Vì sao khó giữ chân được giáo viên tiếng Anh ở các thành phố lớn?

12/12/2019 14:40
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Khác với các môn học còn lại ở các trường phổ thông, giáo viên tiếng Anh có nhiều lựa chọn cho công việc của mình.

Những năm qua, sinh viên sư phạm ra trường đa phần đều rất khó xin việc  nhưng đối với giáo viên tiếng Anh thì hoàn toàn ngược lại vì môn học này luôn khát nhân lực nên các trường công lập ở một số thành phố không tuyển được, hoặc tuyển được cũng khó giữ chân giáo viên.

Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng này là giáo viên tiếng Anh có nhiều việc để lựa chọn cho tương lai của mình. Họ có thể đi dạy trong các nhà trường, có thể dạy ở các Trung tâm Ngoại ngữ, làm phiên dịch, dịch thuật và rất nhiều ngành nghề khác cũng có nhu cầu tuyển dụng.

Một số nơi đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh (Ảnh minh họa: Báo Nghệ An)

Một số nơi đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh (Ảnh minh họa: Báo Nghệ An)

Khác với các môn học còn lại ở các trường phổ thông, giáo viên tiếng Anh có nhiều lựa chọn cho công việc của mình. Nếu họ thích đi dạy thì không dạy trong các trường công, họ dạy ở các trường tư và các Trung tâm Ngoại ngữ.

Những nơi đó, họ không bị áp lực bởi hồ sơ sổ sách, giờ giấc và vô vàn những công việc không tên khác. Trong khi, dạy ở các Trung tâm Ngoại ngữ hay làm một việc khác thì thu nhập cao hơn rất nhiều so với việc được tuyển dụng vào làm giáo viên ở các trường công lập.

Với mức lương hiện nay, một cử nhân sư phạm ra trường được hưởng hệ số lương 2,34, những giáo viên thử việc trong năm đầu tiên chỉ hưởng 85% mức lương đó thì tính ra mỗi tháng họ chỉ nhận được chưa đến 4 triệu đồng.

Số tiền ấy nếu giáo viên sống ở quê thì có thể tạm ổn nhưng sống những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh thì thực ra vất vả vô cùng bởi tiền thuê nhà (nếu là giáo viên ngoại tỉnh) đã chiếm mất một nửa số lương hàng tháng.

Chính vì thu nhập thấp mà áp lực vô hình thì nhiều nên nhiều sinh viên sư phạm tiếng Anh ra trường những năm gần đây ở khu vực thành phố rất ít người thiết tha nộp đơn vào ngành Giáo dục để được tuyển dụng.

Vì khó tuyển giáo viên tiếng Anh nên trong tháng 11 vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên bởi Luật Giáo dục sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020 tới đây quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên cao hơn hiện nay.

Vì sao khó giữ chân được giáo viên tiếng Anh ở các thành phố lớn? ảnh 2Đại biểu nêu thực trạng "chợ đen giáo dục", cần đặt tiếng Anh về đúng vị trí

Giáo viên Tiểu học phải là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, những trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Chính những quy định này sẽ gây khó khăn cho việc tuyển dụng một số ngành học, trong đó khó nhất là tuyển dụng giáo viên tiếng Anh. Bởi với chuẩn hiện nay mà còn không tuyển được thì nâng chuẩn lên cao hơn nữa sẽ tìm đâu ra nguồn tuyển?

Trăn trở về việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ:

“Năm nào cũng đỏ mắt tìm giáo viên, khó khăn lắm, đến mức phải cưng như “trứng mỏng” để mong giữ người gắn bó với trường bởi mức thu nhập trong trường chỉ bằng một phần rất nhỏ so với việc đi dạy thêm ở các trung tâm mà ở ngoài còn không bị áp lực giờ giấc, giáo án...”.

Thực tế, các địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua đã rất khó tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, có nơi chỉ tuyển được 10% như dự kiến, có nơi không tuyển được, nơi tuyển được thì giáo viên lại bỏ nghề để tìm công việc khác.

Có lẽ khó khăn này không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự đối với việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh hàng năm.

Vì nhu cầu học tiếng Anh của nhiều học sinh và cả người trưởng thành ngày càng nhiều nên giờ đây không chỉ ở thành phố mới có Trung tâm Ngoại ngữ mà các vùng nông thôn cũng đã xuất hiện khá nhiều hoặc các chi nhánh được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người học.

Chính vì thế, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở các Trung tâm Ngoại ngữ ngày càng nhiều với mức lương hấp dẫn và nhiều chế độ phúc lợi khác giúp cho nhân sự tiếng Anh có nhiều lựa chọn cho công việc của mình và họ không bao giờ phải lo thất nghiệp.

Vì sao khó giữ chân được giáo viên tiếng Anh ở các thành phố lớn? ảnh 3Trường Ngô Quyền đi đầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy tiếng Anh

Hơn nữa, dạy ở đâu cũng là đi dạy mà dạy ở nơi ít những áp lực công việc, ít gò bó về thời gian, không nặng về sổ sách hành chính, thu nhập cao hơn thì việc không lựa chọn trường công để tìm một công việc tương tự hoặc việc khác cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài các Trung tâm Ngoại ngữ thì các Trung tâm Gia sư ở các thành phố hiện nay cũng đang thu hút rất nhiều giáo viên tiếng Anh đến dạy với khoảng thời gian linh hoạt, tự giáo viên đề xuất, sắp xếp với trung tâm.

Đó là chưa kể hàng loạt các khu công nghiệp, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài cũng luôn là điểm đến với những nhân lực có trình độ tiếng Anh tốt.

Những công việc này giúp họ có thể thăng tiến trong công việc, giúp họ đi đây, đi đó nhiều mà không nhàm chán. Nhất là thu nhập hàng tháng có thể giúp họ đảm bảo tốt cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Chính vì những bất cập trong công việc, trong thu nhập hiện nay khiến cho ngành Giáo dục các địa phương đang phải loay hoay tìm cách tuyển dụng và giữ chân giáo viên tiếng Anh nhưng một số địa phương vẫn chưa làm được.

Trong khi, những yêu cầu về tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên còn cứng nhắc, nặng bằng cấp, chưa linh hoạt và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đội ngũ giáo viên tiếng Anh.

Những khó khăn này, rất cần sự tháo gỡ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh được thuận lợi và tránh tình trạng “nhảy việc” như một số địa phương đang phải đối mặt hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

//thanhnien.vn/giao-duc/do-mat-tim-giao-vien-tieng-anh-1158338.html

NGUYỄN CAO