Giáo viên ghét nhất điều gì ở nhà trường?

21/09/2018 06:49
HỮU SƠN
(GDVN) - Giáo viên được trả lại tự do, không phải thu - chi bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh ở nhà trường...

LTS: Thẳng thắn chỉ ra những điều ở nhà trường mà các giáo viên không thích, tác giả Hữu Sơn đã có bài viết nêu ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giáo viên chủ nhiệm mong được “trả lại tự do”

Lâu nay, các khoản thu từ bắt buộc đến tự nguyện, các nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đều “gởi gắm” cho các thầy cô giáo chủ nhiệm vì lý do không có bộ phận nào ở trường thu các khoản tốt hơn các thầy cô giáo này.

Giáo viên chủ nhiệm thành “chủ nợ”, tốn rất nhiều thời gian để thu, đếm tiền của học sinh, phụ huynh và chốt tiền cho thủ quỹ nhà trường.

Chưa kể có lúc bị mất, thiếu tiền do nhầm lẫn, trộm cắp, đành phải bóp bụng, giấu vợ (chồng) đến tháng lấy lương mình bù vào.

Giáo viên không thích những gì nhất ở nhà trường? (Ảnh minh họa: TTXVN).
Giáo viên không thích những gì nhất ở nhà trường? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Lên lớp hay nói, nhắc chuyện tiền nong, hình ảnh người thầy cô giáo ít nhiều mất thiêng trong tâm trí học trò.

Năm học này, có Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa yêu cầu nhà trường không được giao giáo viên nhắc nhở, trực tiếp thu các khoản tiền đầu năm và trong năm học.

Tất cả giáo viên đều không muốn hồ sơ, sổ sách nhiều

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành công văn Số: 68/BGDĐT-GDTrH về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường từ năm 2014 với yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo các nhà trường thực hiện một số vấn đề sau:

1. Các nhà trường không sử dụng những loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định của Điều lệ hoặc Quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; có thể sử dụng kết hợp để giảm số lượng các loại hồ sơ, sổ sách ở mỗi trường.

2. Không được yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài các loại sau:

- Giáo án (bài soạn) lên lớp viết tay hoặc đánh máy; có thể kết hợp soạn giáo án các môn học hoặc hoạt động giáo dục trong cùng một cuốn;

Giáo viên ghét nhất điều gì ở nhà trường? ảnh 2Đầu năm lại đau đầu vì ..."khổ sách"

- Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;

- Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học);

- Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường như sử dụng sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý tổng hợp các số liệu, hồ sơ quản lý nhà trường…

4. Các cơ quan quản lý giáo dục không được chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành tới các nhà trường các loại hồ sơ, sổ sách, tài liệu quản lý chuyên môn của nhà trường và của giáo viên.  

Tuy nhiên, “phép vua thua lệ làng” một số tổ chuyên môn, nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục bày vẽ ra nhiều loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ trường phổ thông, công văn 68 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với lý do để dễ bề quản lý, theo dõi các hoạt động của giáo viên.

Theo nhiều thầy cô giáo, việc này làm này rất vô bổ, không cần thiết, chỉ mất nhiều thời gian, công sức, gây ảnh hưởng chất lượng giảng dạy, công việc chung của họ mà thôi.

Kể cả, chuyện hội họp ở nhà trường diễn ra quá nhiều lần, dông dài, lê thê, các giáo viên cũng chẳng hứng thú một tí nào. 

Nhiều giáo viên không muốn điều chuyển, thuyên chuyển, biệt phái đi trường khác, cấp khác

Giáo viên ghét nhất điều gì ở nhà trường? ảnh 3Thầy cô có phải đàn gà đâu mà xua từ cấp này sang cấp khác

Đó tâm lý chung của những nhà giáo sau một thời gian dài công tác ở đồng bằng, thành phố (nơi điều kiện kinh tế thuận lợi, phát triển) đã có gia đình, cuộc sống ổn định.

Nhưng trước tình trạng thiếu - thừa giáo viên cục bộ giữa các trường, các cấp học và một số giáo viên dạy lâu tại một trường có tư tưởng “công thần”, ỷ lại, ít năng động, sáng tạo trong công việc nên buộc các cấp quản lý cấp trên phải sắp xếp, tổ chức lại nhân sự, con người.

Giáo viên thừa ở trường này, cấp này thì phải điều chuyển đến trường khác, cấp khác.

Thầy cô giáo dạy đã lâu năm (trên 10 năm) ở trường này thì phải thuyên chuyển đến trường khác để tự làm mới mình, để phù hợp, cân đối, công bằng hơn về nâng lực, trình độ… đội ngũ nhà giáo giữa các trường trên cùng địa bàn và giảm bớt tình trạng học trái tuyến, phụ huynh chê trường này, phụ huynh khen trường nọ tốt.

Có nơi làm chưa tốt, thiếu công bằng, không soi xét thấu đáo các hoàn cảnh cụ thể của từng giáo viên, hay bị chi phối bởi những quan hệ khác… khiến nhiều giáo viên bức xúc, khiếu kiện khắp nơi…

Đụng đến quyền lợi thiết thân của nhà giáo, nếu cấp trên  không giải quyết hợp lý, hợp tình thì “sóng gió” ở trường, địa phương sẽ nổi lên.

HỮU SƠN