Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập, nhà trường tự mình làm chủ mọi công việc

15/11/2019 15:37
TẤN TÀI
(GDVN) - Để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật thì cần phải bỏ cơ quan chủ quản của các trường (trừ các trường chuyên ngành của công an, quân đội).

Ngày 15/11, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thành phố Hồ Chí Minh), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hội thảo: “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”.

Tham gia hội thảo có Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội; Giáo sư Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông;

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng nhiều lãnh đạo các trường đại học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.

Kiến nghị thí điểm bỏ cơ quan chủ quản

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, tự chủ là thuộc tính của trường đại học và tự chủ hóa đại học là thực hiện một bước dân chủ hóa.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Giáo sư Trình Quang Phú, Giáo sư Lê Vinh Danh đồng chủ trì Hội thảo, ảnh: TT.
Giáo sư Trần Hồng Quân, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Giáo sư Trình Quang Phú, Giáo sư Lê Vinh Danh đồng chủ trì Hội thảo, ảnh: TT.

Qúa trình tự chủ hóa đại học cũng là một quá trình xã hội hóa. Trong đó, tự chủ đại học sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các trường công lập, tạo sinh khí mới cho nền đại học nước ta.

Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong quá trình tự chủ của các trường đại học.

Cái vướng lớn nhất là luật. Bởi khi thực hiện quá trình tự chủ đại học thì sẽ đụng tới rất nhiều luật và quy định liên quan chứ không chỉ có Luật Giáo dục đại học.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục Đại học vừa thừa vừa thiếu

“Các thời kỳ trước đây cũng đã đặt ra vấn đề bỏ cơ chế cơ quan chủ quản của các trường đại học.

Bởi cơ quan chủ quản đang hạn chế chức năng của Hội đồng trường, mà Hội đồng trường là cái quan trọng nhất trong tự chủ đại học.

Tuy nhiên, việc bỏ cơ quan chủ quản cũng gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, quy định của pháp luật...

Theo tôi thì vấn đề nào chưa đủ căn cứ thực hiện thì ta cho thí điểm để có thực tiễn mà sửa luật.

Do đó, chúng ta trong khả năng của mình sẽ kiến nghị cho thí điểm bỏ cơ chế chủ quản tại một số trường để rút ra bài học”, Giáo sư Quân nói.

Cũng liên quan đến vấn đề Hội đồng trường, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng;

Nhà nước không thể trao quyền tự chủ của trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.

“Đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tuy nhiên, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu và chủ sở hữu của loại hình trường đại học; phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của chủ sở hữu cho chính Hội đồng trường", Tiến sĩ Khuyến cho hay.

Không tự chủ thì hệ thống đại học chưa trưởng thành

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, để giải quyết đúng vấn đề tự chủ đại học phải bắt đầu từ tư duy.

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TT
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TT

Tư duy không đúng sẽ thực hiện không đúng. Tự chủ không có mục đích tự thân, không phải để mà tự chủ. Tư duy về tự chủ là tư duy phát triển, cho phát triển, để phát triển, vì sự phát triển.

“Mục đích của tự chủ là để trưởng thành và có chất lượng cao hơn. Trưởng thành đối với nhà trường và thầy giáo. Chất lượng cao đối với học sinh - sản phẩm của giáo dục đào tạo.

Nhiều người không có tư duy ghép lại thì thành cả một cộng đồng thụ động, lệ thuộc, mất tự chủ, mất nguồn lực nội sinh.

Rời khỏi mục đích phát triển hoặc gây cản trở cho mục đích đó thì tự chủ ấy sẽ là vô nghĩa.

Học phí phải do nhà trường quyết định

Nên nhớ, tự chủ cũng có hai mặt. Mặt tích cực là chủ yếu. Nhưng mặt tiêu cực cũng không nhỏ và thường song hành không thể chủ quan”.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đền việc tự chủ đại học và tự do học thuật.

Qua đó, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, đó là những con người tự do trong nhận thức và lựa chọn các khả năng.

“Tự chủ là biểu hiện của sự trưởng thành. Đại học là đào tạo bước tiếp theo đối với những con người đã bắt đầu trưởng thành, đã biết 'tự mình'.

Nhà trường không thể tạo ra những con người tự chủ khi bản thân nhà trường không được tự chủ trong công việc. Cơ sở đào tạo ở đây là một trung tâm trí thức bậc cao.

Tại đó có một tập thể thầy giáo và các nhà khoa học. Lao động của họ là lao động sáng tạo, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.

Nếu họ không được tự chủ còn cơ quan áp đặt cho họ lại không có trình độ chuyên môn bằng họ thì làm hỏng việc và hạn chế năng lực sáng tạo của cơ sở.

Những người thầy ở đây tham gia trực tiếp tạo ra sản phẩm là con người, mà phải là con người tự chủ và sáng tạo. Mà người thầy lại không được chủ động và sáng tạo thì làm sao tạo được sản phẩm tốt?

Nếu không được tự chủ thì áp đặt cho cơ sở đào tạo sẽ là ai? Một cơ quan không phải sự nghiệp giáo dục mà là hành chánh.

Hành chánh tuy cũng rất quan trọng nhưng sẽ tạo ra thứ khác chứ không phải làm chức năng của giáo dục đào tạo.

Không tự chủ thì đó là hệ thống đại học chưa trưởng thành, là cấp 4, thực chất chưa phải là đại học và do vậy trong cộng đồng xã hội cũng sẽ không có sản phẩm ra trường xứng đáng trình độ đại học về thực chất”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ thêm.

TẤN TÀI