Một điểm bằng một chỉ vàng đấy!

09/03/2020 06:28
Lê Mai
(GDVN) - Đầu tư cho giáo dục, đừng thấy cái thiệt trước mắt, có thể chỉ một học sinh này đạt giải nhưng nó đang âm thầm nhen lên trong học trò ngọn lửa học tập...

"Một điểm học sinh giỏi bằng một chỉ vàng đấy!" là câu nói mà tôi và đồng nghiệp không quên khi nhận kết quả thi học sinh giỏi của nhà trường cách đây hàng chục năm.

Trường tôi bé tẹo, cách huyện lỵ hơn ba chục cây số, cách tỉnh lỵ gần cả trăm cây, mỗi khối chỉ có hai lớp, mỗi lớp hơn hai chục đứa học trò. 

Từ khi thành lập cho đến ngày tôi về trường chưa hề có học sinh tham gia thi học sinh giỏi hay Hội khỏe Phù Đổng, tất cả đều được giải thích “Trường mình xa, nghèo, tham gia tốn kém lắm”.

Tôi về dạy được hết kỳ I, tình cờ đọc được thông báo có kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện; tôi liền đề nghị hiệu trưởng cho học sinh tham gia.

Hiệu trưởng gọi tôi vào phòng và nói “Trường mình xa, nghèo, tham gia tốn kém lắm; không có tiền bồi dưỡng, không có tiền cho học sinh đi thi, em quên chuyện này đi”. Tôi liền nói “Không có khởi đầu, sao có kết thúc; em tự nguyện hết, thầy chỉ cần lập danh sách cho em H. đi thi là được, còn lại em tự lo”. 

H. là học sinh đầu tiên của trường đi thi học sinh giỏi! Tôi là giáo viên đầu tiên của trường cho học sinh đi thi học sinh giỏi. Tôi và H. cùng nhau vật lộn với mớ kiến thức chẳng biết bắt đầu và kết thúc từ đâu; kỳ thi năm ấy H. được … 1 điểm.  

Đầu tư cho giáo dục đừng thấy cái thiệt trước mắt. (Ảnh minh họa trên Pinterest.com)
Đầu tư cho giáo dục đừng thấy cái thiệt trước mắt. (Ảnh minh họa trên Pinterest.com)

Hiệu trưởng đề nghị tôi kê khai chi tiết thời gian dạy bồi dưỡng, tiền đi thi… cho đợt thi học sinh giỏi, tôi từ chối vì tự nguyện mà; thế nhưng hiệu trưởng vẫn đề nghị kê khai chi tiết, sau một hồi tính toán, hiệu trưởng bảo số kinh phí đó mua được một chỉ vàng đấy.

Họp hội đồng, hiệu trưởng dõng dạc tuyên bố “Một điểm học sinh giỏi bằng một chỉ vàng đấy, từ nay các thầy cô lấy tấm gương này mà cân nhắc chuyện đề nghị cho học sinh đi thi”.

Sau thất bại, H. quyết tâm học cấp ba dù trường xa nhà hơn ba chục cây số; em hiện là bác sĩ chuyên khoa Sản đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh; gia đình H. coi tôi như người ruột thịt trong nhà. 

Từ tấm gương “một chỉ vàng” của H., phụ huynh trong xã đã cho con học cấp ba; có 12 em đã và đang học Y, Dược; hàng trăm học sinh đã tốt nghiệp Đại học; 5 em nay là giảng viên (trường Bách Khoa, Kinh tế, Luật, An ninh); có em là tiến sĩ, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện 108.

Đầu tư cho giáo dục đừng thấy cái thiệt trước mắt.

Có người cho rằng bỏ vài chục triệu cho một danh hiệu học sinh giỏi văn hóa hay Khoa học kỹ thuật là lãng phí; một kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện mà chi hết hai chục triệu có nên không? 

Đầu tư cho giáo dục, đừng thấy cái thiệt trước mắt, có thể chỉ một học sinh này đạt giải nhưng nó đang âm thầm nhen lên trong học trò ngọn lửa học tập, nhen lên ước mơ, hoài bão cho biết bao thế hệ học trò. 

Người thầy giỏi không đơn thuần chỉ dạy cho…học sinh giỏi
Người thầy giỏi không đơn thuần chỉ dạy cho…học sinh giỏi

Có thể chỉ một giải khuyến khích, người ta phải đầu tư tốn hàng chục triệu đồng, nhưng cái được còn lớn hơn thế gấp bội phần, làm giáo dục phải nhìn thấy cái ẩn giấu, tiềm năng bên trong, sự lan tỏa năng lượng tích cực của nó. 

Kể cả không có học trò đem thành tích về cho nhà trường, những bài học kinh nghiệm của giáo viên thu được không hề lãng phí; bài học kinh nghiệm từ thất bại sẽ là bài học quý báu cho giáo viên cầu tiến, có kinh nghiệm để dạy tốt hơn năm sau; nếu không có thất bại làm sao có thành công?

Không ít người có suy nghĩ chi cho hoạt động chuyên môn trong trường học tốn kém, lãng phí, cứ để số tiền ấy cho tăng thu nhập cuối năm.

Chi cho giáo dục chỉ lãng phí khi số tiền đó khi … đi lạc chỗ, số tiền đó bị xà xẻo; lợi dụng chi cho học trò để bòn rút công quỹ; chi một thanh toán hai, ba lần.

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị; đầu tư cho giáo dục, chi cho hoạt động chuyên môn đừng thấy cái thiệt trước mắt. 

Đầu tư cho giáo dục, cho con người là đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất cho gia đình và xã hội;  nhà trường cứ mạnh dạn chi cho hoạt động chuyên môn, hoạt động giáo dục, dù tốn kém nhưng không hề lãng phí, miễn là thực chi cho học trò!                                                                     

Lê Mai