Giám đốc Sở GD Hòa Bình: thầy cô đóng vai trò nòng cốt khi thực hiện CTGDPT mới

02/01/2023 06:49
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Yếu tố con người là quyết định, đội ngũ nhà giáo luôn đóng vai trò nòng cốt, là lực lượng quan trọng hàng đầu trong đổi mới giáo dục".

Mặc dù là địa phương vùng núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội nhưng tỉnh Hoà Bình đã và đang có những chủ trương, chính sách đổi mới để phù hợp với việc đổi mới, căn bản toàn diện của ngành giáo dục.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho hay, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương đã tập trung đảm bảo từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, kinh phí.

"Có hai yếu tố cốt lõi để thực hiện thành công đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đó là con người và cơ sở vật chất, trong đó, đội ngũ nhà giáo luôn đóng vai trò nòng cốt, là lực lượng quan trọng hàng đầu khi thực hiện đổi mới giáo dục và là nhân tố biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực", bà Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến. (Ảnh: nguồn Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Bắc)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến. (Ảnh: nguồn Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Bắc)

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, trong thời gian tới, ngành giáo dục Hoà Bình sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giáo dục đào tạo; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an toàn trường học; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng;

"Hoà Bình sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo; Thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục", bà Tuyến chia sẻ.

Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, một thành tựu rất quan trọng của giáo dục Hòa Bình đã đạt được trong những năm qua là đảm bảo tốt nhất về “Quyền được giáo dục, học tập của trẻ em”.

Theo đó, trẻ em được đảm bảo cơ hội học tập và phát triển mọi mặt. Các chỉ số phản ánh về quy mô phát triển trường lớp, học sinh trong tỉnh đã khẳng định cơ hội học tập của trẻ em được thực hiện tốt.

Tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi ở tỉnh Hòa Bình có thể so sánh ngang bằng với các tỉnh thành phố có điều kiện kinh tế phát triển của cả nước.

Qua thực hiện các giải pháp, biện pháp để phát triển số lượng trẻ ra lớp, đến nay tỉnh đã huy động 75,4% trẻ trong độ tuổi ra lớp, trong đó trẻ nhà trẻ đạt 44%, cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc 16%, trẻ mẫu giáo đạt 99,4%, 100% trẻ em 5 tuổi được ra lớp.

"Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao, 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi giảm hàng năm", bà Tuyến chia sẻ.

Những thành tựu trong 31 năm qua của Hoà Bình

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết, thành tựu ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình đạt được trong 31 năm qua từ khi tái lập tỉnh, chính là kết quả chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%, tuyển sinh vào lớp 10 các hệ đạt trên 95%, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông bình quân đạt trên 95%.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, qua 31 lần tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoàn học sinh tỉnh Hòa Bình đã đoạt tổng số 1150 giải, trong đó có 23 giải Nhất, có 199 học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải. Năm 2022, tham dự Cuộc thi Phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 11 (WICO 2022) tại Hàn Quốc, đã có 3/3 dự án tham dự đoạt Huy chương vàng.

Đặc biệt trong cuộc thi DO YOUR:BIT do Micro:Bit Education Foundation thuộc tập đoàn truyền thông BBC tổ chức, học sinh tỉnh Hòa Bình đoạt 1 trong 18 giải Quán quân tại cuộc thi.

Công tác xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm. Năm 1995, Hoà Bình là tỉnh miền núi thứ 2 và là tỉnh thứ 13 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

Năm 2003, Hoà Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, là tỉnh miền núi thứ 4 và là tỉnh thứ 18 trong cả nước đạt chuẩn này. Hoà Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005. Năm 2012, Hòa Bình là tỉnh thứ hai trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển giáo dục địa phương, ngành giáo dục Hòa Bình đã được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng, tiêu biểu là Huân chương Lao động Hạng Nhất (1995); Huân chương Độc lập Hạng Ba (2003); Huân chương Độc lập Hạng Nhì (2011)...

"Những phần thưởng cao quý đó là sự khẳng định và tôn vinh thành tích, công lao của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Hòa Bình trong sự nghiệp trồng người, là sự đánh giá đúng những cố gắng, nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, công tác, lao động, sản xuất của con em đồng bào các dân tộc, phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai của nước nhà", Giám đốc Sở cho hay.

Tăng quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chia sẻ, quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, ngành học đáp ứng tốt nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 532 đơn vị, trường học với 237.762 học sinh, sinh viên, trong đó có 222 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 194 trường tiểu học và trung học cơ sở, 28 trường trung học cơ sở, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông; 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông; 35 trường trung học phổ thông; 1 trường phổ thông liên cấp; 1 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh; 1 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp- Ngoại ngữ và Tin học; 1 trường cao đẳng sư phạm; 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện, thành phố.

Trung tâm học tập cộng đồng phủ hết 151 xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất, trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy, học và đổi mới giáo dục.

Nếu như năm 1991, tỷ lệ phòng học kiên cố 1 tầng chỉ đạt 59%, thì hiện nay toàn ngành có 8.793 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng kiên cố đạt 83,8%. Khuôn viên, môi trường, cảnh quan sư phạm các nhà trường ngày càng khang trang, sạch đẹp đáp ứng yêu cầu học tập và vui chơi của học sinh đảm bảo an toàn, thân thiện. Đặc biệt, tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh là 60,3%.

Tiếp nối truyền thống, đội ngũ nhà giáo của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có đóng góp trong hành trình “gieo chữ”, trong sự nghiệp trồng người, đóng góp to lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản được bố trí đủ, cân đối về cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Toàn ngành có 19.499 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của cán bộ quản lý giáo dục mầm non đạt 99,2%, giáo dục tiểu học đạt 92%, cấp trung học cơ sở đạt 96%, cấp trung học phổ thông đạt 100%, khối trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên đạt 100%; trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của giáo viên mầm non đạt 90,5% , giáo viên tiểu học đạt 47%, giáo viên trung học cơ sở đạt 82%, giáo viên trung học phổ thông đạt 100%, khối trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên đạt 100%, Trường cao đẳng sư phạm đạt 100%.

Mạnh Đoàn