Chưa nghỉ hè đã lo học thêm
Em Nguyễn Quang Đông hớn hở khoe thành tích trong kỳ thi vừa rồi. Đông năm nay học lớp 5 tại Hà Nội.
Xin hãy giữ cho hình ảnh người thầy đẹp mãi |
Mặc dù đã thi xong, có điểm thi và đến lớp cũng không cần học hành gì nhưng Đông vẫn thắc mắc: “Bao giờ cô giáo cho nghỉ học thêm hả mẹ?”.
Mẹ của Đông chị Vũ Thị Dương nói: “Mẹ cũng không biết, chưa thấy cô giáo báo lại lịch được nghỉ. Chắc khoảng 2 tuần nữa mới được nghỉ”.
Khuôn mặt Đông phụng phịu có chút hờn dỗi: “Chán nhỉ, học ở lớp cũng đã kết thúc mà con vẫn phải đi học thêm”.
Không những Đông phải đi học thêm vẫn phải đi học thêm đều. Một tuần ngoài các buổi học trên lớp Đông vẫn phải duy trì đến các lớp học thêm 6 buổi/ 3 môn.
Ngày họp phụ huynh cô giáo chủ nhiệm vẫn không quên nhắc: “Các phụ huynh vẫn có thể cho con đi học thêm hè tại nhà cô hoặc trung tâm.
Qua hè bắt đầu tháng 7 một số thầy cô sẽ bắt đầu mở lớp trở lại. Các mẹ cho con đi kẻo nghỉ lâu các cháu quên kiến thức”.
Chị Dương ngán ngẩm: “Khổ thân tụi nhỏ suốt ngày phải đi học thêm. Không biết cuối năm học rồi các cô còn dạy dỗ cái gì nữa.
Hồi trước đây tôi đi học chỉ tập trung khoảng 1 tuần trước lễ khai giảng. Bây giờ thì tụi nhỏ phải học thêm cả hè. Gọi là 3 tháng hè nhưng giữa tháng 7 đã phải rục rịch đi học thêm.
Phụ huynh chúng tôi cũng muốn các cháu có kỳ nghỉ dài hơn nhưng cô giáo nói vậy chẳng lẽ lại không đi”.
Kỳ nghỉ hè của nhiều học sinh bị rút ngắn lại vì đi học thêm (Ảnh: Vũ Ninh) |
Theo nhiều phụ huynh việc cho con đi học thêm hè xuất phát từ tâm lý “sợ”. Mà cái “sợ” lớn nhất các thầy cô hay đem ra đó là: Sợ các cháu mải chơi quên kiến thức.
Từ cái sợ đấy cộng thêm cái sợ phật ý cô, nhiều học sinh giữa cái nóng hầm hập tháng 6, tháng 7 vẫn phải cắp sách đi học thêm.
Thương con, thương những đứa trẻ có một mùa hè bị đánh cắp một số phụ huynh bất chấp những lời “cảnh báo” của giáo viên vẫn quyết định cho con ở nhà tận hưởng trọn vẹn quãng nghỉ hè quý giá.
Anh Nguyễn Văn Long là một trong những phụ huynh phản đối chuyện ép học sinh phải đi học thêm nhiều vào mùa hè.
Anh Long cho biết: “Tôi luôn thẳng thắn với cô giáo chỉ cho con đi học khi nào nhà trường thông báo có lịch học và không cho con đi học thêm nhà cô trong dịp hè bằng bất cứ giá nào.
Hè các cháu được nghỉ 3 tháng nhưng nhiều cháu đến khoảng tháng 7 đã phải đi học thêm.
Không biết các cô dạy gì mà dạy nhiều thế? Rồi những kiến thức học thêm như thế liệu có đảm bảo cháu sẽ giỏi các bạn hay không.
Những năm trước vợ tôi thường có tâm lý cả nể. Khi cô giáo động viên cho con đi học thêm cũng cho đi.
Nhưng một số lần kiểm tra sách vở của con thì tôi thấy hè các cô hầu như chỉ ôn luyện kiến thức cũ và có dạy trước một số kiến thức của năm học mới”.
Theo anh Long nghỉ hè là thời gian quý báu của các con sau một năm học tập vất vả. Chính vì thế các bậc phụ huynh nên dành thời gian cho con được vui chơi.
Có thể kết hợp việc học gia sư tại nhà. Bên cạnh đó phụ huynh cũng nên thiết kế các hoạt động ngoài chơi giúp con phát triển cả mặt trí tuệ lẫn thể chất và tinh thần.
