Gia Lai: Lương thấp, 1 người 'gánh' 2-3 nơi, nhiều kế toán trường học nghỉ việc

16/01/2023 06:32
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống nhưng phải kiêm nhiệm công việc ở 2-3 nơi khác nhau khiến nhiều kế toán trường học ở Gia Lai xin nghỉ việc.

Một người “gánh” công việc ở 2-3 trường

Những ngày cuối năm, khi mọi người đang hối hả sắm Tết thì chị Lê Thị Ánh Tuyết (nguyên kế toán Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Ama Trang Lơng, huyện Chư Pưh) lại phải loay hoay đi gõ cửa các cơ quan chức năng để hỏi tiền trợ cấp thôi việc một lần.

Nhiều nhân viên kế toán trường học quyết định nghỉ việc vì khối lượng công việc nhiều mà đồng lương, mức hỗ trợ thấp. Ảnh: AN

Nhiều nhân viên kế toán trường học quyết định nghỉ việc vì khối lượng công việc nhiều mà đồng lương, mức hỗ trợ thấp. Ảnh: AN

Đi cùng với chị còn có chị Hoàng Trần Bích Loan (nguyên kế toán Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh).

Khối lượng công việc nhiều, phải kiêm nhiệm kế toán của 2-3 trường học, trong khi đồng lương ba cọc ba đồng khiến chị Tuyết và chị Loan phải chấp nhận nghỉ việc để tính đường mưu sinh cho gia đình.

“Trong khi công việc sổ sách, giấy tờ tại trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Ama Trang Lơng khá nhiều thì tôi phải kiêm nhiệm thêm công tác kế toán của trường mẫu giáo 2.9 (thuộc xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Công việc quá tải, áp lực nhưng cũng phải cố gắng hoàn thành.

Nhưng chế độ hỗ trợ cho những kế toán kiêm nhiệm như chúng tôi quá ít ỏi, có nơi còn không có”, chị Tuyết chia sẻ.

Theo chị Tuyết, trong hai năm 2020-2022, hầu hết các kế toán kiêm nhiệm đều không có khoản hỗ trợ, phụ cấp nào thêm. Chỉ có một số ít may mắn thì nhận được khoản hỗ trợ 149.000 đồng/tháng của nhà trường.

“Chúng tôi là những kế toán được đào tạo bài bản và tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế của Ủy ban nhân huyện Chư Pưh. Bản thân cũng đã gắn bó với môi trường học đường một thời gian dài nên cũng không muốn thay đổi.

Nhưng việc thiếu nhân viên trường học đã khiến chúng tôi phải "gánh" vác thêm công việc ở 2-3 trường học khác nhau. Riêng chỉ mỗi khoản đi lại, ngược xuôi giữa các trường cũng tốn nhiều chi phí xăng xe. Công việc nhiều nhưng phải hoàn thành vì nó đi liền với trách nhiệm nữa”, chị Tuyết buồn bã nói.

Dù biên chế là kế toán Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo nhưng chị Loan lại phải kiêm nhiệm thêm công việc tại trường mẫu giáo Hoa Mai. Công việc vất vả cùng với đồng lương ít ỏi khiến chị phải viết đơn xin nghỉ việc.

“Chúng tôi vào làm hợp đồng từ tháng 2 năm 2010, đến tháng 1 năm 2011 thì vào biên chế. Dù gắn bó với công việc kế toán trường học hơn 12 năm nhưng cuối cùng cũng phải xin nghỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn. Con cái đang tuổi ăn, tuổi học nhưng mức lương thấp không đủ trang trải”, chị Loan nghẹn ngào nói.

Những ngày cuối năm, chị Tuyết, chị Loan cùng nhiều kế toán trường học khác đã đến gõ cửa các Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính của huyện Chư Pưh để hỏi tiền trợ cấp thôi việc một lần.

Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Những nhân viên kế toán trường học này vẫn đang chờ phản hồi từ phía Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh xem liệu họ có được nhận tiền trợ cấp hay không?

Khẩn trương tuyển dụng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh cho hay, sau khi nhận được đơn kiến nghị của các nhân viên kế toán trường học (đã xin nghỉ việc), Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã có văn bản chỉ đạo giải quyết.

Trong đó, giao phòng Nội vụ huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Tài chính – Kế hoạch kiểm tra, xác minh. Trên cơ sở đó tham mưu Ủy ban nhân dân huyện làm rõ các nội dung như: căn cứ để bố trí kiêm nhiệm kế toán các trường học như hiện nay;

Các biện pháp, giải pháp đã triển khai thực hiện; Việc bố trí như vậy, kế toán được hưởng các khoản chế độ trợ cấp, hỗ trợ gì theo quy định.

“Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện vẫn đang chờ xác minh cũng như tham mưu từ các phòng ban chức năng trước khi có văn bản trả lời chính thức cho các kế toán trường học”, vị lãnh đạo Văn phòng cho hay.

Trước đó, trong văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Sở Nội vụ tỉnh này cũng đã nêu lên thực trạng thiếu đội ngũ kế toán trường học.

“Năm học 2022-2023, các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đăng ký tuyển 43 chỉ tiêu nhân viên kế toán trường học. Thực tế, thì số nhân viên kế toán trường học thấp hơn so với số trường hiện có.

Các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên trường học, tối thiểu mỗi nhân viên kế toán được phân công kiêm nhiệm từ 2 trường học”, ông Nguyễn Đình Tiến – Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai cho hay.

Cũng theo ông Tiến, hiện Sở Nội vụ đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét, cho chủ trương để các địa phương được phép tuyển dụng nhân viên kế toán trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung cho các đơn vị trường học hiện đang thiếu.

AN NGUYÊN