Tác giả Lê Mai trong bài viết “Chỉ cần giảm 1 hiệu phó, toàn ngành có thể giảm hơn 43.000 nhân sự” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Hãy giảm vị trí lãnh đạo, không nên thực hiện như dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, còn thêm chủ tịch hội đồng trường”.
Bài viết đã dẫn chứng một số trường học nơi tác giả công tác chỉ có một hiệu trưởng nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Một hiệu trưởng giỏi sẽ tạo động lực cho giáo viên dạy tốt. (Ảnh minh họa: Nhandan.vn) |
Không ít trường, dù thiếu chức danh phó hiệu trưởng vẫn hoạt động tốt
Trong thực tế, không riêng gì địa phương của tác giả Lê Mai, ngay tại địa phương người viết hiện có không ít trường học thiếu chức danh phó hiệu trưởng.
Một trường trung học cơ sở với 35 lớp thuộc trường loại I (từ 28 lớp trở lên…), nếu theo quy định của Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì có 3 chức danh lãnh đạo: đó là 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, hiệu trưởng đã về hưu 2 năm nay vẫn chưa có hiệu trưởng mới về.
Một phó hiệu trưởng đã được giao làm quyền hiệu trưởng. Thầy giáo H. giáo viên của trường cho biết, trường thiếu một lãnh đạo cũng chẳng ảnh hưởng gì đến giáo viên. Mình vẫn dạy, vẫn làm việc bình thường như trước đó. Nói rồi thầy H. cho biết, giờ hiệu trưởng có vắng cả tháng thì việc ai vẫn cứ thế mà làm.
Trường tiểu học nơi tôi giảng dạy hiện có 18 lớp. Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cho trường loại II và loại III (từ 27 lớp trở xuống…) thì có 2 chức danh lãnh đạo là 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng.
Năm học 2021-2022 này, cả 2 lãnh đạo trường tôi đều về hưu nên cấp trên điều về 1 hiệu trưởng mới nhưng vẫn khuyết 1 chân phó hiệu trưởng.
Theo thường lệ, một người mới về trường phải có ít nhất một khoảng thời gian nhất định để làm quen với mọi thứ nơi công tác mới nhưng hiệu trưởng mới này bắt tay vào công việc khá nhanh.
Từ đầu năm học đến nay, trường tôi luôn được khen là một trong những trường học tổ chức việc dạy và học online cho học sinh hiệu quả.
Hiệu trưởng giỏi sẽ không cần thêm hiệu phó mà công việc vẫn thực hiện tốt
Khi trường có đầy đủ cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng thì công việc lúc nào cũng ngập đầu. Giáo viên dạy suốt tuần, đi họp cả ngày thứ Bảy đôi khi vẫn chưa hết việc.
Năm học này, trường chỉ có một hiệu trưởng mới, thế nhưng thầy cô giáo hội họp ít hơn nhưng chất lượng công việc lại cao hơn rất nhiều.
Một mình làm cả phần việc của phó hiệu trưởng trước đây nên hiệu trưởng khá vất vả. Mỗi ngày đều đi sớm về trễ hơn giáo viên. Ngày nghỉ hiệu trưởng vẫn một mình lên trường làm việc, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những buổi tối thức khuya để lên kế hoạch.
Nếu là một năm bình thường như nhiều năm học khác cũng đỡ. Thế nhưng, năm học 2021-2022 lại là một năm thật đặc biệt khi học sinh không thể đến trường thì càng cần hơn những chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi và giám sát của lãnh đạo nhà trường. Vậy mà, mọi hoạt động của trường đều diễn ra xuôi chèo mát mái.
Nhớ lại những năm trước đây, khi trường tôi có đầy đủ cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng thì vẫn thường nghe Ban giám hiệu than vãn, nào là: nhiều việc quá; việc gì mà ngập đầu; làm mãi không hết việc…
Thế nhưng, nay chỉ mình hiệu trưởng mới thì mọi việc vẫn cứ hanh thông. Có người sẽ thắc mắc vì sao ư? Đơn giản chỉ vì năng lực của người quản lý.
