LTS: Là một nhà giáo tâm huyết - tác giả Bùi Nam thật sự rất lo lắng và băn khoăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, bởi theo thầy, vấn đề này còn quá nhiều điều cần bàn, đáng bàn và phải bàn.
Trong bài viết lần này, thầy Bùi Nam đã đưa ra những phân tích, cùng một vài ý kiến đóng góp về vấn đề trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quốc hội đồng ý cho phép lùi thời gian và thực hiện phương thức triển khai cuốn chiếu tuần tự chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Việc làm trên là việc làm thận trọng có tinh thần trách nhiệm với một quốc sách có ảnh hưởng đến hàng triệu người, được đồng bào và nhân dân cả nước hoan nghênh, ủng hộ vì nó còn quá nhiều vấn đề tranh cãi về tính khả thi và hiệu quả sau khi áp dụng.
Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Ảnh minh họa: vtc.vn). |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo cả nước.
Trong đó, Bộ nhấn mạnh tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tuần tự trong từng cấp học:
Từ năm học 2019-2020 đối với lớp học đầu cấp của tiểu học, năm học 2020-2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở và 2021-2022 với lớp đầu cấp trung học phổ thông.
Như vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định thực hiện trước một năm so với thời hạn lùi cho phép của Quốc Hội.
Nhưng chúng tôi, những giáo viên đứng lớp thật sự rất lo lắng, băn khoăn và lo sợ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện chương trình mới còn quá nhiều vấn đề cần bàn, đáng bàn và phải bàn.
Thứ nhất, cơ sở vật chất đã đảm bảo?
Từ đây đến năm 2019 – 2020 còn khoảng hơn 1 năm nữa Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê đã có bao nhiêu trường đủ cơ sở vật chất như phòng học để dạy ngay cho cấp tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước chưa?
Bên cạnh đó phòng bộ môn, phòng tin học, nơi để học sinh học tập và thực hành của môn trải nghiệm sáng tạo… Bộ đã chuẩn bị chưa?
Cần phải xây dựng bao nhiêu phòng học nữa mới đáp ứng nhu cầu dạy ngày theo chương trình mới?
Lùi công bố chương trình môn học mới có phải dấu hiệu bảo hộ độc quyền? |
Xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho chúng tôi biết, chương trình mới cần trang bị những thiết bị đồ dùng dạy học, phương tiện dạy học gì?
Bộ đã có những tính toán gì cho việc trang bị đồ dùng dạy học mới và xử lý với những đồ dùng cũ chưa?
Bộ có tính toán gì với đề xuất của nhiều giáo viên là các trường học phải có đầy đủ hồ bơi, sân chơi thể dục thể thao, sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ…?
Theo chúng tôi nghĩ là chưa thể đáp ứng nhu cầu trên, nhất là phòng học, phòng bộ môn, không gian học tập và sinh hoạt.
Thứ hai, về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có đáp ứng chương trình mới?
Việc xuất hiện nhiều môn học mới, trong khi chương trình đào tạo sư phạm chưa triển khai thì ở năm học 2019 – 2020 lấy đâu ra giáo viên các môn học trên?
Ví dụ như môn (hoạt động giáo dục) trải nghiệm sáng tạo, môn ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc thiểu số, các môn âm nhạc, mĩ thuật,…ở cấp trung học phổ thông, môn Anh văn, tin học ở cấp tiểu học,…là một bài toán chưa có lời giải.
Bên cạnh đó, việc tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý thành 1 môn mới Lịch sử và địa lý; 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành 1 môn Khoa học tự nhiên trong khi vẫn do 2 hay 3 thầy dạy chỉ, có điểm khác là 2 hay 3 môn vào cùng một cuốn sách được ví von như “thịt chó – nước chè”.
Quý thầy chủ biên, phụ trách biên soạn chương trình 2 môn "tích hợp" mới này thì trả lời vòng vo, luẩn quẩn thiếu tính thuyết phục và không có cơ sở khoa học.
Thứ ba, Bộ giáo dục dự định thử nghiệm ra sao?
Theo lộ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa triển khai như trên chúng ta không thấy có giai đoạn thử nghiệm, đó là thiếu sót rất lớn.
Giai đoạn thử nghiệm là giai đoạn rất quan trọng, đây là giai đoạn đánh giá đầy đủ, chính xác toàn diện việc thực hiện chương trình của giáo viên, việc học tập của học sinh phải được đánh giá một cách toàn diện, công khai, minh bạch không thể thông qua các báo cáo.
Chúng tôi cho rằng, việc triển khai chương trình VNEN đã thất bại toàn diện.
Đây cần phải được xem là một bài học rất lớn về việc thử nghiệm khi áp dụng chương trình mới, khi chưa đáp ứng về các điều kiện, nghiên cứu tiền khả thi đã vội vàng áp dụng.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo họp với các sở, ban ngành thì đa số dành lời khen cho chương trình VNEN như mới, hay, phù hợp…nhưng khi áp dụng thì rối bời, lúng túng, thất bại với điều kiện của chúng ta.
