Giấc mơ của người Cha Khót
Cha Khót là một bản nằm sâu tít tắp sau những dãy núi đá cao chọc trời của xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Để đến được với Cha Khót, phải đi qua những đoạn đường nhầy nhụa bùn đất, băng qua những con suối và những con đường dốc, quanh co uốn lượn, một bên là mỏm đá, một bên là vực thẳm, những đám đá nhọn dựng đứng như những lưỡi rìu chỉ chực chờ hất tung cả người và xe xuống vực. Con đường chỉ không đầy 10km từ trung tâm xã dẫn vào bản nhưng phải mất đến hơn 2h đồng hồ đánh vật, chúng tôi mới đến được với đồng bào nơi đây.
Đặt chân vào bản cũng là lúc mặt trời đã khuất sau những dãy núi. Chiều tà càng khiến bản làng trở nên âm u và ảm đạm với bao quanh là rừng núi là mây mù bao phủ. Những ngôi nhà sàn mái lá tuềnh toàng nằm cheo leo trên những vách núi, trông xa tựa hồ như những tổ chim.
Bản Cha Khót là bản của người dân tộc thiểu số di dân về đây định cư. Đường đi lại khó khăn, gần như biệt lập với bên ngoài, điện sáng không có nên dù đã hình thành từ rất lâu đời rồi nhưng cuộc sống nơi này vẫn còn khó khăn thiếu thốn trăm bề. Dường như cái đói, cái nghèo khiến cho người ta không “mặn mà” với con chữ. Chuyện đến trường vẫn là điều xa xỉ lắm. Nơi này, 5 năm qua chỉ có 2 học sinh học hết lớp 12, còn lại đều dang dở rồi theo cha mẹ đi rừng đi rẫy. Hiện cả bản có 45 hộ/198 nhân khẩu và có đến hơn 20 người không biết chữ.
Mùa mưa, gần như bà con nơi đây bị cô lập hoàn toàn. |
Con chữ chỉ đến với họ khi có bộ đội Biên phòng vào giúp dân làm ăn, xóa đi cái đói nghèo, hướng bà con đến với sự học thì con chữ ở đây mới bắt đầu được người dân quan tâm. Với giọng đượm buồn, ông Vi Văn Hợi - Bí thư chi bộ bản Cha Khót chia sẻ: “Người Cha Khót bao đời ước mơ có một con đường đi lại dễ dàng hơn, kéo ánh sáng về với dân bản. Những thứ này nếu có thì cuộc sống của dân mới cải thiện được. Điều mong muốn nữa là ngôi trường của các cháu được hoàn thiện để các cháu có chỗ học tập, mấy năm rồi công trình xây dang dở rồi để đó còn các cháu vẫn phải học ở ghép ở căn nhà cấp 4 tồi tàn, dột nát”.
Thương người “gieo chữ”
Đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều khó khăn của những giáo viên cắm bản ở vùng cao thế nhưng chỉ khi đến Cha Khót mới thực sự ngỡ ngàng trước sự kiên trì vì sự nghiệp trồng người của những giáo viên nơi này.
Nếu không được sự giới thiệu của chiến sỹ bộ đội Biên phòng, chắc chúng tôi không nhận ra ngôi trường tiểu học và trường mầm non. Ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp nằm im ắng nép mình trên vách núi cheo leo. Nói là trường học cho sang chứ thực ra cũng chỉ là một căn nhà được ngăn thành hai phòng cho cả khối cấp 1. Còn lớp mầm non là ngôi nhà lá được dùng chung với nơi ở của giáo viên.
Hôm chúng tôi đến, cô giáo mầm non Vi Thị Phấn bị ốm nên các cháu ở đây nghỉ học. Căn phòng hoang tàn, trống huơ trống hoác với vài chiếc bàn ghế cũ kỹ đặt cạnh một chiếc giường ọp ẹp là nơi cô giáo trở về sau giờ lên lớp. Khối tiểu học chỉ có 2 phòng nên 5 lớp với 31 học sinh đều phải học ghép. Một phòng bao gồm lớp 1, 2, 3 và một phòng dành cho lớp 4, 5. Học sinh của hai khối lớp ngồi quay lưng về phía nhau còn giáo viên thì cùng lúc phải dạy chương trình của nhiều lớp. Không những thế, những ngày mưa, phòng dột, lớp học tối, các thầy lại phải cho học sinh nghỉ học.
Thiếu thốn về cơ sở vật chất đã đành, việc vận động con em của bản làng đi học cũng không đơn giản. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hà Văn Ninh (26 tuổi) bùi ngùi: “Cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp khiến cho ý thức về việc học con chữ không được bà con ở đây mấy bận tâm, nhiều cháu đang học giữa chừng đã bỏ để theo cha mẹ lên nương lên rẫy. Chúng tôi luôn phải cùng bộ đội biên phòng đi vận động các cháu đến trường. Hơn nữa, việc dạy các cháu ở đây cũng tương đối vất vả khi mà trình độ tiếp thu của các cháu còn nhiều hạn chế, nhiều cháu tiếng Kinh còn chưa sõi”.
Khó khăn chồng chất khó khăn, ở đây do địa hình cũng như kinh phí địa phương còn hạn hẹp nên điện vẫn chưa có, chợ cũng không. Năm 2008, bộ đội Biên phòng đã tạo một con đường dẫn vào bản nhưng con đường ấy vẫn còn vô vàn khó khăn. Trời nắng đường đi đã khó, mưa xuống thì phải đến nửa tháng trời, người bản Cha Khót biệt lập với thế giới bên ngoài. Cũng chính vì thế mà mọi sinh hoạt của thầy cô đều phải tự cung tự cấp.
“Chúng tôi phải tự trồng rau, nuôi vài con gà để lấy trứng. Ngày nghỉ thì đi vào rừng kiếm con chim, con chuột cải thiện bữa ăn. Mới đầu thấy khổ nhưng lâu dần cũng quen. Mình đã chọn con đường này thì mình phải chấp nhận và thích nghi với nó”. Nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của thầy giáo trẻ mà chúng tôi thấy lòng chùng xuống.
Nơi ở của các giáo viên chỉ là những ngôi nhà dựng tạm bằng tre nứa, mưa xuống dột lỗ chỗ nước. Bên trong chỉ có chiếc giường và cái bàn là tài sản. Có lẽ chính trái tim hướng về đồng bào Cha Khót đã tạo nên sức mạnh níu giữ bước chân của những giáo viên nơi đại ngàn heo hút này.
Chị Hà Thị Từng - người dân bản Cha Khót tâm sự: “Trước đây dân chúng tôi quanh năm chỉ biết đến đi làm mà còn không đủ ăn nên không ai ham chữ cả. May nhờ có cán bộ Biên phòng và các thầy cô giáo nên mấy năm nay no cái bụng, con cái biết chữ, mừng lắm”.
ĐIỂM NÓNG |
|
Theo Dân trí