Giám đốc ĐH Huế nêu điểm nghẽn trong thu hút, trọng dụng GV, nhà khoa học giỏi

24/07/2023 06:37
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian qua, Đại học Huế luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và thu hút đội ngũ trí thức trình độ cao.

Hiện nay, nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học còn rất khiêm tốn. Điều này cũng đang đặt ra thách thức lớn cho các trường đại học đối với việc phát triển đội ngũ, đặc biệt là việc thu hút, giữ chân những giảng viên, nhà khoa học trình độ cao.

Nguồn lực để thực hiện chính sách thu hút nhân tài còn khiêm tốn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đang hoàn thiện môi trường và điều kiện làm việc của đội ngũ trí thức trình độ cao, đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trình độ cao và thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh các giảng viên, nhà khoa học giỏi.

Thời gian qua, Đại học Huế luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và thu hút đội ngũ trí thức trình độ cao. Công tác đánh giá, xét duyệt chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh đội ngũ trí thức trình độ cao tiếp tục được đổi mới.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế. Ảnh: NTCC

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế. Ảnh: NTCC

Dẫu vậy, vẫn còn một số thách thức, tồn tại hạn chế như chưa ban hành được Quy định về cơ chế, chính sách riêng, đặc thù để thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao.

Một số ngành nghề thu hút chỉ ở mức độ giải quyết nhân lực cụ thể cho đơn vị, chưa thu hút được người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành.

Nguồn ngân sách để thực hiện việc thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao còn rất hạn chế, chưa sát với mức thu nhập và sức hấp dẫn trên thị trường lao động. Chưa có cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức trình độ cao.

Nguyên nhân vì nguồn lực để thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao còn hết sức khiêm tốn; giải pháp, chính sách thu hút chưa đồng bộ với các chính sách khác như chính sách nhà ở, chính sách thăng tiến,...

Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế đánh giá nhân lực, phân loại, sàng lọc để lựa chọn người có tài năng, năng lực nổi trội, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, để từ đó có chính sách riêng trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng.

Xây dựng Đề án với nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài

Phó Giáo sư Lê Anh Phương cho biết, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đang xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án nhằm tập trung thu hút, tuyển chọn, phát triển chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc trong khu vực công, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trụ cột: kinh tế, tài chính, pháp luật, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế.

Phấn đấu mỗi năm thu hút được 20 sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trong nước; 10 sinh viên đạt loại giỏi trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, thạc sĩ đạt tiêu chuẩn theo quy định; 02 giáo sư, 05 phó giáo sư, 15 tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Đại học Huế.

Đại học Huế luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và thu hút đội ngũ trí thức trình độ cao. Ảnh: NTCC

Đại học Huế luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và thu hút đội ngũ trí thức trình độ cao. Ảnh: NTCC

Cùng với đó, có định kỳ đánh giá để phát hiện nhân tài, từ đó có chế độ đãi ngộ, trọng dụng phù hợp đối với đội ngũ bên trong; gắn với thu hút nhân tài từ bên ngoài.

Cụ thể, theo Đề án này, đối tượng thu hút đối với Đại học Huế là: Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển Đại học Huế; tập trung một số ngành, lĩnh vực: kinh tế, tài chính, kỹ thuật và công nghệ, ngôn ngữ, pháp luật, du lịch, khoa học xã hội và nhân văn.

Về chế độ ưu đãi ban đầu đối với trí thức trình độ cao được thu hút, người được thu hút về làm việc lâu dài tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh và Đại học Huế được hỗ trợ bằng tiền một lần như sau:Với giáo sư, mức hỗ trợ một lần là 450 triệu đồng/người; Phó giáo sư là 300 triệu đồng/người; Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 200 triệu đồng/người; Nhà khoa học, chuyên gia là 150 triệu đồng/người; Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc đạt loại giỏi trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, thạc sĩ đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 140/2017/NĐ-CP là 100 triệu đồng/người;

Về chính sách hỗ trợ thuê, mua nhà ở hoặc đất ở, người được thu hút về làm việc lâu dài có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua nhà ở trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ một lần như sau: Giáo sư, phó giáo sư là 500 triệu đồng/người; Tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia là 350 triệu đồng/người; Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc đạt loại giỏi trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, thạc sĩ đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 140/2017/NĐ-CP là 150 triệu đồng/người.

Về chính sách trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao, gồm có chính sách về tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ, năng lực lãnh đạo, quản lý và chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và môi trường làm việc.

Cụ thể, đối với trí thức trình độ cao có tài năng, năng lực nổi trội trong lãnh đạo, quản lý và một số trường hợp trong hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp, hoạt động chuyên môn (các ngành, lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn): Được cấp có thẩm quyền phân công, bố trí người (hoặc một nhóm) hỗ trợ thực hiện công việc cụ thể; Được ưu tiên trong việc cử dự thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; Được giới thiệu để xét chọn, cử tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định.

Đối với trí thức trình độ cao có tài năng, năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp, hoạt động chuyên môn: Được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng; các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển; Được giữ nguyên chế độ, chính sách trong thời gian cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Trường hợp địa điểm học tập không ở địa phương nơi công tác thì được hưởng các chế độ như đối với người được cử đi công tác; Được cấp có thẩm quyền phân công, bố trí người (hoặc một nhóm) hỗ trợ và được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Được bố trí, sắp xếp nhân lực, vật lực phục vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ cụ thể, kể cả ngoài thời gian làm việc; được tạo điều kiện tiếp cận các văn bản để phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học; Được đề xuất dự toán kinh phí thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể; được giao, quyết định việc sử dụng kinh phí; chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp có thẩm quyền về việc sử dụng kinh phí được giao.

Trí thức trình độ cao là cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành việc học tập, bồi dưỡng được hỗ trợ 01 lần như sau: Được công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư là 200 triệu đồng/người; Được công nhận và bổ nhiệm chức danh phó giáo sư là 150 triệu đồng/người; Tốt nghiệp tiến sĩ đúng thời hạn tại các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới là 100 triệu đồng/người; Tốt nghiệp tiến sĩ đúng thời hạn tại các cơ sở đào tạo uy tín ở trong nước là 70 triệu đồng/người; Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa II đúng thời hạn tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và ngoài nước là 50 triệu đồng/người.

“Cũng theo Đề án đang xây dựng, những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên cho thuê nhà chung cư, nhà ở xã hội của tỉnh hoặc có chế độ hỗ trợ phù hợp để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Thành lập Câu lạc bộ Cán bộ trẻ để tập hợp đội ngũ trí thức trẻ trình độ cao là cán bộ, công chức, viên chức có đức, có tài, tạo môi trường để hội viên rèn luyện trở thành người cán bộ trong thời kỳ mới năng động, sáng tạo, tích cực.

Đối với đội ngũ trí thức trình độ cao của Đại học Huế, ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Đề án này, còn được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Đại học Huế”, Phó Giáo sư Lê Anh Phương thông tin.

Phạm Minh