Cũng những công việc ấy, người quản lý giỏi sẽ sắp xếp công việc có kế hoạch hơn, sẽ giải quyết công việc nhanh gọn và hiệu quả hơn. Còn người quản lý hạn chế về năng lực sẽ không tin tưởng ai, sẽ ôm việc vào người, sẽ ôm đồm nhiều việc không tên, làm việc máy móc và tự mang áp lực vào người.
Nên giảm phó hiệu trưởng thế nào cho phù hợp?
Theo quy định của Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập: trường từ 28 lớp trở lên có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng; trường từ 27 lớp trở xuống có 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng.
Thế nhưng, trong thực tế, không ít trường học hiện chỉ có dưới 10 lớp thậm chí chỉ có 5 lớp cũng có 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng.
Về quy định là không sai nhưng như thế thì vô cùng lãng phí. Trường dưới 10 lớp mà có đến 2 lãnh đạo nên vẫn thường xảy ra tình trạng lãnh đạo thường "ngồi chơi xơi nước" và vẽ vời ra khá nhiều phong trào thi đua.
Từ thực tế trên, người viết cho rằng Bộ Giáo dục cần giảm 1 phó hiệu trưởng ở những trường có từ 20 lớp trở lên. Thực ra những trường có quy mô lớn cũng chỉ cần 1 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng là đủ.
Chức danh phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và phong trào là thừa, là dôi dư vì gần như rất ít công việc để làm.
Giao quyền chuyên môn cho cấp tổ
Trường từ 20 lớp trở xuống nên bỏ hẳn chức danh phó hiệu trưởng. Như vậy, sẽ có người đặt câu hỏi, nếu trường từ 20 lớp trở xuống không còn phó hiệu trưởng thì hiệu trưởng quản lý giáo viên thế nào?
Nếu như các tổ trưởng của 2 bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở làm tất tật những công việc chuyên môn như một phó hiệu trưởng thì trong thực tế, tổ trưởng chuyên môn cấp tiểu học chỉ là “hữu danh vô thực” vì mọi nhiệm vụ, quyền hành đều do phó hiệu trưởng nắm hết.
Từ việc lên kế hoạch giáo dục, kế hoạch thao giảng dự giờ, kiểm tra tay nghề giáo viên trong tổ, kiểm tra hồ sơ sổ sách, lên thời khóa biểu, phân công dạy thay dạy thế, ra đề kiểm tra, đến việc lên lịch chấm điểm, vào điểm, nhận xét…
Tổ trưởng chỉ việc nghe chỉ đạo (giáo viên cũng cùng nghe) rồi phổ biến lại lần nữa và cho ghi biên bản tổ.
Nếu, không còn phó hiệu trưởng thì hiệu trưởng giao quyền cho các tổ trưởng chuyên môn làm những công việc ấy. Hiệu trưởng chỉ cần theo dõi, giám sát và kiểm tra như cách làm của hiệu trưởng trường tôi năm học này.
Giảm hội họp trực tiếp, thực hiện việc thông báo, phổ biến văn bản bằng việc gửi trên hội nhóm của trường. Quản lý hồ sơ sổ sách trên các phần mềm, các ứng dụng của mạng thông tin.
Nắm bắt việc thực hiện các công việc, kế hoạch của giáo viên thông qua những phản ánh của tổ chuyên môn và có chỉ đạo kịp thời.
Khi một lãnh đạo làm việc bằng hai thì cần có những quy định đãi ngộ xứng đáng để tạo thêm động lực, niềm tin, giúp họ thêm nhiệt tình lăn xả trong công việc.
Tài liệu tham khảo:
https://vndoc.com/thong-tu-16-2017-tt-bgddt-dinh-muc-so-luong-nguoi-lam-viec-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-cong-lap-127555
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.