Chấm 45 bài kiểm tra môn Địa lý lớp 6 đã có tới 12 bài đạt từ điểm 0 đến điểm 2, khoảng 10 bài đạt điểm 3, điểm 4.
Cô giáo Thùy nói mình quá đau đầu và vô cùng chán nản.
Đề cương đã cho 5 câu, giáo viên đã trực tiếp ôn luyện cả 5 câu và phô tô phát cho mỗi người một bản về nhà chỉ việc học thuộc, khi kiểm tra chỉ việc chép vào.
Một lớp (lớp 6) khoảng 10-12 em làm bài thế này, giáo viên sẽ dạy thế nào để đạt chất lượng? (Ảnh tác giả) |
Vậy mà gần 2/3 học sinh của lớp gần như để giấy trắng hoặc chỉ viết lào cào được vài ba dòng.
Chuyện học sinh không chịu học bài, khi làm bài kiểm tra hoặc thi luôn trong tư thế copi bài bạn hoặc chép tài liệu.
Nếu giáo viên xem thi dễ, coi như vượt ngưỡng an toàn. Gặp giáo viên coi thi khó đành để giấy trắng.
Đây không còn là chuyện đơn lẻ ở một vài học sinh mà là hiện tượng khá phổ biến hiện nay.
Nói về chuyện học sinh ngày càng lười học, giáo viên đưa ra khá nhiều nguyên nhân.
Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân chủ yếu cũng do cách học VNEN mang lại
Học sinh VNEN không có thói quen học bài cũ
Phụ huynh Hà Tĩnh khóc trong cuộc họp VNEN |
Ở cách dạy VNEN, ngay hoạt động kiểm tra bài cũ cũng không còn như cách dạy ở chương trình hiện hành.
Mọi hoạt động đều dồn vào nhóm.
Vào tiết học, giáo viên cho học sinh kiểm tra hoạt động ứng dụng (bài tập, câu hỏi ở nhà).
Những bài tập vận dụng kiểu này khá đơn giản, đôi khi không thể kiểm tra để xác thực học sinh có làm thật hay không mà chủ yếu dựa vào sự trả lời (có-không) của các em.
Không có thói quen học bài cũ, nhiều em trở nên lười và học hành sa sút hẳn.
Cô Thùy cho biết, trường trung học cơ sở của cô năm học vừa qua, tuyển sinh được 9 lớp 6.
Nhà trường xếp những học sinh đã học chương trình VNEN ở tiểu học vào chung một lớp. Học sinh học chương trình hiện hành vào chung một lớp.
Vậy nên, có 6 lớp vốn là học sinh trường VNEN ở tiểu học (6A; 6B; 6C; 6D; 6T; 6H) và 3 lớp là học sinh đã học theo chương trình hiện hành (6E;6N;6P)
Giáo viên nào được phân công vào dạy các lớp đã học VNEN, thầy cô trung học cơ sở đều có chung một suy nghĩ “Học trò lười học và học dốt hơn”.
Đã thế, nề nếp lớp học cũng không có (sản phẩm của kiểu ngồi theo mâm và học nhóm quanh năm suốt tháng).
Ở 3 lớp 6 đã học theo chương trình hiện hành ở tiểu học lại hoàn toàn khác hẳn.
Lớp học trật tự hơn, học sinh có kiến thức và chăm học hơn rất nhiều.
Sản phẩm của VNEN thế này, chúng tôi phải dạy làm sao?
4 năm ở tiểu học theo chương trình VNEN, học sinh chủ yếu là học nhóm.
Nói là học nhóm nhưng sản phẩm cũng chủ yếu là của cá nhân (một vài bạn nổi trội trong nhóm hoạt động). Những học sinh lười càng trở nên lười hơn vì đã có bạn khác trong nhóm làm hộ.
Học VNEN lại được đánh giá bằng Thông tư 30, 22 chỉ nhận xét không có điểm số, chỉ được khen (tìm ra điểm được để khen) không được nói lời chê…
Cô Thùy cho biết, phát bài kiểm tra, những em bị điểm kém vẫn tỏ ra hoan hỉ, cười vui chẳng khác nào mình vừa nhận được điểm giỏi.
Trò vui, nhưng thầy cô buồn đến não nề.
Buồn vì trò không chịu học, buồn vì chất lượng môn dạy không đạt, buồn vì phải nghĩ suy, tính cách nào để nâng cao chất lượng học tập cho các em (97% học sinh đạt từ yêu cầu trở lên).
Không ít thầy cô bức xúc “Sản phẩm của VNEN thế này, chúng tôi sẽ phải dạy thế nào?”
Trả về trường tiểu học không được, cho ở lại lớp nhiều như thế cũng không xong.
Giấy kiểm tra, chữ viết và kiến thức đều có vấn đề (Ảnh tác giả) |
Mà dạy thì nhiều em cũng chẳng buồn học. Chúng tôi biết làm sao đây?
Những câu hỏi kiểu như thế luôn được đặt ra trong các buổi họp hội đồng.
Và, câu trả lời bao giờ cũng là "Thầy cô phải nỗ lực hơn thôi".
Nhưng, nỗ lực bằng cách nào? Có giáo viên bức xúc "Làm sao nhét chữ vào đầu khi trò không muốn học?"
Thầy cô có nỗ lực hết sức nhưng học trò không chịu học cũng chẳng thể làm gì khác hơn.
Giáo viên không thể để học sinh yếu quá nhiều. Nhà trường không cần biết học sinh lười học thế nào? Các em học dốt ra sao? Hậu quả này, thầy cô phải gánh chịu.
Khi không thể nâng chất lượng học tập bằng việc dạy, thầy cô buộc phải tung “bí kíp” nâng điểm cho học trò.
Và cứ thế…cứ thế…lớp này qua lớp khác, rồi cấp này cũng qua cấp khác.
Hậu quả đáng buồn này, xin hỏi ai gánh chịu?