Xin đừng lấy học sinh làm “chuột bạch”, giáo viên là người chạy theo “bắt chuột”.
Năm học 2018 – 2019, Bộ Giáo dục có ý cho khảo sát năng lực của các em vào lớp 6, thì các nơi có giáo viên dạy theo chương trình VNEN lo lắng vì các em học không bằng nơi dạy theo phương pháp truyền thống.
Có nơi giáo viên sáng dạy theo chương trình VNEN để đối phó với kiểm tra, buổi chiều phải dạy theo chương trình truyền thống vì nếu dạy theo VNEN thì “chết hết”.
Rõ ràng, VNEN đã thất bại, nên xin quý thầy đừng bao biện.
Thay đổi chương trình sách giáo khoa là quốc sách rất lớn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên, nhân dân cả nước mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy làm hết sức cẩn thận, kỹ càng.
Với sự hiểu biết của mình tôi xin được phép góp một vài ý kiến sau đây:
Một là, hãy cởi trói về phương pháp cho giáo viên
Khi thực hiện chương trình mới, xin Bộ hãy cởi trói cho giáo viên tự chủ về phương pháp, cách thức dạy cho giáo viên.
Giáo viên đã là người được học từ trường sư phạm, được học rất nhiều về phương pháp, tâm lý lứa tuổi.
Giáo viên trực tiếp đứng lớp nên hiểu rõ nhất học sinh học như thế nào? Học sinh nào cần phải dạy theo cách nào?
Việc gò ép giáo viên vào một phương pháp như VNEN chẳng hạn sẽ hạn chế tinh thần sáng tạo, đổi mới và hiệu quả.
Tôi ví dụ, ở học sinh lớp 1 giáo viên môn Tiếng Việt tùy theo đối tượng học sinh có thể dạy chữ cái a, b, c hay e,…chữ nào trước cũng được, miễn sao hoàn thành chương trình lớp 1 học sinh biết đọc, viết thành thạo và viết đẹp.
Hay môn Toán lớp 1 phần dạy toán cộng trừ giáo viên có thể dạy bằng công nghệ thông tin, dạy nhóm, sử dụng “đũa” chẳng hạn… miễn sao học sinh biết tính toán đúng và nhớ lâu.
Hay nói đúng hơn chúng ta đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng “đầu ra”, giáo viên không cần theo khuôn mẫu, phương pháp nhất định.
Hai là, phải có thử nghiệm “thực chất”
Gọi là thử nghiệm thực chất vì lâu nay chúng ta gọi là thử nghiệm phương pháp này, cách thức kia nhưng khi báo cáo đều là những con số đẹp nhưng khi thực hiện thì thất bại cũng như VNEN, Công nghệ mới.
Tôi đề nghị khi thử nghiệm chương trình mới phải thử nghiệm đầy đủ ở ít nhất 3 trường học ở mỗi cấp (học sinh đồng đều nhau).
Chọn 50% lớp học theo chương trình là lớp tác động, 50% còn lại dạy theo chương trình hiện tại gọi là lớp đối chứng, sau mỗi năm phải tổ chức so sánh, đánh giá toàn diện, rút kinh nghiệm điểm được và chưa được.
Trong quá trình thử nghiệm trên kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới.
Ba là, chuyển môn tích hợp sang môn trải nghiệm sáng tạo
Trong khi chờ đào tạo giáo viên môn “tích hợp”, chờ thử nghiệm để có giải pháp tốt nhất thì vẫn giữ các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học do các giáo viên đơn môn giảng dạy như hiện nay.
Có thể tích hợp, lồng ghép các phần với nhau vừa đảm bảo tính chuyên môn, chuyên sâu, đồng thời cũng có tích hợp liên môn.
Nên chuyển các chủ đề, nội dung tích hợp sang hoạt động trải nghiệm, vì bản chất hoạt động giáo dục này, ví dụ trồng cây, chăn nuôi, trải nghiệm thực tế,…cần kết hợp vận dụng linh hoạt kiến thức, kĩ năng các bộ môn với nhau.
Bốn là, xin Bộ chú trọng dạy làm người hơn dạy chữ
Việc học kiến thức hàn lâm quá nhiều mà thiếu thực hành, trải nghiệm gắn với giáo dục đạo đức dẫn đến tình trạng bạo lực học đường tràn lan, học sinh không chỉ yếu về kiến thức mà còn thiếu kỹ năng sống, thiếu tính văn hóa, nhân văn.
Chúng ta dùng quá nhiều mỹ từ về phẩm chất, năng lực cần đạt nhưng những chuyện đơn giản như chào, hỏi, thưa, xin phép,…với giáo viên và người lớn lại bị bỏ quên.
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình mới cũng là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Một lần nữa để tránh đi vào vết xe đổ của VNEN, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vô cùng thận trọng, cân nhắc, nó như một trận đánh lớn khi đã đánh là chắc thắng không được thất bại.