinh nghèo học giỏi, chính tôi đã được nghe nhiều câu chuyện đẹp về những đồng nghiệp của mình ở nhiều miền đất nước.
Hình ảnh minh họa cho tình cảm thân thương, gắn bó giữa thầy và trò (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Cũng là giáo viên nhưng tôi thấy vô cùng trân trọng và cảm phục những đồng nghiệp ấy. Dù cuộc sống còn nghèo khổ nhưng những người giáo viên đó vẫn không màng đến vật chất, luôn nêu cao tình thương, lòng nhân ái đối với học sinh của mình, đặc biệt là những học sinh nghèo khốn khó.
Những giáo viên Trường trung học phổ thông Quảng Xương 1
Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 là một trong những trường dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đạt 27 điểm trở lên đối với các môn xét tuyển đại học, trong đó có một thủ khoa 30 điểm.
Liên hệ với em Hải Đăng học sinh đạt 30 điểm và em Quang đạt 29.15 điểm được biết, học sinh của trường đạt được thành tích trên công rất lớn thuộc về Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô đã tận tình dạy dỗ, chỉ bảo.
Chỉ đến khi khôn lớn, đám học trò nhỏ mới hiểu được vì sao? |
Điều đặc biệt, học sinh nơi tại đây không học thêm ở ngoài,cũng không phải đến các lò luyện thi mà chỉ học các thầy cô trong trường. Cô Lương Thị Thanh giáo viên chủ nhiệm lớp 12T1 cho biết:
“Dạy bồi dưỡng cho học sinh nhất là học sinh lớp chọn, giáo viên phải có sự đầu tư nhiều về chuyên môn vì các em hay hỏi nhiều vấn đề hóc búa”. Dù thế, nhưng thù lao thầy cô nhận được chỉ mang tính tinh thần là nhiều.
Thầy Lê Văn Dỵ Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dân vùng này phần lớn làm nông nên cuộc sống còn vất vả, khó khăn. Học phí ôn tập nhà trường chỉ thu 8 ngàn đồng/buổi/học sinh. Bởi thế, giáo viên chỉ dạy bằng tâm huyết, bằng tình thương học trò chứ lợi nhuận không ăn thua gì”.
Đó là chưa nói đến những học sinh nghèo, gia cảnh khó khăn thì thầy cô miễn toàn bộ tiền đóng góp. Em Quang học sinh lớp 12T1 cho biết: “Trong suốt ba năm học, em đều được thầy cô dạy bồi dưỡng miễn phí. Những lúc gia đình gặp khó khăn cũng được thầy cô hỏi han, động viên và giúp đỡ kịp thời”. Có lẽ nhờ vậy, Quang đã đạt thành tích rất tốt trong kì thi vừa rồi với điểm số cao nhất trường khối A là 29.15 điểm.
Những thầy cô giáo ở thị xã La Gi
Em Tuyết Ngân (mồ côi ba mẹ) học sinh lớp 12A1 Trường trung học Lý Thường Kiệt thị xã La Gi chia sẻ: “Suốt 3 năm học tại trường, nhà trường đều miễn cho con toàn bộ các khoản tiền đóng góp, tiền học phí và luôn dành cho con những suất học bổng. Nhiều thầy cô giáo như cô Xuân Anh, cô Loan, cô Tài, cô Phước…đều không lấy tiền học thêm trong nhiều năm. Các thầy cô này trực tiếp gọi con đi học”.
Ngày nhà giáo, mang khoai, sắn tặng thầy cô |
Không chỉ vậy, cô Kim Anh (giáo viên dạy toán) đã nhận nuôi một học sinh mồ côi cha mẹ từ những năm học phổ thông cho đến lúc vào đại học. Thầy Mẫn đã vận động nhiều giáo viên trong trường cùng quyên góp tiền của để đóng học phí, mua sách vở, quần áo suốt 3 năm học... để em có thể tiếp tục nâng bước đến trường.
Một số trường tiểu học ở thị xã quê tôi, dù trong thời gian nghỉ hè nhưng nhiều giáo viên vẫn xuống trường tình nguyện dạy cho một số học sinh có lực học yếu để vào đầu năm học các em có thể theo kịp bạn bè.
Số khác lại dạy các em tại nhà hàng ngày, nhưng đặc biệt không nhận tiền thù lao. Vào năm học, hình ảnh những thầy cô đi xin từng bộ đồ, từng cái cặp, từng đôi dép, đôi giày, bộ sách giáo khoa đến việc quyên tiền mua bảo hiểm cho một số học sinh khó khăn không còn là chuyện hiếm. Có giáo viên còn bớt tiền sinh hoạt hàng tháng để trao học bổng, trao xe đạp cho một số học sinh nghèo…
Cưu mang, đùm bọc, sống hết lòng với con cái chỉ có thể là ba mẹ. Nhưng trong thực tế, vẫn còn rất nhiều thầy cô luôn dành cho các cô cậu học trò của mình những tình cảm thiêng liêng như tình mẫu tử. Họ đã và đang xứng đáng với danh xưng mà nhiều người dành cho “mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”.