Giáo viên cũng “ngán ngẩm” chiêu trò ép học sinh học thêm của đồng nghiệp
Cô giáo Nguyễn Thị Sen (Hà Nội) có 15 năm giảng dạy tiểu học cho biết: “Dù có nghèo đói mình cũng chẳng bao giờ ép học sinh phải đi học thêm”.
Theo cô Sen nhiều đồng nghiệp trẻ thường có tâm lý muốn làm giàu nhanh nên nghĩ ra nhiều chiêu trò “ép” học sinh phải đi học thêm tại nhà.
Ép học thêm sẽ bị phạt 10 triệu đồng, tuyển sinh sai sẽ bị phạt 60 triệu đồng |
Tình trạng này khiến nhiều giáo viên cảm thấy ngán ngẩm nhưng vì ngại va chạm nên không nói thẳng với đồng nghiệp.
Cô Sen cho biết: “Mỗi người có một quan điểm về nghề, về cuộc sống cho nên mình không thể mang suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác được.
Tuy nhiên theo tôi các thầy cô có thể dạy thêm cho những bạn có nhu cầu. Nhưng không được mượn danh nghĩa là giáo viên để ép học sinh đi học thêm.
Nhiều thầy cô cứ nói chúng tôi có ép phụ huynh đâu, cái này tự nguyện mà.
Nhưng tôi hỏi ngược lại nhé: Đặt vào địa vị phụ huynh nếu giáo viên cứ nhồi nhét không cho con đi học hè sợ con quên kiến thức, con mải chơi thì phụ huynh nào dám để con ở nhà”.
Theo cô Sen, nhiều giáo viên nắm bắt được tâm lý của phụ huynh và đánh rất trúng vào điểm yếu đấy.
Từng đầy năm công tác trong ngành cô Nga chứng kiến nhiều chiêu trò của đồng nghiệp trong việc “ép” học sinh đi học thêm.
Cô Nga tâm sự: “Tôi rất phản đối việc dùng sức ép để bắt các con đi học thêm. Đặc biệt đối với giáo dục Tiểu học.
Thậm chí tôi hay nói các cô còn sợ nghỉ hè và chỉ muốn kỳ nghỉ hè trôi qua nhanh để mở lớp dạy thêm.
Một số cô đánh vào tâm lý của phụ huynh. Họ hay nói phóng đại về tình hình học tập của học sinh chẳng hạn như cháu còn yếu chỗ nọ chỗ kia, nghỉ hè xong sợ con quên kiến thức.
Tuy nhiên hình thức tôi phản đối nhất đó là việc phân biệt các cháu đi học thêm và không đi học thêm”.
Nhiều chuyên gia tâm lý khuyến cáo cha mẹ không nhồi nhét con cái học quá nhiều mà nên dành thời gian cho trẻ vui chơi trong kỳ nghỉ hè (Ảnh: Vũ Ninh) |
Nhiều phụ huynh than phiền với cô Nga: Có cảm giác không cho con đi học thêm thì sẽ bị cô giáo ghét. Bên cạnh đó cũng có nhiều phụ huynh chấp nhận cho con đi học thêm để “lấy lòng” giáo viên.
Tại Hà Nội, có trường hợp nhiều giáo viên chung tiền thuê hẳn một căn nhà 4 tầng để dạy thêm. Tất nhiên là dạy thêm chui vì theo quy định thì cấp Tiểu học cấm giáo viên dạy thêm.
Bên cạnh đó một trong số những hình thức “lách luật” khá tinh vi đó là một số trung tâm gia sư liên kết với các trường mời giáo viên và học sinh ra ngoài trung tâm để dạy.
Theo chị Vũ Thị Dung, trong buổi họp đầu năm cô giáo chủ nhiệm đã phát một phiếu đăng ký học thêm tại trung tâm gia sư gần đó.
Ngoài ra nghỉ hè phụ huynh vẫn tiếp tục cho con đi học thêm tại trung tâm. Đội ngũ gia sư có những giáo viên trong trường dạy.
Chuyên gia tư vấn Phạm Phúc Thịnh, Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc cho biết: “Thay vì đi học thêm nhiều các bậc phụ huynh nên trao đổi với gia sư ở nhà, rà soát kiến thức cũ của cháu ở các môn để phát hiện lỗ hổng kiến thức.
Sau đó cùng gia sư giải quyết các vấn đề tắc nghẽn, lấp đầy chỗ trống.
Ngoài ra không nên cho con học ở những lớp học thêm có khuynh hướng dạy trước chương trình vì như thế sẽ khiến con chủ quan, ỉ lại có khi lợi bất cập hại.
Bên cạnh đó các gia đình cũng nên có một kế hoạch học nhẹ nhàng kết hợp với các hoạt động chân tay như bơi, học võ, bóng đá...”.