Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm - chuyện thật như đùa ở Tiền Giang

10/09/2018 06:17
Thanh An
(GDVN) - Nhiều năm liền các giáo viên thuộc huyện Gò Công Tây phải đi trực đêm mà không được chi trả thêm chế độ là điều thua thiệt cho giáo viên.

LTS: Trước sự việc nhiều năm nay, các giáo viên tại một số trường học của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang phải chia tổ để trực đêm (không tính lương) để bảo vệ tài sản của nhà trường theo chỉ đạo của phòng giáo dục huyện, tác giả Thanh An đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo quy định hiện hành thì giáo viên thực hiện nhiệm vụ của mình theo số tiết định mức được quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT.

Nếu đủ số tiết dạy theo quy định cũng đồng nghĩa với việc giáo viên đã hoàn thành công việc của mình.

Khi phân công, điều động nhiệm vụ khác, hiệu trưởng nhà trường phải căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành.

Điều động giáo viên làm thêm giờ, đặc biệt vào ban đêm phải trả lương ngoài giờ cho giáo viên.

Tuy nhiên, chuyện giáo viên một số trường học của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang phải chia tổ để tham gia trực đêmnhiều năm mà không được chi trả chế độ làm thêm giờ là điều chưa đúng với quy định của ngành giáo dục và pháp luật hiện hành.

Bảng phân công giáo viên trực đêm tại Trường tiểu học Long Vĩnh (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Bảng phân công giáo viên trực đêm tại Trường tiểu học Long Vĩnh (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Tại Thông tư 28/2009/TT- BGDĐT ban hành ngày 21/10/2009 đã quy định số tiết dạy hàng tuần của giáo viên như sau:

“Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;

Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;

Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;

Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học”.

Những giáo viên kiêm nhiệm một số tổ chức đoàn thể trong nhà trường thì cũng được giảm số tiết theo từng vị trí đảm nhận.

Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm - chuyện thật như đùa ở Tiền Giang ảnh 2Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè?

Ví dụ, tổ trưởng được giảm 3 tiết, giáo viên chủ nhiệm được giảm 3-4 tiết (tùy cấp học).

Thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết, những thầy cô tham gia Ban chấp hành Công đoàn cũng được giảm số tiết theo chức vụ mà mình được phân công đảm nhiệm.

Tại Khoản 2, Điều 25 của Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ đã quy định:

“Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm”.

Trong Luật giáo dục hiện hành cũng được quy định rõ tại Điều 72, 73 nhà giáo có những nhiệm vụ như sau:

“Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;

Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường; Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;

Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học; Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm - chuyện thật như đùa ở Tiền Giang ảnh 3Vì sao giáo viên sợ Hiệu trưởng?

Nhà giáo có những quyền sau đây: Được giảng dạy theo chuyên ngành đào tạo; Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác và cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nơi mình công tác;

Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự; Được nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động”.

Như vậy, căn cứ vào tất cả các văn bản hiện hành có liên quan đến việc phân công nhiệm vụ của giáo viên thì không có văn bản nào quy định giáo viên phải trực đêm.

Và, khi điều động, phân công giáo viên trực vào ban đêm thì phải căn cứ vào Thông tư liên tịch  số 08/2005/TT-BNV-BTC Hướng dẫn chế độ trả lương làm ban đêm thêm giờ của cán bộ công chức viên chức.

Tại Thông tư này đã quy định rõ số giờ làm thêm được tính bằng những công thức cụ thể để chi trả chế độ cho người lao động.

Chính vì giáo viên là viên chức nên khi phân công phải áp dụng theo những văn bản hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều năm liền các giáo viên thuộc huyện Gò Công Tây phải đi trực đêm mà không được chi trả thêm chế độ là điều thua thiệt cho giáo viên.

