Năm nào cũng thế, cứ đến hẹn lại lên, thời gian này học sinh các cấp lại bắt đầu tất tả cho một kỳ học mới (kỳ học không có trong phân phối chương trình của Bộ Giáo dục) nhưng lại khá phổ biến ở các trường, các trung tâm đó là kỳ học hè mà nhiều người quen gọi là học kỳ thứ 3.
Nhiều địa phương lại bắt đầu học kỳ 3 (Ảnh minh họa Vũ Ninh) |
Học sinh bù đầu vào học hè
Những tiếng hò reo, những tiếng “de” đầy hào hứng của học sinh vang lên khi nghe thầy cô thông báo nghỉ hơn 2 tháng hè bỗng vụt tắt, lụi tàn khi kỳ nghỉ của các em thực chất chỉ có mươi ngày.
Thời điểm này, nhiều cổng trường đã mở, nhiều trung tâm dạy thêm (chủ yếu là trung tâm của giáo viên) đang tưng bừng chào đón học sinh từ các nơi đổ về đăng ký đi học.
Trong vai một phụ huynh xin học cho cháu năm nay vào lớp 1, chúng tôi tiếp cận được với một lớp học khá đông.
Sau khi nghe nguyện vọng của gia đình, cô giáo nói thẳng nếu cháu học nhanh, tiếp thu nhanh mới theo kịp vì học sinh ở lớp này đã được cha mẹ gửi học được vài tháng.
Cô giáo nói tiếp cho cô một buổi cô sẽ trả lời nhận hay không. Mẹ cậu bé đi bên nói rằng tưởng học thêm mà dễ à? Và có ý trách tôi: “Em nói cho nó đi học từ trước nhưng chị cứ cản vì thế mới hết chỗ”.
Khác với con chị, cô bé Nga nhà hàng xóm đã đi học từ những tháng cuối năm lớp Lá. Giờ thì cô bé có thể đọc bài vanh vách, viết bài khá đẹp và không sai chính tả.
Dù thế, cô bé vẫn đi học từ đầu hè. Ngoài học văn hóa ở nhà, cô còn chạy xô học thêm ngoại ngữ, một số môn năng kiếu ở Nhà văn hóa thiếu nhi của huyện.
Ở gần hàng xóm nhưng cả ngày gần như không thấy bóng dáng con. Có lần mẹ cô bé nói thẳng, nó cũng không thích đi học đâu, là mình ép đấy.
Những chiêu thức lùa học sinh đi học thêm hè
Hiện nay không ít trường học vào dịp hè mở cửa trường chiêu sinh để dạy hè. Nói theo luật là vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Thông tư nêu rõ, không được tổ chức dạy thêm vào ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước; không tổ chức dạy thêm các môn văn hóa vào dịp nghỉ hè; việc phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh;
Không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; ...
Thế nhưng lại chẳng có trường nào sai luật cả. Bởi khi tổ chức dạy hè họ đã biết cách dùng “chiêu” để lách luật.
Để hợp thức hóa việc dạy thêm trong hè, không ít trường học đã đưa ra một số “chiêu” thức nhằm lách luật mà vẫn đảm bảo việc dạy thêm ở trường mình là hợp pháp.
Đó là khi chiêu sinh học sinh vào học, những trường học này thông báo dạy kỹ năng sống, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao…cho các em.
Nhưng chủ yếu giáo viên vẫn dạy các môn chủ lực như Toán, Anh và tiếng Việt.
Mỗi buổi học chen thêm một tiết nghệ thuật như hôm dạy thêm tiết Mỹ thuật, hôm sau có thêm tiết Âm nhạc, hôm khác dạy kỹ năng sống…
Lại có trường còn thành lập các Câu lạc bộ môn học nhưng thực ra vẫn là dạy thêm các kiến thức nâng cao một vài môn học nào đó.
Các môn học cũng chỉ xoáy vào Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh. Đối tượng học thêm là những học sinh khá, giỏi.
Nhà trường, giáo viên được những gì?
Ép học thêm sẽ bị phạt 10 triệu đồng, tuyển sinh sai sẽ bị phạt 60 triệu đồng |
Nói thẳng ra, kiểu dạy thêm ở trường nhiều thầy cô giáo không thích.
Bởi, thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng công sức bỏ ra lại khá nhiều.
Thường thì những thầy cô có cuộc sống khá hơn một chút, họ ít đăng ký dạy hè vì muốn tận dụng thời gian quý báu trong hè để nghỉ ngơi, lấy lại sức cho “cuộc chiến” vào năm học mới.
Những gia đình thầy cô giáo khó khăn thì vài ba triệu đồng tiền dạy hè đã là một khoản lớn.
Nếu nghe thế, có người sẽ thắc mắc, ít tiền thế thì tổ chức dạy thêm làm gì?
Giáo viên thu nhập ít nhưng Ban Giám hiệu nhà trường thu được chẳng ít chút nào.
Họ vừa không phải dạy, có khi không lên trường nhưng thu nhập thu được từ dạy thêm hè cũng khá cao.
Với những trường học sĩ số học sinh đăng ký nhiều thì phần trăm trích lại cho Ban Giám hiệu càng lớn.
Tỉ lệ % trích lại bao nhiêu lại phụ thuộc vào quy định của từng trường.
Có trường chia 60-40 (60% thuộc về giáo viên dạy, 40%trích về trường). Có trường lại chia 80-20, trường thì 85-15...
Có giáo viên chia sẻ, một tháng dạy mệt nhoài có khi nhận được 3 triệu nhưng hiệu trưởng lại thu được gấp đôi số tiền của mình.
Ban Giám hiệu trường nào mà thu được số tiền phần trăm lớn thì những trường học ấy hàng năm sẽ luôn tái diễn cảnh học hè và ngược lại.