Người ra công văn quy định giáo viên trực đêm và cả người sử dụng lao động (hiệu trưởng) đều làm sai các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm - chuyện thật như đùa ở Tiền Giang ảnh 4Cần mạnh tay nếu Hiệu trưởng không tôn trọng quyền của giáo viên

Báo VTC News dẫn lời bà Võ Thị Soa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Vĩnh, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang như sau:

Nhiều năm nay, tất cả các giáo viên của trường (kể cả giáo viên nữ) phải chia tổ để trực đêm, bảo vệ tài sản nhà trường theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục huyện.

Cái này là có văn bản chỉ đạo trực chứ không phải nhà trường tự đặt ra.

Ngay cả tôi là hiệu trưởng cũng phải trực đêm. Nếu nữ giáo viên có con nhỏ hay có cha mẹ già đau bệnh thì được miễn trực”.

Còn đối với giáo viên thì băn khoăn: “Nhiều thầy vô trường nhưng cứ lo lắng vợ con đêm hôm ở nhà một mình.

Còn các cô đi trực chồng con hiểu cho thì đỡ chứ chồng mà không hiểu thì dễ xảy ra nhiều chuyện…”.

Rõ ràng, hiệu trưởng hay giáo viên tham gia trực đêm đều không muốn nhưng họ bắt buộc phải đi trực bởi đó là chỉ đạo của Phòng Giáo dục Gò Công Tây.

Với quy định hiện hành, mỗi trường học hiện nay đều có bảo vệ trực đêm. Trường loại I thường có 2 bảo vệ, trường loại II - III thì có 1 bảo vệ.

Điều này cũng đồng nghĩa, công việc bảo vệ, trực thêm là chức năng, nhiệm vụ của bảo vệ nhà trường chứ không phải là nhiệm vụ của giáo viên.

Chẳng hạn, ngày Tết Nguyên đán có thể điều động giáo viên tham gia trực 4 ngày Tết còn có lý bởi đó là giai đoạn tiềm ẩn những nguy cơ mất trộm nhiều nhất.

Hơn nữa, bảo vệ họ cũng cần thiết đi đây đi đó, thăm thú, chúc Tết anh em, bè bạn thì việc san sẻ bớt công việc trong đơn vị còn có vẻ hợp lý.

Ngày thường mà điều giáo viên trực đêm trong mấy năm rồi thì vô cùng bất cập và hoàn toàn không hợp lý chút nào.

Giáo viên làm việc theo số tiết quy định, nhân viên nhà trường làm việc theo giờ hành chính thì làm sao lại điều động “làm không công” như vậy được?

Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm - chuyện thật như đùa ở Tiền Giang ảnh 5Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa

Hơn nữa, trong nhà trường hiện nay có tài sản gì là đáng giá lắm đâu ngoài mấy cái máy vi tính cũ.

Bàn ghế thì không ai lấy làm gì, nó vừa cồng kềnh mà lại không có giá trị về kinh tế, các vật phẩm, hóa chất của phòng thí nghiệm lại càng không, bởi lấy những cái đó bán cho ai?

Trong khi, đa số trường học bây giờ có đến mấy tầng cửa khóa, điện thắp sáng choang dễ gì mà trộm có thể vào lấy được.

Đó là chưa kể trong các trường học của các tỉnh miền Tây thì trường nào cũng có căng tin. Vì thế, hàng đêm không chỉ có bảo vệ ngủ mà nhà thầu căng tin lúc nào cũng có mấy người ngủ tại trường.

Rõ ràng, việc chỉ đạo, điều động giáo viên vào trực đêm của Phòng Giáo dục Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là hoàn toàn sai quy định của nhà nước, không nhận được sự tán đồng của giáo viên mà thực ra nó cũng chẳng có tác dụng bao nhiêu.

Vì thế, việc chấm dứt phân công giáo viên phải vào trường trực đêm là cần thiết.

Nếu vẫn phân công, nhất thiết Phòng Giáo dục và nhà trường phải bố trí được ngân sách để chi trả chế độ làm thêm cho giáo viên khi tham gia làm thêm giờ.

Tài liệu tham khảo:

https://vtc.vn/giao-vien-o-tien-giang-phai-truc-dem-khong-luong-d425110.html

Thanh An